Sếp nhắn tin lúc 21h không rep, bị lập biên bản: Nhân viên lên mạng hỏi không biết mình sai ở khúc nào?
"Tôi nghĩ bạn đừng lên đây hỏi mà đi hỏi sếp ấy: Giờ trễ nhất em cần rep tin nhắn là mấy giờ?", một netizen góp ý.
- 19-07-2024Sếp mời đi ăn nhưng trốn về trước, nhân viên đành tự trả tiền: Tin nhắn sau cùng mới bất ngờ
- 17-07-2024Sếp vay 105 triệu đồng, nhưng khi trả lại thiếu 10 triệu đồng, tôi sốc nặng khi biết nguyên nhân
- 06-07-2024Cho sếp vay 35 triệu đồng, hôm sau tôi nhận lại phong bì nhưng thiếu 7 triệu đồng: Sốc nặng khi biết lí do
Topic “Trả lời tin nhắn của sếp/đồng nghiệp sau giờ làm việc” luôn được hội làm công ăn lương quan tâm. Thậm chí đây còn là một trong những đặc điểm rõ nét nhất của trào lưu “nghỉ việc trong im lặng” (quite quitting) từng gây ồn ào vài năm trước. Vì vậy mà mới đây, netizen để lại nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chuyện nhân viên bị lập biên bản vì không rep tin nhắn của sếp được đăng trên Threads.
Theo chia sẻ, nhân viên này mới bị sếp lập biên bản với lý do “thái độ kém”. Nguyên nhân là bởi sếp nhắn tin mà không trả lời trong 2 ngày liên tục (thực tế là 3 ngày nhưng có 1 ngày nhân viên này đã phản hồi). Điều đáng nói là sếp lại nhắn tin vào 21h dù nhân viên này đã làm xong việc, không bị trễ deadline.
“Lỗi này là do em sai hả ta? Là em phải thức để trực tin nhắn 24/7 hả? Em không hiểu mình sai khúc nào” - người này thắc mắc.
Dù câu chuyện không mới nhưng một lần nữa lại khiến netizen chia phe. Một nửa cho rằng việc sếp nhắn lúc 9h tối là bình thường, quan trọng là tin nhắn gì và thái độ của nhân viên thế nào. Một phe lại khẳng định sếp sai rõ ràng khi bắt nhân viên online và trả lời tin nhắn công việc sau giờ làm việc.
Sếp nhắn tin lúc 21h là bình thường, nhân viên cũng không sai nhưng không khéo
Phía dưới bài đăng của nhân viên nọ, rất nhiều người cho rằng việc sếp nhắn tin lúc 9h tối là bình thường. Đó có thể là tin nhắn nhắc nhở về công việc ngày mai, sếp chợt nhớ ra nên nhắn,... Những tình huống này không yêu cầu làm ngay thì rep lịch sự cũng không sao.
Còn nếu đó là tin nhắn yêu cầu phải làm thêm việc, nộp báo cáo,... thì nhân viên có thể cân nhắc. Song sáng hôm sau hoặc có thời gian, nhân viên cũng cần phản hồi, không thể ngó lơ được. Hơn thế nữa, nhân viên này còn không rep 2 lần liên tục thì nên xem lại thái độ, chưa linh hoạt trong công việc.
Một số bình luận góp ý của những người ủng hộ quan điểm này:
- Quan điểm của mình là rep để trao đổi hay nhắc nhở, xử lý về công việc gì đó cho ngày mai thì sao đâu? Cứ bình thường thôi vì bạn không phải làm việc. Còn ví dụ bắt bạn làm việc giờ đó hoặc nộp báo cáo, phải trả lời liền hay gì đấy thì mới cân nhắc chứ. Trước đây nhân viên của mình làm sai, khách báo vào buổi đêm và cần xử lý liền. Mình phải gọi hoặc nhắn để đối chứng lỗi thì bạn ấy cũng phải rep để hợp tác xử lý. Thái độ quan trọng hơn trình độ.
- Mình thấy nếu có việc quan trọng cần trao đổi thì vẫn rep lúc 21h được mà nhỉ? Mình đi làm cả sếp hay nhân viên gì cũng nhắn tin qua lại sau 21h nếu có việc cần phải nói. Ví dụ cùng cấp thì oke sau 21h không rep cũng không sao nhưng sếp mà tận mấy lần bạn không rep thì mình nghĩ bạn nên xem lại. Ít nhất người là cũng là sếp mà. 23h thì không rep cũng được còn 21h thì quá bình thường.
