Sẽ đưa vụ Formosa ra Quốc hội
Ngày thứ ba của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XIII (ngày 22/7), trong khi có đại biểu (ĐB) ở đoàn Hà Tĩnh vẫn tiếp tục im lặng, né tránh nói về Formosa, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề cập chuyện xả thải của Formosa; Đoàn sẽ đăng ký phát biểu tại nghị trường về vấn đề này.
- 21-07-2016Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Formosa có lý lịch không tốt, không thể để tiếp tục tàn phá môi trường
- 21-07-2016TS. Phan Hữu Thắng: “Formosa là thất bại lớn nhất trong thu hút và quản lý FDI”
- 20-07-2016“Đề nghị thành lập ủy ban lâm thời điều tra Formosa”
Là đại biểu QH ở địa bàn bị ảnh hưởng bởi hành vi xả thải của Formosa, ông có thể cho biết những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi gắm thông qua các ĐBQH?
Trước kỳ họp QH thứ nhất, khóa XIV, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của cử tri và nhân dân về hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa. Có rất nhiều đoàn cử tri đã tìm đến đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình để trao đổi, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý. Theo đó, cử tri kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng, nhất là trong hoạt động đánh bắt hải sản, đánh bắt xa bờ, phát triển du lịch. Cử tri cũng yêu cầu có những giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường biển hiện nay và thời gian tới.
Thậm chí, cử tri và nhân dân Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch còn khẳng định không nhận tiền hỗ trợ môi trường mà yêu cầu dùng tiền đó để làm sạch môi trường biển. Nhiều ý kiến cũng băn khoăn rằng, trước khi công bố hiện tượng cá chết, nhiều người dân do không biết nên đã lỡ ăn. Người dân lo lắng, băn khoăn không biết rồi đây có bị ảnh hưởng gì về sức khỏe không. Cử tri và nhân dân mong muốn có chính sách để hỗ trợ khám, xác minh xem sức khỏe, cơ thể có bị nhiễm độc tố sau khi ăn cá chết không. Lo lắng của người dân đã gửi gắm là chính đáng, nhiễm độc do ăn phải cá chết dẫn đến chết dần, chết mòn rất là đáng sợ.
Vậy ĐBQH tỉnh Quảng Bình sẽ làm gì để đáp ứng tâm tư, nguyên vọng của cử tri?
“Khi địa phương xảy ra những vấn đề nóng, gây bức xúc thì ĐBQH phải lên tiếng. Bên cạnh đó, các Ủy ban của Quốc hội cũng phải vào cuộc ngay, không tổ chức giám sát thì phải tổ chức điều trần để làm rõ vấn đề, đáp ứng được nguyện vọng mà cử tri đã gửi gắm, trao phó.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, TPHCM
Trong kỳ họp này, mong muốn của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình là được nêu ý kiến tại nghị trường về những vấn liên quan đến hành vi xả thải gây ô nhiễm của Formosa. Chúng tôi sẽ đăng ký phát biểu vấn đề đó trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội. Ý kiến phát biểu của Quảng Bình sẽ tập trung vào phản ánh tình hình thực trạng của Formosa đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các ngành kinh tế khác như thế nào?.
Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp tiếp tay cho Formosa gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, giải quyết dứt điểm hậu quả ô nhiễm môi trường biển. Tiếp đó, cũng có kiến nghị Chính phủ và nhân dân cả nước hỗ trợ nhân dân Quảng Bình khắc phục hậu quả và đặc biệt, là tạo điều kiện để người dân cải hóa nghề nghiệp phát triển, tạo kế sinh nhai trong thời gian sắp tới.
Để xử lý và khắc phục triệt để những hậu quả do Formosa gây ra, nhiều ĐB đề nghị lập Ủy ban điều tra lâm thời, hoặc tổ chức ngay các đoàn giám sát của QH. Quan điểm của ông trước những đề xuất trên?
Vấn đề do Formosa gây ra bây giờ không chỉ là việc ô nhiễm mà điều quan tâm là làm sao tập trung giám sát việc khắc phục hậu quả, xử lý ô nhiễm môi trường biển. Tôi cũng đề nghị, trong thời gian tới, QH cầm quan tâm mạnh mẽ hơn, giám sát kỹ hơn, có chuyên đề giám sát về môi trường, nhất là môi trường biển.
Điều quan trọng hơn nữa là qua vụ việc Formosa, cần phải rút ra bài học kinh nghiệm như khi thu hút đầu tư đừng quá nặng về kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường. Thứ hai, các bộ ngành liên quan phải đánh giá đúng tác động môi trường của các dự án. Đặc biệt, qua vụ việc này, cần phải chấn chỉnh đội ngũ làm công tác môi trường. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, không để tình trạng cán bộ làm lơ cho các vi phạm về môi trường.
Cảm ơn ông.
Vụ PV bị hành hung bên bãi rác Formosa ở Phú Thọ: Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo điều tra, làm rõ
Khoảng 10h30 ngày 22/7 khi PV báo Lao Động và Kênh truyền hình VTC14 đang tác nghiệp gần khu vực xử lý rác thải Formosa của Cty TNHH môi trường Phú Hà (Cty Phú Hà) tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, Phú Thọ thì bị nhóm 5 người tự xưng là bảo vệ của Cty này hành hung. Nhóm bảo vệ quây đánh, giật điện thoại và máy quay của nhóm PV đang tác nghiệp.
Trước sự việc trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, qua hiện tượng Formosa lại hé lộ các vấn đề khác. Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm vụ việc.
Cuối giờ chiều qua, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết sẽ chỉ đạo Công an tỉnh Phú Thọ vào cuộc điều tra, làm rõ những cá nhân liên quan và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Minh Đức
Tiền phong