Sẽ có 'làn sóng' ngân hàng cho vay để trả nợ ngân hàng khác?
Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng giảm lãi suất cho vay thực chất và nhanh từ nay tới cuối năm.
- 06-09-2023Được - mất khi vay ngân hàng trả nợ ngân hàng
- 05-09-2023Ngân hàng đua nhau cho khách vay trả nợ ngân hàng khác
- 04-09-2023Thêm “ông lớn” ngân hàng cho khách vay tiền để trả nợ ở nhà băng khác, lãi suất chỉ từ 6%/năm
Hai ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV vừa chính thức triển khai chính sách cho vay vốn để trả nợ tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay từ 6%/năm đối với vay ngắn hạn.
Đây cũng là điểm mới tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng chính thức có hiệu lực từ 1/9/2023.
Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống được cho là sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các tổ chức tín dụng khác (nếu có).
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu. Sau đó, Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Đối với khoản vay trung dài hạn, ngân hàng BIDV áp dụng lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm. Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo phương án vay tại ngân hàng khác.
Khách hàng có thể dùng chính tài sản đảm bảo đang thế chấp tại tổ chức tín dụng khác hoặc tiền gửi, bất động sản của khách hàng hoặc người thân, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt qua tài sản khách hàng sở hữu.
Giảm lãi suất để tăng khả năng cạnh tranh, giữ chân khách hàng
Diễn biến nêu trên trở nên đáng chú ý trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 8 tháng 2023 rất thấp. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 3/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,44 triệu tỷ đồng, tăng 4,29% so với cuối năm 2022 (mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%). Đặc biệt, diễn biến này diễn ra trong bối cảnh cơ quan quản lý liên tục đưa ra yêu cầu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế.
Có thể hình dung đây là cách các ngân hàng đang tranh thủ lôi kéo khách hàng tín dụng của nhau bằng yếu tố lãi suất thấp. Thị trường có thể kỳ vọng vào một giai đoạn giảm lãi suất cho vay "thực chất" và nhanh từ nay về cuối năm.
Ngoài ra, cần biết rằng, cho đến hết tháng 6, đa số các ngân hàng thương mại chưa đạt được 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm do ĐHĐCĐ thông qua. Không những vậy, tăng trưởng tín dụng 8 tháng vừa qua thấp chủ yếu do nhu cầu vay thấp là do triển vọng kinh tế kém tích cực, xuất nhập khẩu suy giảm, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất hoặc doanh nghiệp có nhu cầu lại không đáp ứng được điều kiện cho vay.
Với sự mở màn của 2 ông lớn NHTM nêu trên có thể là khởi đầu của một "làn sóng" chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng có lãi suất cao sang ngân hàng có lãi suất thấp hơn và nhiều ưu đãi hơn. Theo đó, những ngân hàng có chi phí vốn đầu vào thấp sẽ có lợi thế cạnh tranh, trong đó, một số nhà băng có quy mô lớn và có tỷ lệ tiền gửi CASA như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, MBBank, Techcombank có chi phí vốn đầu vào bình quân chỉ từ 3-4,5% sẽ chiếm lợi thế.
Tuy nhiên, thực tế cũng không dễ để có một làn sóng chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng lãi suất cao sang lãi suất thấp như phân tích nêu trên, vì hầu hết các ngân hàng cũng sẽ cố gắng giữ lại khách hàng tốt bằng việc cạnh tranh giảm lãi suất, các chương trình ưu đãi.
Ngoài ra, với các khoản vay, hầu hết trong khoảng 5 năm đầu khoản vay khi khách hàng trả nợ gốc sẽ phải trả phí trả trước hạn từ 0,5-3%/số tiền trả nợ trước hạn. Vì vậy, nếu tất toán khoản vay trước hạn, ngoài các chi phí phát sinh cho khoản vay mới, khách hàng sẽ phải trả thêm phí trước hạn từ 0,5-3%, tất cả các chi phí này cũng sẽ làm tăng thêm từ 1-4% lãi suất khoản vay (tính trên năm đầu tiên khoản vay).
Có thể hình dung một cách đơn giản là lãi suất cho vay để trả nợ ngân hàng của BIDV đang áp dụng cho khoản vay trung, dài hạn là 6,8%/năm (năm đầu) thì cộng với các chi phí tất toán, phí trả trước hạn, chi phí thực hiện khoản vay mới thì lãi suất khách hàng phải chi trả cho năm đầu cũng sẽ tăng lên tới 8-11%/năm. Khách hàng có thể có lợi trong trường hợp lãi suất từ năm thứ 2 trở đi của khoản vay mới vẫn duy trì ở mức thấp (6-8%/năm).
Phân tích về điểm lợi của Thông tư 06, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Thông tư 06 cho vay để trả nợ ngân hàng khác đối với cá nhân tạo sẽ thuận lợi cho việc đảo nợ. Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.
Với quy định mới, khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, có thêm cơ hội chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác (nếu có). Ý nghĩa của sự nới lỏng này là cho phép lựa chọn ngân hàng có lãi vay tốt hơn còn thời hạn trả khoản vay vẫn không đổi.
Tuy nhiên, thực tế để có một làn sóng chuyển đổi khoản vay từ nhóm ngân hàng này sang nhóm ngân hàng khác còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Những ngân hàng nào nắm bắt cơ hội tốt, có lợi thế sẵn có về nguồn vốn lãi suất thấp, thiết kế các khoản vay phù hợp sẽ có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Nhịp sống thị trường
- Đẩy nhanh vốn tín dụng ra thị trường
- Lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn chênh lệch lớn
- Giá vàng nhẫn vọt lên mức kỷ lục 58 triệu đồng/lượng, người giữ vàng lãi đậm
- VietinBank hạ lãi suất huy động từ ngày 19/9, toàn bộ nhóm Big4 đã giảm về mức đáy lịch sử
- Giá vàng vượt mốc 69 triệu đồng/lượng, USD tiếp tục tăng mạnh