- Việc sếp hỏi ban đêm hay gấp là bình thường. Với bạn có thể không quan trọng nhưng có thể với người khác quan trọng, có thể lúc đó em không rep qua sáng sớm hôm sau vẫn rep là được, còn không phản hồi gì là không hay tý nào.
- Bạn không sai khi không rep sau 21h nhưng không đúng lắm nếu sếp nhắn 3 ngày chỉ trả lời 1. Bất cứ ai nhắn tin mà không nhận được phản hồi đều không vui cả, đây còn là sếp. Nếu không thể phản hồi lúc đó, bạn có thể phản hồi hôm sau, khi phản hồi nói rõ, ví dụ: “Em thường không check điện thoại sau 21h ạ. Anh cần em xử lý gì không ạ?”. Mình nghĩ sếp không bực vì không rep mà bực vì thấy bạn thiếu tôn trọng họ.
- Bạn không sai nhưng quan điểm mình thì dù là bạn bè hay đối tác, người bạn mới quen,... việc trả lời tin nhắn là phép lịch sự tối thiểu. Bạn có thể không trả lời ngay. Nhưng ngày hôm sau bạn có thể trả lời và xin lỗi với những lý do như bị trôi tin nhắn, giờ đó có việc, để chế độ im lặng,... Hơn nữa, nhiều khi sếp bạn giờ đó mới nghĩ ra sợ không nhắn liền sẽ bị quên nên nhắn liền cho bạn nhưng việc bạn không trả lời cũng cho thấy bạn không tôn trọng công việc và lãnh đạo.
Sếp sai rõ ràng, sau giờ làm mà bắt rep tin nhắn thì phải có lương OT
Ngược lại, có không ít bình luận khẳng định việc sếp nhắn tin lúc 21h là sai rõ ràng, bất kể lý do liên lạc là gì.
Bởi lẽ họ cho rằng chỉ cần nhân viên hoàn thành công việc và không phải trong giờ hành chính thì sẽ không có nghĩa vụ phải trả lời tin nhắn công việc. Thậm chí nhiều người còn hỏi đến chuyện lương OT (over time - làm ngoài giờ) khi sếp nhắn công việc ngoài giờ hành chính. Một số bình luận bảo vệ ý kiến này:
- Thì trả lời lại sếp thế này: “Làm giờ hành chính thì cứ đúng khung giờ đó em sẵn sàng phục vụ công việc. Hết giờ làm việc em không có nghĩa vụ phải trực điện thoại. Còn nếu anh lập biên bản vì sai phạm thì mời anh chỉ ra phần này trong điều khoản hợp đồng làm việc giùm em. Có hay không?”. Giấy trắng mực đen nói chuyện thôi.
- Tôi nghĩ bạn đừng lên đây hỏi mà đi hỏi sếp ấy: Giờ trễ nhất em cần rep tin nhắn là mấy giờ? Rep xong em có được tính OT không? Vậy công ty mình làm việc tới mấy giờ vậy sếp?
- Sau giờ làm mà bắt trực điện thoại thì đưa thêm tiền OT đây.
- Quan điểm của tui là sau giờ làm thì không liên lạc. Hết giờ làm là tui không check tin nhắn gì luôn. Có gì sáng mai tui mở tin nhắn ra thì mới check và rep. Tuy nhiên nhiều công ty không có văn hoá này, sếp thích nhắn giờ nào là nhắn. Mắc cười nhất là nhiều người vẫn thấy chuyện này không có gì sai. Bạn không sai nhé, sếp nhắn ngoài giờ hành chính thì sáng hôm sau xem và giải quyết.
- Ủa? Sao mọi người cứ đồng tình là phải trả lời sếp lúc 21h nhỉ? Thời gian trên hợp đồng lao động ghi làm việc từ mấy giờ đến mấy giờ? Sau giờ làm người ta không thích trả lời tin nhắn của sếp là chuyện của người ta. Văn hoá làm việc này cứ sao sao ấy nhỉ?
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng chuyện ai đúng - ai sai trong tình huống này chưa thể xác định được vì chưa đủ thông tin như nội dung sếp nhắn là gì. Chưa kể câu chuyện này cần được xem xét toàn diện ở nhiều khía cạnh như đặc thù công việc, văn hóa công ty, thỏa thuận làm việc trước đó giữa 2 bên,...
Còn bạn, bạn nghĩ sao về trường hợp này?
Phụ nữ số