MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ công khai nợ công, nợ nước ngoài cho người dân biết

Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, bao gồm: Vay và trả nợ của Chính phủ; vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh...

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định về chế độ báo cáo và công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Về chế độ báo cáo, dự thảo nêu rõ, Bộ Tài chính tổng hợp và lập báo cáo về nợ công, bao gồm: Báo cáo thực hiện vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ; báo cáo thực hiện vay, trả nợ trong nước của Chính phủ; báo cáo thực hiện vay, trả nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh; báo cáo thực hiện vay, trả nợ trong nước được Chính phủ bảo lãnh; báo cáo thực hiện vay và trả nợ của Chính quyền địa phương; báo cáo thực hiện vay, trả nợ công.

UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp và lập báo cáo về nợ chính quyền địa phương: Báo cáo thực hiện vay và trả nợ của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; báo cáo thực hiện vay và trả nợ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Các cơ quan cho vay lại chịu trách nhiệm lập và báo cáo Bộ Tài chính về tình hình vay về cho vay lại theo các mẫu biểu quy định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp và cung cấp cho Bộ Tài chính các báo cáo về các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp.

Sẽ công khai nợ công, nợ nước ngoài cho người dân biết - Ảnh 1.

Đến cuối năm 2017, nợ công của Việt Nam là hơn 3 triệu tỉ đồng, cả nước hiện có hơn 92 triệu dân, chia ra mỗi người gánh khoảng 30 triệu đồng.

Đối với công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, dự thảo đề xuất: Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm: Các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia; vay và trả nợ của Chính phủ; vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh; vay và trả nợ trong nước của chính quyền địa phương…

UBND cấp tỉnh thực hiện công khai thông tin về vay và trả nợ của chính quyền địa phương các nội dung: Vay Ngân hàng phát triển Việt Nam, Tạm ứng ngân quỹ nhà nước; Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; Vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay khác của chính quyền địa phương.

Đối với các báo cáo định kỳ hàng quý, các đơn vị lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Đối với các báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm: Các đơn vị gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 31-7 hàng năm. Đối với các báo cáo tình hình thực hiện hàng năm: Các đơn vị gửi báo cáo bằng văn bản về Bộ Tài chính trước ngày 15-2 của năm sau.

Bộ Tài chính tổng hợp các báo cáo về nợ công báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định liên quan.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của người dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo Quang Huy

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên