Sẽ thanh tra nhiều dự án thua lỗ ngàn tỉ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định việc thiếu quan tâm đến lợi ích của người dân, trong khi lợi ích của nhà đầu tư nổi rõ, là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại kéo dài.
- 07-01-2017Tìm ra "căn bệnh" của các dự án thua lỗ để xử lý
- 06-01-2017Thêm 7 dự án thua lỗ ngàn tỉ, ngành công thương “è cổ” trả nợ
- 31-12-2016Giải pháp xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại của ngành thanh tra tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành thanh tra năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 tại trụ sở Thanh tra Chính phủ sáng 11-1 tại Hà Nội.
Thanh tra còn ngại va chạm
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh, biểu dương sự nỗ lực của ngành thanh tra năm 2016 với nhiều kết luận thanh tra, trong đó chuyển cơ quan điều tra một số vụ việc lớn liên quan đến các ngành, tập đoàn, địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát với thực tế, chưa huy động được các chuyên gia phản biện chuyên sâu trong lĩnh vực thanh tra để kết luận thanh tra khi ban hành được chính xác, minh bạch. Ngoài ra, quá trình thu hồi tài sản tham nhũng sau kết luận thanh tra chưa đạt kết quả. Kết luận thanh tra vẫn còn né tránh, ngại va chạm, chưa thể hiện đúng với chức trách, nhiệm vụ của ngành thanh tra.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều hành chưa quyết liệt thậm chí né tránh, đùn đẩy, ngại va chạm hay có dấu hiệu liên quan đến lợi ích nhóm.
Phó Thủ tướng cũng nhận định qua những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài vừa qua (liên quan đến đất đai, quy hoạch dự án, công trình, đô thị) thì thấy nổi rõ lợi ích của nhà đầu tư. Họ hưởng lợi nhiều hơn so với lợi ích của nhà nước và lợi ích của người dân. Trong khi đó, lợi ích của người dân chưa được quan tâm đúng mức, không tính đầy đủ mức bồi thường theo quy định dẫn đến khiếu nại kéo dài.
Năm 2017, Thanh tra Chính phủ sẽ xử lý nghiêm các dự án thua lỗ ngàn tỉ. Trong ảnh: Nhà máy xơ sợi Đình Vũ thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng sau khi vận hành một thời gian. Ảnh: INTERNET
Không vì áp lực nào bẻ cong pháp luật
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ngành thanh tra phải kiên quyết xử lý những vi phạm tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm theo đúng tinh thần của Đảng, không ngại va chạm, không vì bất kỳ áp lực nào mà bẻ cong pháp luật…, phải tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kể cả những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Ông nhấn mạnh ngành thanh tra triển khai thực hiện một cách kiên quyết có hiệu quả về kế hoạch thanh tra năm 2017, trong đó thanh tra một số vụ việc tài chính có tỉ lệ nợ xấu cao, có nguy cơ mất vốn tài sản ở các dự án thua lỗ lớn hàng ngàn tỉ đồng, tham nhũng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các vụ việc có dấu hiệu hình sự thì chuyển xử lý hình sự ngay và kiên quyết thu hồi tài sản vi phạm.
Phối hợp ngăn bỏ trốn, tẩu tán tài sản
Một trong những nội dung được Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng quan tâm đó là xử lý trách nhiệm nghiêm ngay trong quá trình thanh tra vụ việc. Trong quá trình thanh tra những vụ việc lớn thì khi thấy dấu hiệu phạm tội phải chuyển ngay cho CQĐT, truy tố.
Khi tiến hành làm rõ một vụ việc thì giữa Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, CQĐT Bộ Công an phải được phối hợp chặt chẽ. Ý ở đây chính là trước khi ban hành kết luận thanh tra cần trao đổi với các cơ quan liên quan thì từ đó việc công bố sẽ chính xác. Từ đó chúng ta sẽ làm rõ vụ việc nào chuyển, vụ việc nào không và sẽ phòng ngừa được việc tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn.
Ông VÕ VĂN DŨNG, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương
Những sai phạm “khủng” năm 2016
• Thanh tra Chính phủ ban hành 21 kết luận thanh tra với 11.095 tỉ đồng vi phạm, kiến nghị thu hồi 5.001 tỉ đồng và chuyển CQĐT xử lý 40 người.
• Thanh tra các bộ, ngành, địa phương phát hiện vi phạm lên đến 4.544 tỉ đồng, 4.000 ha đất; kiến nghị thu hồi 690 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 1.763 tập thể; chuyển CQĐT 98 người.
• Thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến địa phương phát hiện 198.578 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền lên đến 43.764 tỉ đồng; kiến nghị thu hồi 32.266 tỉ đồng.
Pháp luật TPHCM