Sếp Eximbank nói gì về trách nhiệm vụ mất 245 tỉ?
Tổng giám đốc Eximbank nói Eximbank là ngân hàng niêm yết nên không thể xử lý sự việc dựa trên kết luận của cơ quan điều tra mà phải dựa trên phán quyết cuối cùng của tòa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại có góc nhìn pháp lý khác...
- 27-02-2018Vụ "bốc hơi" 301 tỉ đồng ở Eximbank: Khách hàng VIP sao lại mất tiền?
- 25-02-2018Khách VIP gửi tiền ở Eximbank đã bị mất hơn 300 tỷ thế nào?
- 25-02-2018Vụ cuỗm 301 tỉ đồng: Truy nã quốc tế nguyên phó giám đốc Eximbank
Việc ông Lê Nguyên Hưng (phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM) chiếm đoạt số tiền 245 tỉ đồng của khách hàng Chu Thị Bình rồi bỏ trốn vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Không nhận định đúng hay sai quy trình
Nói về quy trình chăm sóc khách hàng VIP của ngân hàng mình, Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết cho biết: Vào thời điểm năm 2011, các ngân hàng luôn thi nhau chăm sóc khách VIP, ai buông một cái là mất khách ngay. Cho nên có được những khách hàng muốn gửi vài chục tỉ đồng, là nhân viên ngân hàng sẵn sàng đến tận nhà làm đủ mọi thủ tục. Trong đó, bà Bình thuộc nhóm khách hàng siêu VIP nên được hưởng những chế độ chăm sóc đặc biệt.
Quy trình chăm sóc khách hàng VIP thì ngân hàng nào cũng có những quy định riêng, Eximbank cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên những qui định này cũng không thể bao quát tất cả được. Bởi lẽ để hoàn thành kế hoạch kinh doanh, các chi nhánh cũng cần phải linh hoạt trong vấn đề chăm sóc khách hàng với mục tiêu giữ chân khách - điều vô cùng quan trọng.
Ảnh minh họa
“Từ đầu năm ngoái, thời điểm phát hiện ra sự việc, ban lãnh đạo Eximbank đã yêu cầu kiểm tra và đối chiếu trên toàn hệ thống đối với các khách hàng VIP (có số dư tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên) để kiểm tra xem những khách hàng này thực hiện có giao dịch tại nhà không, có giao dịch ủy quyền không và có tất toàn từng phần không. Sau đợt kiểm tra đó thì không thấy phát hiện ra sai sót nào cả” - ông Quyết cho biết.
Cạnh đó, lãnh đạo Eximbank cũng thừa nhận khách hàng VIP luôn có những yêu cầu đặc biệt, đó là điều không thể tránh được. "Nhưng sau sự việc này, chúng tôi buộc phải áp dụng quy trình cụ thể như khi giao dịch tiền mặt tại nhà cần phải có tối thiểu 3 người gồm thủ quỹ, kế toán, bảo vệ. Đối với các giao dịch khác cần phải có ít nhất 2 nhân viên ngân hàng trở lên. Tức là phải đảm bảo tất cả các giao dịch liên quan đến ngân hàng không được phép xác lập với 1 cá nhân duy nhất, dù người đó giữ vị trí lãnh đạo hay nhân viên. Tất nhiên điều này cũng khiến một số khách hàng không hài lòng nhưng vì sự an toàn của khách hàng, vì uy tín của ngân hàng, chúng tôi cần đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu” - ông Quyết nhấn mạnh.
Nhận định về hậu quả của vụ việc, ông Quyết khẳng định: “Hành vi lừa đảo của ông Hưng nhằm chiếm đoạt số tiền trong sổ tiết kiệm của bà Bình đã quá rõ. Thế nhưng, Eximbank là ngân hàng niêm yết nên chúng tôi không thể xử lý sự việc dựa trên kết luận của cơ quan điều tra mà phải dựa trên phán quyết cuối cùng của tòa án. Khi có kết luận của tòa khẳng định Eximbank sai và buộc phải bồi hoàn toàn bộ số tiền này lại cho khách hàng thì chúng tôi cam kết sẽ thực hiện ngay lập tức".
