Sẽ có gói tín dụng của ngân hàng cho cao tốc 118 nghìn tỷ?
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết có thể sẽ thành lập một quỹ, hoặc một gói tín dụng để các ngân hàng có điều kiện cùng tham gia, điều đó sẽ tạo ra sự đồng bộ giữa các khoản vay của các ngân hàng vì hiện tại có ngân hàng cho vay cao, có ngân hàng cho vay thấp dẫn đến sự không công bằng giữa các dự án.
- 14-11-2017Đại biểu Quốc hội: Chậm đầu tư vào cao tốc bao nhiêu là thiệt hại cho người dân tăng lên bấy nhiêu
- 13-11-2017Quốc hội thảo luận về sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam
- 09-11-2017Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Dự án cao tốc Bắc Nam có con số tôi tính mấy ngày cũng không ra!
Chiều ngày 14/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Chính phủ trình lên.
Sau phần đóng góp ý kiến của các đại biểu, trong những phút cuối của ngày làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn giải trình bổ sung.
Bộ trưởng Giao thông cho biết, dự án này không chỉ Quốc hội mà cả xã hội quan tâm. Các ý kiến của đại biểu đều đồng tình rất cao về sự cần thiết của việc đầu tư dự án đường cao tốc này.
Về nguồn vốn đầu tư, theo Bộ trưởng, do kinh phí hạn hẹp nên cơ quan soạn thảo chọn lựa một số đoạn đường có lưu lượng cao, nếu làm chậm thì sau 2020 sẽ ách tắc nghiêm trọng. Do đó những đoạn đường đã trình với Quốc hội ở đây là đã tính toán rất kỹ lưỡng về lưu lượng, do đó Bộ trưởng đề nghị các đại biểu ủng hộ.
“Chúng tôi xin chia sẻ với nhiều đại biểu của nhiều tỉnh có đề xuất kéo dài đoạn đường giai đoạn 1 đến địa phương của mình. Trong giai đoạn sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu chặt chẽ với Quốc hội và Chính phủ, nếu kinh phí cho phép thì sẽ triển khai các đoạn đường mà đại biểu đề xuất bởi đó cũng là các đoạn nối tiếp của cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1”, ông Thể nói.
Về quy mô đầu tư, theo Bộ trưởng, do kinh phí có hạn nên phải lựa chọn các đoạn và phân kỳ đầu tư bằng cách căn cứ vào các khu vực để xác định bề rộng của mặt đường. Hiện nay cơ bản là thực hiện cao tốc có giải phân cách ở giữa, mỗi bên hai làn xe. Tốc độ hiện nay chỉ khoảng 50 – 60km do cư dân đông đúc và đường còn hẹp, nếu hình thành cao tốc vận tốc trung bình 90km/h thì rất tốt. Trong dự án, các đường giao cắt đều đã tính hết mức và có hàng rào bảo vệ để đảm bảo được tốc độ thiết kế cho xe cộ thấp nhất ở mức 80km/h.
Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho biết đã thực hiện theo quy hoạch có giá trị hiện nay. Trong giai đoạn sắp tới cũng sẽ quan tâm tới các vấn đề về lưu lượng, nhất là trong bối cảnh xe mới, xe giá rẻ đang bùng phát. Thời gian tới chắc chắn sẽ tính toán đến điều chỉnh quy hoạch, nhưng nếu bây giờ mà chờ đợi để điều chỉnh 8 – 10 làn xe như đại biểu đề xuất chờ thêm thì quá chậm.
Về vấn đề tại sao có 3 dự án (trong tổng 11 dự án thành phần được tách từ dự án lớn) phải dùng đến ngân sách, theo Bộ trưởng, đó là các dự án đó nếu đầu tư sẽ đẩy nhanh tốc độ cho các dự án khác, ví dụ dự án cao tốc Trung Lương Cần Thơ. Các dự án xác định đầu tư công là có tính toán cẩn trọng chứ không phải có thể dùng BOT mà lại đầu tư công.
Với 8 dự án thành phần còn lại dùng phương thức BOT, Bộ trưởng cho biết sẽ tiến hành đấu thầu, “nếu đấu thầu lần 1 không thành công, chúng tôi sẽ báo cáo để đấu tiếp lần 2, nếu vẫn thành công thì sẽ trình để xin ý kiến Quốc hội cho sử dụng ngân sách còn lại”.
Về việc thu phí, Bộ trưởng Giao thông cho biết sẽ tiến hành thu phí kín (vào ra bao nhiêu sẽ thu bấy nhiêu) và thu phí tự động để tạo thuận lợi đi lại cho người dân và công khai, minh bạch. “Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi đường cao tốc, còn không thì có thể lựa chọn đi con đường đã có” – Bộ trưởng nói thêm.
Về vấn đề vì sao có những dự án ngắn, dự án dài, theo Bộ trưởng, việc phân chia các dự án là phụ thuộc vào những đoạn giao cắt có ý nghĩa với kinh tế xã hội. "Dựa vào các quốc lộ, tỉnh lộ hiện nay, để nếu nó dừng thì người dân có thể đi sang các đường khác, đường kết nối khác. Rồi chẳng hạn các dự án đấu thầu thành công, triển khai được, nếu gặp đoạn dự án chưa tìm được nhà đầu tư cũng vẫn hợp lý, đường sá không bị giao cắt" - Bộ trưởng giải thích thêm.
Có những dự án lớn tiền, dự án nhỏ tiền là bởi nên làm như vậy sẽ đa dạng hóa được nhà đầu tư, nhà đầu tư lớn tham gia dự án lớn, dự án nhỏ mời gọi nhà đầu tư nhỏ. Điều này là hoàn toàn phù hợp với tình hình tài chính của ngân hàng và nhà đầu tư để tìm kiếm nhà đầu tư lành mạnh, thực sự có năng lực tài chính để cùng ngân hàng thực hiện.
Bên cạnh đó, tư lệnh ngành Giao thông cho biết, điều mà Bộ đang lo lắng là vốn, vì việc đấu thầu hiện nay cũng phụ thuộc lớn vào vốn ngân hàng, nếu ngân hàng không cho vay thì cũng không giải quyết được. “Do đó chúng tôi sẽ có các cuộc gặp gỡ làm việc với Ngân hàng Nhà nước, với Chính phủ để tìm giải pháp, có cơ chế phù hợp. Có thể chúng ta sẽ thành lập một quỹ, hoặc một gói tín dụng để các ngân hàng có điều kiện cùng tham gia gói cho vay đó. Điều này sẽ tạo ra sự đồng bộ giữa các khoản vay của các ngân hàng vì hiện tại có ngân hàng cho vay cao, có ngân hàng cho vay thấp dẫn đến sự không công bằng giữa các dự án. Chúng tôi sẽ nghiên cứu nhiều biện pháp để huy động được nguồn vốn và giúp dự án thực hiện được”, bộ trưởng Thể nói.
Trí Thức Trẻ
- Infographic: Những quyết định quan trọng nào đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV?
- Trung ương cắt 10.000 tỉ đồng cho các dự án chống ngập TP HCM
- Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
- Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại
- Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Bộ Quốc phòng sẽ giữ lại 100% vốn nhà nước tại 17 doanh nghiệp