Sẽ trình Chính phủ đề án về xử lý tranh chấp chung cư
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 2/2018 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết cục này đang xây dựng đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), dự kiến tháng 12 tới sẽ trình Chính phủ.
Trong dự thảo đề án bao gồm nhiều nội dung như người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đầu tư nước ngoài vào thị trường địa ốc, tín dụng, bong bóng BĐS, tranh chấp và quản lý vận hành nhà chung cư...
Bộ tiếp tục triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường BĐS, tạo cơ sở dữ liệu ban đầu cho Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Xây dựng cho biết sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với thị trường BĐS, bao gồm: "Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh"; "An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS đảm bảo an sinh xã hội"; "Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2021".
Cũng tại họp báo, lãnh đạo Bộ Bộ Xây dựng cho biết, hiện lĩnh vực nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, mặc dù các cơ chế, chính sách đã cơ bản hoàn chỉnh.
Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn thông qua các ngân hàng chính sách và các quỹ tín dụng, bằng các hình thức hỗ trợ lãi suất cho cả chủ đầu tư và người vay mua nhà. Tuy nhiên, do nguồn vốn này phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư công nên hiện vẫn chưa thu xếp được vốn.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, theo kế hoạch, Nhà nước sẽ cấp 1.400 tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực nhà ở xã hội nhưng hiện mới cấp được 250 tỷ đồng, giải ngân mới được 30 tỷ đồng, rất thấp so với mục tiêu.
Cũng tại sự kiên này, Bộ Xây dựng cho biết từ nay đến cuối năm 2018, thị trường BĐS sẽ tăng trưởng cả về giá cả và số lượng giao dịch nhưng không thể xảy ra bong bóng BĐS, do các yếu tố liên quan đến thị trường, trong đó có yếu tố cung cầu, chưa có biến động lớn.
Đồng thời, các công cụ điều tiết thị trường BĐS vẫn đang được Chính phủ kiểm soát một cách hợp lý. Tính đến thời điểm này, giá trị tồn kho BĐS trên cả nước còn khoảng 24.072 tỷ đồng, so với thời gian đỉnh điểm quý 1-2013 đã giảm 104.476 tỷ đồng, tương đương với 81,27%.
Một số chuyên gia kinh tế gần đây cũng nhận định rằng năm 2019 rơi vào đúng chu kỳ 10 năm của lần khủng hoảng trước đó (lĩnh vực kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng), tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy chu kỳ này khó lập lại, nhất là thị trường bất động sản.
Bởi nguyên nhân cung - cầu vẫn đang mất cân đối, thực tế nhu cầu nhà ở tăng mạnh tại các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM - nơi có sự tăng trưởng nhanh về tầng lớp trung lưu.
Hiện nay mỗi năm dân số TP.HCM tăng thêm 500.000 người, trong khi nguồn cung căn hộ chỉ có 10.000 căn/năm nên mới chỉ đáp ứng được 5-10%. Ngoài ra thị trường bất động sản vẫn thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước rất lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2018, vốn FDI đã thu hút 3,28 tỷ USD đổ vào thị trường bất động sản, tăng 53% so cùng kỳ.
Tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nguồn cung căn hộ tầm trung giảm 60% so với cùng kỳ do quỹ đất khan hiếm, thủ tục ngày càng chặt chẽ trong khi nguồn cầu rất cao… Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản khó xảy ra khủng hoảng trong thời gian tới.