"Nói chờ phán quyết của tòa là chưa đúng"
Về mặt pháp lý, luật sư Trịnh Đức Duy (giám đốc Công ty luật VietSun) phân tích: Theo quy định thì việc rút tiền gửi tiết kiệm theo giấy ủy quyền phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện là giấy ủy quyền phải được lập tại Eximbank hoặc phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương và người rút tiền phải xuất trình được sổ tiết kiệm.
Như vậy, nếu đến thời điểm hiện nay, bà Chu Thị Bình vẫn đang giữ bản chính sổ tiết kiệm thì trong mọi trường hợp, giấy ủy quyền do ông Hưng tạo lập (có hợp pháp hay không hợp pháp), Eximbank vẫn không thể cho người được ủy quyền có thể rút tiền gửi tiết kiệm. Có thể, vì ông Hưng từng là nhân viên của Eximbank, biết được những kẽ hở trong quản lý và lợi dụng để rút tiền tiết kiệm của bà Bình nhưng đó là việc nội bộ của ngân hàng, Eximbank phải tự giải quyết chuyện này.
Với những quyển sổ tiết kiệm đang giữ, bà Bình có quyền đến ngân hàng Eximbank rút tiền bất kỳ thời điểm nào và ngân hàng này có nghĩa vụ phải hoàn trả lại tiền gửi tiết kiệm cho bà (Điều 27 Quy chế về tiền gửi tiết kiệm (Ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13- 9 -2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)).
Mặc dù Eximbank khẳng định ông Hưng có hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của bà Bình nhưng lại cho rằng việc trả tiền cho bà Bình phải dựa trên phán quyết cuối cùng của tòa án là chưa phù hợp quy định pháp luật. Nếu như vậy thì Eximbank lý giải như thế nào về tính pháp lý và giá trị của sổ tiết kiệm do chính Eximbank phát hành, tính minh bạch trong hoạt động và uy tín của Eximbank?
Ông Hưng hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã
Cạnh đó, lãnh đạo Eximbank cho rằng tất cả các ngân hàng đều có quy trình chăm sóc khách hàng VIP. Như vậy, quy trình chăm sóc khách của Eximbank dành cho bà Bình là gì, cụ thể ra sao, có đúng quy định pháp luật hay không?Tuy nhiên, cho dù quy trình đó có như thế nào thì Eximbank không thể phủi sạch trách nhiệm khi bà Bình vẫn là người đang giữ các sổ tiết kiệm.
Theo Luật sư Trịnh Đức Duy, lỗi ở đây là do hệ thống quản lý của Eximbank yếu kém, để cho nhân viên của mình lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và người bị hại chính là ngân hàng.
Với bà Bình, Eximbank phải có nghĩa vụ thanh toán tiền gửi tiết kiệm cho bà tại thời điểm bà yêu cầu. Sổ tiết kiệm của bà Bình vẫn có giá trị pháp lý và ràng buộc nghĩa vụ thanh toán của Eximbank.
Với ông Hưng, Eximbank có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý về hành vi lừa đảo. Hai việc này độc lập với nhau. Hình sự là chuyện xử lý hành vi của ông Hưng, về dân sự thì Eximbank phải trả tiền cho bà Bình và không liên quan đến nhau. Ông Hưng lấy tiền từ Eximbank chứ không phải từ bà Bình (ngân hàng là nguyên đơn dân sự, tức bên bị hại trong vụ án hình sự này).
"Lỗi ai người ấy chịu"
Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (giám đốc Công ty luật Hồng Long) cũng đồng quan điểm trên. Luật sư Mạnh lý giải: Chỉ cần tách riêng hai mối quan hệ ra thì chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan và rõ ràng nhất về pháp lý.
Quan hệ thứ nhất giữa bà Bình và Eximbank là quan hệ gửi giữ tài sản (tiền) và quan hệ này đã hoàn tất đúng quy định pháp luật. Bà Bình gửi tiền vào Eximbank (pháp nhân) và được Eximbank cấp sổ tiết kiệm. Lúc này, Eximbank đã giữ tiền và họ có toàn quyền sử dụng tiền của bà Bình vào mục đích của ngân hàng.
Quan hệ thứ hai giữa ông Hưng với Eximbank thì ông Hưng là người đại diện ngân hàng với tư cách là cá nhân được trao quyền đại diện cho pháp nhân đứng ra giao dịch, nhận tiền - cho vay…
Xét các quan hệ này, ông Hưng chỉ là người đứng giữa (trung gian) chuyển tiếp cho bà Bình và Eximbank gặp nhau để thực hiện giao dịch hợp pháp chứ giữa họ không có mối quan hệ pháp lý giữa cá nhân với cá nhân. Hay nói cách khác giữa bà Bình và ông Hưng không có mối quan hệ mà ông Hưng chỉ là người được Eximbank chỉ định, bổ nhiệm bằng chức danh hợp pháp để thay mặt ngân hàng về mặt pháp lý.
Hơn nữa, bà Bình gửi tiền vào Eximbank (pháp nhân) chứ không phải gửi cho ông Hưng (cá nhân) để ông Hưng thay mặt bà gửi tiền vào ngân hàng. Tiền bị lấy ra là tiền của Eximbank chứ lúc này tiền đã không thuộc quyền quản lý của bà Bình mà nó được Eximbank giữ và giao dịch tiếp theo ý muốn của Eximbank.
Như vậy, tiền đã gửi vào Eximbank và được Eximbank thừa nhận (bằng sổ tiết kiệm) và nó bị lấy ra bởi chính người của Eximbank thì Eximbank phải tự xử lý nội bộ (giữa Eximbank và ông Hưng). Còn đối với bà Bình, bà có quyền cầm sổ tiết kiệm (bản chính đang giữ) đến rút tiền của mình đã gửi và Eximbank phải chi trả tiền ngay chứ không chờ án tòa phán quyết.
"Về hình sự thì trách nhiệm hình sự của ai người nấy chịu nhưng về trách nhiệm dân sự thì Eximbankphải trả lại tiền ngay cho bà Bình và tự tính lại với ông Hưng, như vậy mới là hợp lý" - luật sư Mạnh nói.
"Bà Bình chỉ muốn giao dịch với ông Hưng"
Bà Bùi Thị Thiện Tâm (giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM) chia sẻ: "Bà Bình là khách hàng rất VIP của Eximbank từ 2007-2008. Trong quá trình làm việc, nhiều khi nhân viên chi nhánh gọi điện thì bà Bình luôn từ chối làm việc và cho biết rất bận nên chỉ giao dịch với ông Hưng". Ngoài ra, bản thân bà Bình cũng từng chia sẻ với phía Eximbank là không muốn nhiều người biết mình có nhiều tiền. Do đó, trong quá trình giao dịch chứng từ hay tiền mặt, bà Bình đều làm việc trực tiếp với ông Hưng.
Do khách hàng yêu cầu, cộng thêm chế độ chăm sóc khách hàng siêu VIP của Eximbank, đồng thời ông Hưng chưa từng xảy ra sai sót gì trong suốt hơn 20 năm làm việc tại Eximbank và mọi giấy tờ, số liệu đều hợp lệ nên các nhân viên cấp dưới không hề có nghi ngờ gì về những chứng từ liên quan đến số tiền 245 tỉ của bà Bình do ông Hưng mang về.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh
- Tài khoản khách hàng bị rút ruột, ngân hàng không thể “phủi tay”
- Xung quanh vụ 2 nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Eximbank tại TP. HCM bị khởi tố
- VỤ MẤT 301 TỈ ĐỒNG: Khởi tố 5 nhân viên, bắt 2 người liên quan
- Diễn biến mới nhất vụ khách VIP mất 249 tỷ gửi Eximbank
- Eximbank và lỗ hổng nhân viên hay quy trình quản lý kém?