Sếp Samsung Việt Nam: Chiến thắng của đội U23 là bài học để giải quyết vấn đề năng suất lao động thấp
Theo ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam, khi người lao động gặp được nhà lãnh đạo giỏi thì năng suất của họ sẽ được tăng lên.
Tại hội thảo 'Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế' do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 13/4, ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam cho biết, năng suất của người lao động ở Việt Nam bằng 99% so với người lao động tại nhà máy của hãng tại Hàn Quốc.
Theo ông Bang Hyun Woo, tại các nhà máy của Samsung có 2 đối tượng lao động chính là công nhân và kỹ sư. "Do sự khác biệt về chương trình đào tạo nên đầu vào của các kỹ sư Việt Nam có yếu hơn Hàn Quốc một chút. Tuy nhiên, sau khi được đào tạo 1-2 năm, họ có thể đạt trình độ tương đương", ông Bang nói.
Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam cũng cho rằng với 170.000 công nhân là lao động Việt trong khi chỉ có 240 quản lý người Hàn Quốc, 'điều đó cho thấy năng suất lao động của người Việt Nam khá tương đồng với các nước khác'.
Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam
Ông Bang Hyun Woo đánh giá cao tiềm năng của người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông năng suất của một người lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chương trình đào tạo, người quản lý, trong đó vai trò của người quản lý rất quan trọng.
"Tôi xin lấy ví dụ về chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á vừa qua. Các cầu thủ đã gặp được huấn luyện viên Park - người hiểu và biết cách khai thác tiềm năng của họ. Tương tự, nếu người lao động Việt Nam có được vị sếp giỏi, năng suất của họ cũng sẽ tăng lên", lãnh đạo Samsung nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với ông Bang Hyun Woo, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup cho rằng người lãnh đạo đóng vai trò quyết định đối với năng suất lao động.
"Người đứng đầu doanh nghiệp phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thưởng phạt phân minh, thu hút người tài, giữ chân người tài", ông Thủy nói đồng thời nhấn mạnh các nhà quản lý cần coi việc đào tạo nguồn nhân lực là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí.
Bàn thêm về vấn đề này, Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam nhận định để phát huy được tiềm năng của người lao động, cần khai phá được các yếu tố như: lãnh đạo đưa ra chính sách tiền lương, thưởng, đào tạo nghề gắn với người lao động; hệ thống quản trị công ty và văn hóa doanh nghiệp phải có sức sáng tạo, tạo cho người lao động môi trường làm việc có kỷ luật.
Bà Thanh cũng lưu ý, khi tư liệu sản xuất như công nghệ, máy móc, nguyên vật liệu còn khá lạc hậu, thì việc người lao động Việt Nam có năng suất thấp là điều không thể tránh khỏi.
Người đồng hành