MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp lớn ngân hàng và người nhà đua mua bán cổ phiếu dịp cuối năm

18-12-2021 - 06:44 AM | Tài chính - ngân hàng

Sếp lớn ngân hàng và người nhà đua mua bán cổ phiếu dịp cuối năm

Thời gian gần đây ghi nhận một loạt giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ ngân hàng. Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức liên quan đến người nội bộ cũng đẩy mạnh mua bán cổ phiếu trong giai đoạn cuối năm.

Giai đoạn cuối năm 2021 ghi nhận một loạt hoạt động giao dịch cổ phiếu của các cổ đông nội bộ ngân hàng.

Mới đây, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển đã gây chú ý khi cùng 6 cá nhân, tổ chức liên quan chi ra gần 1.350 tỷ đồng để thực hiện quyền mua gần 108 triệu cổ phiếu SHB. Các giao dịch đều được thực hiện trong ngày 8/12. Trong đó, ông Hiển đã nộp gần 185,4 tỷ đồng để mua hơn 14,8 triệu cổ phiếu SHB, nâng số lượng sở hữu lên gần 67,8 triệu đơn vị.

Đây là quyền mua được phát hành tại đợt chào bán hơn 539 triệu cổ phiếu SHB cho cổ đông hiện hữu với giá 12.500 đồng/cp, thấp hơn gần một nửa so với thị giá hiện tại. Với việc sở hữu gần 20% cổ phần SHB, nhóm bầu Hiển được quyền mua thêm gần 108 triệu cổ phiếu.

Vào cuối tháng 11, Chủ tịch MSB Trần Anh Tuấn cũng đã mua xong 10 triệu cổ phiếu MSB, tăng lượng sở hữu lên gần 12,3 triệu đơn vị, tương đương 0,85% vốn điều lệ ngân hàng. Ước tính, ông Tuấn đã phải chi ra khoảng 200-250 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch nói trên.

Ở chiều ngược lại, LienVietPostBank vừa cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn Tổng cục Bưu điện Việt Nam (VNPost). Thông tin về số lượng cổ chuyển nhượng chi tiết chưa được công bố. Tuy nhiên, Vietnam Post đang trong quá trình thoái vốn ngoài ngành và liên tục bán đấu giá toàn bộ vốn góp tại các doanh nghiệp.

Tại LienVietPostBank, VNPost là cổ đông lớn duy nhất khi sở hữu gần 122,2 triệu cổ phần, tương đương với 10,15% vốn điều lệ của ngân hàng. Ước tính theo giá trị trường, số cổ phần do VNPost sở hữu có giá trị gần 2.700 tỷ đồng.

Không chỉ các cổ đông chủ chốt, nhiều nhân sự cấp cao tại các ngân hàng cũng đẩy mạnh hoạt động giao dịch cổ phiếu trong thời gian gần đây.

Vừa qua, ông Lê Hồng Nam, Phó Tổng Giám đốc TPBank đã bán xong 45.000 cổ phiếu TPB theo phương thức khớp lệnh trong ngày 8/12. Sau giao dịch ông Nam đã giảm sở hữu tại TPBank xuống còn 180.000 cổ phiếu TPB.

Tương tự, ông Phạm Đông Anh, Phó Tổng giám đốc - Giám đốc khối Vận hành TPBank cũng đăng ký bán 45.000 cổ phiếu TPB nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ 13/12/2021 đến 11/1/2022 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Tại SeABank, ông Nguyễn Tuấn Cường - Phó Tổng Giám đốc SeABank đăng ký thoái 33.000 triệu cổ phần SSB. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thoả thuận và/hoặc khớp lệnh trong thời gian 17/12/2021 - 5/1/2022.

Bên cạnh người nội bộ ngân hàng, thị trường cũng ghi nhận nhiều giao dịch cổ phiếu của cá nhân và tổ chức liên quan.

Mới nhất, bà Đỗ Quỳnh Anh - con gái của ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank - đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu TPB trong thời gian 17/12/2021 - 15/1/2022.

Nếu thành công, con gái của Phó Chủ tịch TPBank sẽ nâng sở hữu lên gần 36 triệu cổ phiếu TPB, tương đương tỷ lệ 3,07% vốn điều lệ ngân hàng. Tính theo giá thị trường hiện tại, số cổ phiếu này có giá trị hơn 1.800 tỷ đồng. Trước đó, ''ái nữ'' của Phó Chủ tịch TPBank cũng đã chi hàng chục tỷ để mua 1 triệu cổ phiếu TPB trong ngày 17/11.

Ở chiều ngược lại, ông Lê Tuấn Anh - con trai của bà Nguyễn Thị Nga (Madame Nga), Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT SeABank - tiếp tục đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu SSB. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thoả thuận và/hoặc khớp lệnh trong thời gian 7/12/2021 – 5/1/2022.

Sau giao dịch, lượng cổ phiếu SSB do ông Tuấn Anh nắm giữ dự kiến giảm xuống còn gần 37,1 triệu đơn vị, tương đương hơn 2,5% vốn điều lệ SeABank.

Trong tháng trước, ông Tuấn Anh đã bán ra 2 triệu cổ phiếu SSB theo phương thức thoả thuận trong ngày 17/11, giảm lượng nắm giữ về gần 39,1 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu 2,64% vốn như hiện tại.

Ông Nguyễn Thiện - anh trai bà Nguyễn Thị Hai, Phó Tổng Giám đốc ACB - cũng đăng ký bán 500.000 cổ phiếu ACB nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân. Giao dịch được thực hiện trong thời gian 25/11 – 24/12 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Tại LPB, ông Nguyễn Văn Thuyết - em trai ông Nguyễn Đức Thụy, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - đã bán xong toàn bộ 330.300 cổ phiếu sở hữu, hoàn thành 100% lượng đăng ký. Giao dịch được thực hiện trong thời gian 19/11 tới 29/11, theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Ngoài ông Thuyết, hai người thân khác của ông Thụy cũng đăng ký thoái sạch vốn tại LienVietPostBank.

Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, em trai ông Thụy đăng ký bán toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu LPB để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận trong thời gian 1/12 - 15/12.

Cùng trong thời gian trên, bà Tống Thị Kiều Hoa - em dâu ông Thụy - cũng đăng ký bán sạch 28.336 cổ phiếu LPB đang sở hữu theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.

Nếu các giao dịch trên được thực hiện thành công, người thân của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy sẽ không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu LPB nào.

Trước đó, một tổ chức cũng liên quan đến ông Nguyễn Đức Thụy là Công ty cổ phần Thaiholdings (THD) đã bán xong gần 22,4 triệu cổ phiếu LPB nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch diễn ra từ ngày 4/11 đến 1/12/2021 theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.

Tương tự, CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi (Thương mại Củ Chi) vừa đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) với mục đích nhằm tăng nguồn vốn hoạt động kinh doanh. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong thời gian từ ngày 10/12/2021 đến 7/1/2022.

Được biết, doanh nghiệp này đang sở hữu hơn 6,3 triệu cổ phiếu VAB, tương đương 1,42% vốn điều lệ của ngân hàng. Đồng thời, ông Phan Văn Tới, Phó Chủ tịch HĐQT của VietABank hiện là Chủ tịch HĐQT của Công ty Đầu tư Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi. Tuy nhiên, ông Tới không sở hữu cổ phần VietABank.

Quốc Thụy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên