MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ xếp loại doanh nghiệp về mức độ tuân thủ chính sách thuế

Sẽ xếp loại doanh nghiệp về mức độ tuân thủ chính sách thuế

Nếu người nộp thuế nào mà có mức độ tuân thủ pháp luật về thuế thấp, rủi ro cao thì sẽ phải bị thanh, kiểm tra nhiều hơn và sẽ chịu sự giám sát nhiều hơn.

Doanh nghiệp sẽ được phân loại theo 4 mức độ về tuân thủ pháp luật về thuế. Ngoài các chuyên gia thuế thì thời gian tới ngành thuế sẽ sử dụng thêm phương pháp đánh giá mới từ trí tuệ nhân tạo. Đây là những điểm mới trong thông tư số 31/2021/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Xếp loại doanh nghiệp về mức độ tuân thủ chính sách thuế

Theo đại diện Tổng cục thuế thì phương pháp xếp loại người nộp thuế (NNT) của thông tư 31 là  tiếp cận theo tài liệu của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) có 4 tầng tương ứng 4 mức độ tuân thủ, thay vì 3 mức quy định tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Cụ thể, mức 1: tuân thủ cao; mức 2: tuân thủ trung bình; mức 3: tuân thủ thấp; mức 4: không tuân thủ.

Bên cạnh đó, NNT được đánh giá rủi ro tổng thể và phân loại theo 5 hạng: hạng 1: NNT rủi ro rất thấp; hạng 2: NNT rủi ro thấp; hạng 3: NNT rủi ro trung bình; hạng 4: NNT rủi ro cao; hạng 5: NNT rủi ro rất cao.

Sẽ xếp loại doanh nghiệp về mức độ tuân thủ chính sách thuế - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thu Trà - Trưởng Ban quản lý rủi ro - Tổng cục thuế

Theo bà Nguyễn Thu Trà - Trưởng Ban quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết: Việc đánh giá, chấm điểm, xếp loại doanh nghiệp sẽ được thực hiện với cả hộ kinh doanh cá thể. Các thông tin dùng để đánh giá sẽ là dữ liệu của cơ quan thuế, thu thập từ đơn vị thứ 3, từ cơ quan chức năng như kiểm toán, cơ quan điều tra, hoặc từ những thông tin bên ngoài có kiểm chứng.

"Từ những thông tin này nếu có vi phạm, thì thủ trưởng cơ quan thuế có thể điều chỉnh mức độ thanh tra, kiểm tra đối với NNT. Chúng tôi sẽ có sự linh hoạt trong các biện pháp quản lý. Nếu NNT tuân thủ tốt, không vi phạm pháp luật thì có thể không phải có những cuộc thanh kiểm tra không cần thiết của cơ quan thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT trong sản xuất kinh doanh.

Còn nếu NNT nào mà có mức độ tuân thủ pháp luật về thuế thấp, rủi ro cao thì sẽ phải bị thanh, kiểm tra nhiều hơn và sẽ chịu sự giám sát nhiều hơn. Điều này giúp cho NNT sẽ tự chủ động việc tuân thủ pháp luật về thuế", bà Trà cho biết.

Sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý thuế

Thông tư 31 cũng cho phép cơ quan thuế áp dụng trí tuệ nhân tạo (học máy) vào quản lý rủi ro về thuế. Trước đây, việc đánh giá rủi ro chỉ sử dụng phương pháp đánh giá theo chuyên gia, tức là con người, thì nay việc áp dụng thêm trí tuệ nhân tạo vào được kỳ vọng giúp tiết kiệm nhân lực cho cơ quan thuế và việc đánh giá sẽ khách quan, công bằng, minh bạch hơn.

Phương pháp trí tuệ nhân tạo sẽ dùng dữ liệu của cơ quan thuế, dữ liệu kê khai thuế của NNT để phát hiện ra những điểm khác biệt. Từ đó có thể những điểm này có dấu hiệu vi phạm về thuế để cảnh báo cho cơ quan thuế. Ngoài ra, hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể học từ những trường hợp vi phạm của người NNT trước đây, để phát hiện ra những khả năng có dấu hiệu vi phạm của NNT.

"Để phương pháp này có hiệu quả thì dữ liệu phân tích sẽ phải thật chính xác. Điều này cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, kê khai thuế cũng phải đầy đủ, trung thực", bà Trà chia sẻ.

Thông tư 31 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/7 và thay thế Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Theo Thùy An

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên