SCMP: Loạt dấu hiệu Nga bị loại khỏi siêu dự án 50 tỷ đô với Trung Quốc, cạnh tranh 2 "ông lớn" toàn cầu
Trung Quốc đang nỗ lực đạt được sự tự chủ về công nghệ, đẩy nhanh quá trình phát triển C929 và nâng cao khả năng đổi mới độc lập để sản xuất máy bay cỡ lớn.
- 06-11-2023Chật vật cảnh mua nhà ở nền kinh tế lớn nhất thế giới: Lương gấp đôi trước đại dịch mới mong tậu căn cơ bản, đủ tiền chưa chắc có nhà để mua
- 06-11-2023Trung Quốc khiến thế giới bật ngửa khi ‘lắp não’ cho máy bay, tự nói chuyện và phân công việc nhóm như con người
- 06-11-2023Chứng khoán Hàn Quốc tăng ‘bốc’ sau quyết định cấm bán khống
Comac một mình phát triển dự án từng liên doanh với Nga
Tập đoàn hàng không vũ trụ Comac (Trung Quốc) đang đẩy mạnh thiết kế máy bay chở khách thân rộng mới trong bối cảnh có thông tin cho rằng liên doanh chế tạo máy bay này với Nga đã đổ vỡ.
Phát biểu tại một hội nghị hàng không ở Bắc Kinh hôm thứ 3/11, Phó chủ tịch Comac Qi Xuefeng cho biết thiết kế máy bay chở khách thân rộng C929 đã có tiến triển.
"Máy bay C929 đã bước vào giai đoạn thiết kế chi tiết. Đồng thời, chúng tôi đang nỗ lực nghiên cứu lĩnh vực máy bay sử dụng năng lượng mới như hybrid, điện và hydro để cung cấp các sản phẩm tiết kiệm, tiện nghi và thân thiện với môi trường hơn", tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Qi.
Tuy nhiên, ông không đề cập đến sự tham gia của Nga vào dự án này.
Theo SCMP, có một số thông tin cho rằng Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thống nhất (Nga - UAC) đã hủy bỏ quan hệ đối tác với Comac.
Năm 2017, hai công ty thành lập liên doanh tại Thượng Hải để tập trung chế tạo máy bay chở khách thân rộng mang tên CR929, trị giá 50 tỷ USD với mục tiêu thách thức các nhà sản xuất máy bay quốc tế hàng đầu thế giới như Boeing (Mỹ) và Airbus (châu Âu). Nhưng dự án trì trệ dẫn đến những đồn đoán liên quan.
Chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào từ Comac hay UAC về tình trạng và tương lai của liên doanh.
Cũng không có đề cập nào về việc Nga tham gia vào quá trình thành lập phòng thí nghiệm đặc biệt để thiết kế C929 - theo thông báo được phía Trung Quốc đưa ra hồi tháng 9. Động thái thể hiện việc Trung Quốc đang nỗ lực đạt được sự tự chủ về công nghệ, đẩy nhanh quá trình phát triển C929 và nâng cao khả năng đổi mới độc lập để sản xuất máy bay cỡ lớn.
David Yu, Chủ tịch Công ty Tư vấn Định giá Hàng không Châu Á nhận định, liên doanh luôn gặp khó khăn.
"Quan điểm của hai bên hoàn toàn bất đồng", ông Yu nói với SCMP. "Tin tốt là giờ đây họ (Comac) có toàn quyền kiểm soát mọi thứ. Nhưng về nguồn lực, họ cần nhiều nguồn lực hơn trước, chẳng hạn như đầu tư và nhân sự."
Vạn sự khởi đầu nan
C919 là một dự án khác của Comac, bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 5/2023 sau hơn 14 năm phát triển. Comac vẫn chưa thể sản xuất hàng loạt C919 và cho biết đặt mục tiêu sản lượng 150 chiếc máy bay thân hẹp/năm trong vòng 5 năm tới.
Nhà phân tích Lin Zhijie tại trang web hàng không dân dụng Trung Quốc Carnoc cho biết năng lực sản xuất cũng là một vấn đề đối với Boeing và Airbus.
"Nguyên nhân chính hiện nay là các vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine gây ra. Chúng bao gồm động cơ và các thành phần cốt lõi", Lin nói. "Đối với một công ty đang bắt đầu lại từ đầu như Comac, có thể phải mất vài năm".
Liu Daxiang, phó giám đốc ủy ban khoa học và công nghệ của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, cho biết việc phát triển máy bay thương mại cỡ lớn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và năng lực quốc phòng của Trung Quốc.
"Máy bay cỡ lớn là sản phẩm chiến lược của một quốc gia, công nghệ cao là biểu tượng quan trọng cho sức mạnh của một quốc gia. Nếu chúng tôi không xây dựng những thứ này, chúng tôi sẽ không thể thúc đẩy sự phát triển của nhiều công nghệ quan trọng khác", Liu nói trong một cuộc phỏng vấn với Henan Broadcasting System vào tuần trước.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Jin Zhuanglong nói với đài truyền hình nhà nước CCTV hôm thứ Bảy rằng sản xuất công nghệ cao đã tăng thêm giá trị cho cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc trong năm nay.
"Hiện tại, nền kinh tế công nghiệp của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn quan trọng để khôi phục tăng trưởng, chuyển đổi và nâng cấp. Cơ hội và thách thức cùng tồn tại", Jin nói.
Đời sống và Pháp luật