Sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhiều đối tượng?
Bộ Tài chính đề xuất sửa biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công. Mục tiêu là phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
- 24-06-2017Xem xét việc “siết” ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
- 18-06-2017Khổ vì đi ‘đòi lại’ thuế thu nhập
- 18-03-2017Thuế thu nhập cá nhân rối tinh vì lắm bậc
Giảm bậc tính thuế TNCN
Bộ Tài chính vừa đưa ra báo cáo định hướng chính sách sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Thuế Tài nguyên.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công. Mục tiêu là phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Theo quy định hiện hành của Luật Thuế TNCN, biểu thuế lũy tiến gồm 7 bậc với mức thuế suất từ 5% đến 35%.
Tuy nhiên qua thực tế có nhiều ý kiến cho rằng biểu thuế trên không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như quá nhiều bậc thang, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm, làm tăng số thuế phải nộp, số lượng quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trông khi số thuế phải nộp không nhiều.
Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc xác định số thuể phải nộp.
Từ đó, Bộ Tài chính đề xuất nên giảm số bậc thuế chỉ còn 5 bậc, quy định khoảng cách rộng ở các bậc thấp. Điều chỉnh thu nhập tính thuế ở tầng bậc theo số làm tròn chẵn.
Theo Bộ Tài chính việc sửa biểu thuế này thì hầu hết các cá nhân sẽ được giảm số thuể phải nộp so với hiện nay vì khoảng cách giãn cách giữa các bậc thu nhập đã được nới rộng và thuế suất điều chỉnh ơ các bậc thuế kéo về mức thấp thuế suất thấp hơn.
Đề xuất bỏ quyết toán thuế
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án xử lý đối với quy định quyết toán thuế TNCN.
Phương án 1: Bỏ quyết toán thuế, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tính thuế TNCN hàng tháng theo biểu thuế lũy tiến, cuối năm tổ chức chi trả có trách nhiệm tính lại theo thu nhập bình quân 12 tháng để xác định cá nhân phải nộp thuế thêm hoặc nộp thừa và tự bù trừ cho cá nhân. Phương án này không ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân nộp thuế.
Theo phương án này, đối với cá nhân có kí hợp đồng lao động tại nhiều nơi thì tính thuế TNCN hàng tháng theo biểu lũy tiến tại từng nơi và cuối năm không phải gộp chung để tính lại. Cá nhân chỉ được tính giảm trừ gia cảnh tại 1 nơi có tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Cá nhân tự xác định nơi tính giảm trừ gia cảnh duy nhất trong năm và không được điều chỉnh lại trong năm nếu không thay đổi nơi làm việc.
Đối với thu nhập vãng lai (không kí hợp đồng lao động) thì khấu trừ với theo thuế suất 10% đối với thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên từng lần chi trả, không được tính giảm trừ gia cảnh, kể cả thu nhập vãng lai từ nhiều nguồn.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, phương án 1 có nhược điểm là không phù hợp với thông lệ quốc tế là thuế TNCN phải được tính trên tổng thu nhập trong năm từ tất cả các nguồn và chỉ áp dụng một biểu lũy tiến.
Ngoài ra, với nguyên tắc tính thuế trên sẽ không thu thuế được từ cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam theo các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Phương án 2: Giữ nguyên quy định quyết toán thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng bổ sung quy định ngưỡng tiền thuế dưới 300.000 đồng thì không xử lý hoàn thuế hoặc phải nộp thêm.
Tuy nhiên phương án này sẽ dẫn đến tình trạng hoàn thuế, nộp thêm thuế, xử phạt do không quyết toán thuế đúng hạn, quá tải tại thời điểm quyết toán.
Pháp luật TpHCM