MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ không còn chuyện “hư là vứt đi” trong mô hình kinh tế này?

14-08-2017 - 19:15 PM | Tài chính quốc tế

Cho tới khi tín dụng rẻ và các vật dụng rẻ tiền hơn xuất hiện, đối với nhiều người tiêu dùng ở những năm của thập kỷ 1960, 1970 và 1980, “thuê” là cách dễ nhất để họ có thể có được những sản phẩm như ti vi, đầu video và máy giặt, vì những thứ này khi đó rất đắt đỏ và thường xuyên phải sửa chữa.

Ngày nay, chúng ta được mua hàng rẻ hơn, rồi đem về chất đống hoặc vứt bỏ khi một món nào đó ngưng hoạt động, dù chúng ta có thể sửa được nó.

Sự tiêu thụ các mặt hàng gia dụng ở xã hội phương Tây hiện đang ở “giới hạn trên”, nhiều đến nỗi mà Steve Howard, trưởng bộ phận bán hàng lâu năm của Ikea, nói rằng nó đã “đạt đỉnh”.

Dù nhanh chóng nói rằng điều này không mâu thuẫn với mục tiêu tăng gấp đôi doanh số của Ikea vào năm 2020, nhưng ông đã đề xuất một sự chuyển đổi từ mô hình kinh tế “nhận, làm, dùng, vứt đi” đang phổ biến sang một mô hình “tuần hoàn”, trong đó việc sửa chữa, tái sử dụng và hợp tác để chia sẻ việc sử dụng các sản phẩm được khuyến khích.

Ở trung tâm của nền “kinh tế tuần hoàn” là kinh tế chia sẻ. Trong mô hình này, các sản phẩm và dịch vụ được thuê trong một khoảng thời gian. Đó là sự “tiếp cận” thay vì là “sở hữu”, và bất kì vật dụng nào cũng có thể chia sẻ, từ phương tiện vận tải, bất động sản cho đến hàng tiêu dùng (như các dụng cụ và vật dụng nhà bếp), cũng như kĩ năng và kiến thức.

Tham gia vào nền kinh tế chia sẻ cho phép bạn sử dụng các tài sản được dùng chưa hết công suất và thậm chí là thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập.

Đến tương lai…

Nhiều năm qua, đã có những cách mượn vật dụng khác nhau – chẳng hạn, thuê quần áo trang trọng cho các sự kiện, hay kế hoạch dùng chung xe hiện rất phổ biến ở nhiều thành phố. Và dù nguồn ngân quỹ bị cắt giảm nhiều hơn trong thời gian gần đây, nhưng các thư viện công vẫn mở cửa cho mọi người được tiếp cận sách, nhạc và phim, trong khi các doanh nghiệp lớn như Amazon Kindle, Netflix và Spotify lại ngụ ý rằng không cần phải thực sự sở hữu những quyển sách, đĩa nhạc hoặc cuốn phim thật ngoài đời.

Việc chia sẻ, mượn và tái sử dụng hiện đang trở thành một điều gì đó mà các doanh nghiệp đang chủ động tham gia vào. Hãy lấy Riversimple Rasa – một loại xe chạy bằng pin nhiên liệu hydrogen, được thiết kế đặc biệt cho mô hình doanh nghiệp chia sẻ - làm ví dụ.

Sau thất bại ban đầu, những nỗ lực để phục hồi và tái sử dụng tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX đã đạt được thành công, và năm 2017, sau khi được phục hồi, một tên lửa đẩy đã được sử dụng để phóng vệ tinh viễn thông.

Công ty đối thủ Blue Origin cũng đang phát triển những sản phẩm có thể tái sử dụng. Điều đó nghĩa rằng trong thời đại du lịch không gian, chúng ta có thể được hưởng lợi từ công nghệ tái chế rẻ tiền hơn.

