Sẽ tập trung kiểm tra cổ phần hóa, thoái vốn của các "ông lớn" nhà nước
Theo kế hoạch năm 2018, mỗi tháng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ kiểm tra từ 2 - 3 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty...
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018.
Theo đó, trong năm nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ họp định kỳ mỗi tháng một lần để triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kiểm tra trong tháng; tiến hành kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương từ ngày 10 - 22 hàng tháng.
Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra cũng như đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng những nội dung, vấn đề cần chỉ đạo những nơi được kiểm tra và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, gửi xin ý kiến các thành viên Tổ công tác, hoàn thiện báo cáo từ ngày 23 - 28 hàng tháng; báo cáo kết quả kiểm tra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ của tháng.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về báo cáo kết quả kiểm tra của Tổ công tác, Văn phòng Chính phủ sẽ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện. Những vấn đề lớn, Tổ công tác sẽ báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ để Chính phủ chỉ đạo trong Nghị quyết phiên họp.
Cũng theo kế hoạch, mỗi tháng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ kiểm tra từ 2 - 3 bộ, cơ quan, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty.
Đối tượng kiểm tra là các bộ, cơ quan, địa phương có nhiều nợ đọng trong thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao hoặc có nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác cũng tái kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra nhưng vẫn còn tình trạng nhiệm vụ giao quá hạn chưa thực hiện.
Tổ công tác cũng sẽ kiểm tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ, Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ trong tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, phát triển sản xuất kinh doanh…
Tổ công tác sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao liên quan đến xây dựng thể chế, xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018.
Cùng với đó là tập trung đôn đốc, kiểm tra các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh (cắt giảm 50% so với hiện nay) theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và các kết luận của Tổ công tác…
Tổ công tác cũng kiểm tra các bộ ngành, địa phương liên quan trong việc giải quyết các điểm nghẽn về logistics, như việc rà soát, cắt giảm chi phí logistics, nhất là chi phí liên quan trong lĩnh vực giao thông vận tải…
Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sẽ tập trung kiểm tra việc tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán; tập trung tìm kiếm các giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng được thành lập hồi tháng 8/2017.
Sau hơn 1 năm hoạt động, Tổ đã tiến hành kiểm tra được 40 cuộc, trong đó 4 tháng cuối năm 2016 kiểm tra được 13 cuộc, năm 2017 đã kiểm tra được 27 cuộc.
Từ 1/1/2017 đến 31/12/2017, Chính phủ, Thủ tướng giao 21.914 nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan, địa phương. Nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành chỉ chiếm 1,38% (nhiệm vụ quá hạn năm 2014 là: 28,9%; năm 2015 là: 26,7%; năm 2016: Trước tháng 7/2016 thời điểm chưa có Tổ công tác của Thủ tướng là 25%, và đến 31/12/2016 còn 3,2%).
Vneconomy