Sếp nghiêm khắc cũng là vì muốn tốt cho nhân viên, nhưng "khó tính" kiểu này thì nên nghỉ việc ngay và luôn vì bạn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội mà phát triển!
Muốn phân biệt giữa một vị sếp nghiêm khắc và một kẻ chuyên quyền là không hề dễ dàng.
Bắt nạt nơi công sở đang là vấn đề nhức nhối mà vô số người phải đối mặt hàng ngày. Tuy nhiên, đôi khi, mọi người bị nhầm lẫn giữa bắt nạt và nghiêm khắc. Nếu sếp yêu cầu cao và kỳ vọng nhiều vào bạn, điều này không có nghĩa là bắt nạt. Trên thực tế, nhân viên thường cho rằng những vị sếp nghiêm khắc đều là kẻ bắt nạt. Mặc dù vậy, giữa những người lãnh đạo nghiêm khắc và những người chuyên quyền chỉ thích bắt nạt vẫn có sự khác nhau.
Dưới đây là 6 dấu hiệu để phân biệt sếp bạn là người khiêm khắc hay là kẻ bắt nạt.
Sếp nghiêm khắc có yêu cầu cao - Sếp chuyên quyền đòi hỏi những điều vô lý
Một vị sếp nghiêm khắc sẽ đưa nhân viên vào khuôn khổ bằng các nguyên tắc chặt chẽ và đòi hỏi cao. Đồng thời, người này cũng sẽ chỉ dạy cho nhân viên biết đâu là điều mà họ cần để trở nên thành công.
Trong khi đó, một vị sếp chuyên quyền sẽ đặt ra những deadline vô lý, không thể nào thực hiện được. Thậm chí, anh ta có thể thay đổi các nguyên tắc vốn có nhằm khiến bạn làm việc cực khổ hơn, hay giấu bạn những thông tin quan trọng để dễ kiểm soát tình hình.
Sếp nghiêm khắc đối đãi với mọi người như nhau - Sếp chuyên quyền chỉ bắt nạt một người duy nhất
Một khi đã nghiêm khắc, sếp sẽ nghiêm khắc với tất cả mọi người, không trừ một ai. Tuy nhiên, sếp chuyên quyền sẽ thường tập trung bắt bẻ ý kiến và đề xuất của một người duy nhất. Người này liên tục nghi ngờ sự tận tụy của nhân viên đó, rồi đưa ra những chỉ trích, phê bình hết sức thiếu công bằng.
Sếp nghiêm khắc công bằng - Sếp chuyên quyền thiên vị và vô lý
Một vị sếp nghiêm khắc sẽ không dung túng nhân viên, nhưng khi cần, người đó vẫn sẵn sàng xắn tay áo lên và giúp đỡ họ hoàn thành công việc. Thêm vào đó, anh ta sẽ bảo vệ cấp dưới trước mọi sóng gió, khó khăn trong công ty và hỗ trợ khi họ nhờ.
Trái lại, một vị sếp chuyên quyền sẽ đối xử thiếu công bằng và sẵn sàng hy sinh nhân viên để bảo vệ mình. Người này sẽ đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu cấp dưới khi sai, nhưng lại giành hết công lao khi được lợi. Thậm chí, anh ta còn thể hiện sự thiên vị rõ ràng trước mặt nhân viên hoặc tham gia những hành động bắt nạt như hét, chửi rủa và đặt biệt danh xấu.
Sếp nghiêm khắc nghĩ cho lợi ích công ty - Sếp chuyên quyền chỉ tham quyền lực
Một vị sếp nghiêm khắc sẽ khuyến khích làm việc theo nhóm và hy vọng những điều tốt đẹp nhất cho công ty. Người này sẵn lòng làm việc cực khổ, thậm chí còn vất vả hơn cả nhân viên, để hoàn thành công việc.
Thế nhưng, một kẻ chỉ thích bắt nạt sẽ chỉ thích kiểm soát và chi phối người khác. Anh ta sẽ luôn khao khát quyền lực, luôn muốn nhân viên phải phục tùng mình. Sếp kiểu này sẽ luôn đòi hỏi công lao dù chẳng động chân động tay làm việc bao giờ và hiếm khi công nhận thành quả của cấp dưới.
Sếp nghiêm khắc hòa đồng với nhân viên - Sếp chuyên quyền cô lập và tẩy chay cấp dưới
Một vị sếp nghiêm khắc có thể đặt ra những tiêu chuẩn cao, nhưng đối xử rất công bằng với mọi người. Vì vậy, không ai cảm thấy mình thấp kém hoặc không được tôn trọng.
Ngược lại, một vị sếp chuyên quyền sẽ cô lập 1-2 người, nhục mạ, mắng mỏ họ trước mặt những người khác. Anh ta sẽ tẩy chay cấp dưới bằng cách loại họ ra khỏi các buổi hội họp, tụ tập. Những hành động kiểu này sẽ khiến không khí văn phòng trở nên căng thẳng và mọi người không thể nào làm việc nhóm cùng nhau. Bởi lẽ, họ còn bận lấy lòng sếp thay vì tập trung vào công việc trước mặt.
Sếp nghiêm khắc thành thật và đáng tin - Sếp chuyên quyền tung tin đồn và nói xấu sau lưng
Một vị sếp nghiêm khắc luôn thành thật với nhân viên của mình. Anh ta sẽ không nói vòng vo, nhưng lịch sự và tôn trọng mọi người. Bên cạnh đó, nhân viên cũng có thể yên tâm tin tưởng người này trong mọi tình huống, kể cả khi sự thật mất lòng.
Trái lại, sếp chuyên quyền sẽ cố gắng thao túng người khác. Anh ta kiểm soát tình hình bằng cách tung tin đồn hoặc nói xấu cấp dưới. Người này sẽ khiến các nhân viên của mình quay ra nghi ngờ lẫn nhau, thậm chí còn khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh nơi công sở.
Nếu bạn cảm thấy sếp đang lôi kéo mình nói xấu người khác thì đừng mắc bẫy. Hãy giữ vững niềm tin và tìm ra giải pháp tốt nhất để xử lý tình huống.
Nếu bạn nghĩ rằng sếp đang bắt nạt mình, đây không phải là môi trường mà bạn nên ở lại và tiếp tục công tác. Hãy nhớ rằng, đối đầu với một kẻ chuyên quyền sẽ rất tốn công hao sức. Dần dần, bạn sẽ cảm thấy kiệt quệ, chán nản và lo lắng. Nếu rơi vào tình huống như vậy, hãy nghĩ ra cách giải quyết phù hợp, chẳng hạn như báo với cấp trên cao hơn hay đi tìm một công việc khác.
Very Well Mind