Thư viện đồ vật

Trở lại mặt đất, các kế hoạch dành cho cộng đồng địa phương hiện rất có tiềm năng trong việc chia sẻ những vật dụng đắt tiền và ít được sử dụng, cũng như thay đổi cách mà các đồ gia dụng đang được “tiêu thụ”.

Chẳng hạn, ở Luân Đôn có “Thư viện đồ vật”. Đây là dự án của một doanh nghiệp cộng đồng chuyên cung cấp việc tiếp cận giá rẻ với các vật dụng như dụng cụ tự làm, máy may, thiết bị làm vườn và cắm trại, đồ lau thảm, máy chiếu và nhạc cụ.

Mặc dù sự bền vững là trung tâm của dự án này, nhằm chống lại việc sở hữu mọi thứ, và văn hóa ném đi, nhưng thư viện này cũng là một không gian xã hội với mục đích thiết thực. Họ “tái phát minh” những mô hình cho thuê, trao đổi, và tặng quà truyền thống , và cũng mang lại nơi để gặp gỡ và học hỏi những kĩ năng mới thông qua các lớp học, hội thảo, dạy kèm nấu ăn, may vá, chế tạo bàn ghế và những kĩ năng tự làm khác.

Kế hoạch này giúp mọi người có cơ hội sử dụng những vật dụng họ mượn được và làm những điều mà họ mong muốn. Nếu xét về việc một chiếc máy khoan điện chỉ được sử dụng 15 phút/năm, và được cất giữ trong quãng thời gian còn lại thì rõ ràng rằng nhiều vật dụng gia đình không thật sự phải cần được sở hữu. Và chia sẻ hay mượn cũng đồng nghĩa với việc mang lại một tác động tốt hơn lên môi trường.

Được nhiều hơn với chi phí thấp hơn

Quyền sở hữu và có tài sản đã ăn sâu trong văn hóa phương Tây vì những lý do liên quan đến địa vị xã hội và sự tiện lợi. Tuy nhiên, tăng số vật dụng được thuê hay cho thuê là điều khả thi – kinh tế chia sẻ giúp tiết kiệm tài chính và sự tiếp cận tốt hơn với những hàng hóa chất lượng hơn trong ngắn hạn, đồng thời giảm lượng carbon do con người thải ra. Ngoài ra, trong những dự án như thư viện đồ vật và công ty sửa chữa Restart, thì điều đó mang lại một ý nghĩa chia sẻ cộng đồng và kĩ năng tuyệt vời hơn.

Có thể những doanh nghiệp đã tồn tại lâu sẽ thấy rằng những công ty này là mối đe dọa cho mô hình kinh doanh của mình, vì nếu người tiêu dùng chia sẻ hay thuê đồ vật, thì điều này có thể tác động lên doanh số. Tuy nhiên, thay vào đó, nó có thể khuyến khích các nhà sản xuất tạo ra những vật dụng bền hơn, đáng tin cậy hơn mà họ sẽ giữ quyền sở hữu và cho người tiêu dùng thuê lại, chỉ chịu trách nhiệm bảo trì và thay thế. Động lực đó cũng khiến họ phải có thêm được những sản phẩm có thể dễ dàng sửa chữa, sản xuất lại và chuyển giao cho những người tiêu dùng ít nhu cầu hơn với chi phí thấp hơn.

Chia sẻ như là một phần của “nền kinh tế tuần hoàn” giúp thúc đẩy sự hiệu quả hơn ở các vật liệu, giảm lượng carbon do các sản phẩm thải ra, nhờ được thiết kế và bảo trì với tuổi thọ tối ưu và sử dụng nhiều hơn. Nó cho phép tăng trưởng trong tiêu dùng mà không hề dẫn đến một nhu cầu tăng thêm dành cho các tài nguyên. Đây là một trong những khía cạnh cần được giải quyết nếu chúng ta muốn có cơ hội đạt được những mục tiêu đặt ra trong Đạo luật biến đổi khí hậu và đáp ứng được những cam kết trong Thỏa thuận chung Paris.

Thanh Hải

Business Insider

Trở lên trên