MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ tăng lương hưu để đồng bộ với cải cách tiền lương?

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, khi cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương để người hưu trí không gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách. Trong năm nay, Bộ sẽ tham mưu để tăng lương hưu đạt mức tối thiểu 15%, so với mức lương tăng thêm của cán bộ công chức, viên chức.

Sẽ tăng lương hưu để đồng bộ với cải cách tiền lương?- Ảnh 1.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ tham mưu Chính phủ tăng lương hưu ít nhất 15% để đồng bộ với việc tăng lương công chức, viên chức.

Từ ngày 1/7, tiền lương trung bình của công chức, viên chức khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ cao hơn khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm tính từ 2025 với mức khoảng 7%/năm.

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công 18 nghìn tỷ đồng.

Cùng với thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27, tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị từ ngày 1/7/2024 sẽ đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Đề cập việc triển khai nhiệm vụ này, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung biết, trong năm nay toàn ngành sẽ cố gắng tham mưu để mức lương hưu sẽ tăng tối thiểu đạt 15%, so với mức lương tăng thêm của cán bộ công chức, viên chức.

Theo ông Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh chính sách lương hưu trên tinh thần cân đối hài hòa, không để người hưu trí vẫn gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách.

“Khi thực hiện, đối tượng người có công trước năm 1995 sẽ được giải quyết chế độ ở mức cao nhất, bảo đảm những đối tượng này không bị thiệt thòi. Sau cải cách tiền lương, người có công sẽ hưởng mức cao hơn bình quân”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ.

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2024, Bộ cũng sẽ phấn đấu tham mưu để nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng, tối thiểu mức chuẩn bằng 50% hộ nghèo nông thôn.

Tuy vậy, hiện có 36 đơn vị của một số ngành (viện kiểm sát, tòa án, hàng không, lực lượng vũ trang...) đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù với số lượng khoảng 134.300 cán bộ, công chức. Đối chiếu với Nghị quyết 27 khi thực hiện cải cách tiền lương, các đơn vị này không còn được hưởng chính sách lương đặc thù nữa. Các đơn vị này có thể không được tăng lương nhưng được bảo lưu mức lương hiện hành.

10% chi thường xuyên tăng thêm sẽ dành cho cải cách tiền lương

Về việc chuẩn bị nguồn ngân sách phục vụ cho cải cách tổng thể tiền lương, Bộ Tài chính cho biết, đã có phương án, trong đó tổng chi ngân sách khoảng 132 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hơn 430 nghìn tỷ đồng từ tích luỹ của ngân sách địa phương.

Theo đại diện Bộ Tài chính, đến cuối năm 2023, tồn dư ngân quỹ Nhà nước khoảng 800 nghìn tỷ đồng. Trong số tiền tồn dư ngân quỹ có phần nguồn tiền cải cách tiền lương.

Sau khi cơ quan chức năng ban hành chính sách cải cách tiền lương, Bộ Tài chính sẽ thực hiện theo quy định. Hiện, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 76 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có hướng dẫn cơ chế tạo nguồn chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2024.

Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo quy định; đồng thời khi phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị phải xác định số tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2024 dành cho cải cách tiền lương. Việc này cũng được thực hiện tương tự tại các tỉnh, thành phố.

“Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 của địa phương gồm 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2023 và 50% tăng thu ngân sách năm 2024 so với dự toán (trừ một số khoản thu như tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước…); 50% kinh phí ngân sách địa phương dành ra từ việc tiết kiệm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ Tài chính cho biết.

Theo Bộ Tài chính, nguồn tiền cải cách tiền lương còn đến từ nguồn cải cách tiền lương năm 2023 dư chuyển sang. Trường hợp các địa phương không bố trí đủ, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ một phần.

Theo Dương Hưng - Quỳnh Nga

Tiền phong

Trở lên trên