Shark Bình giải thích nghịch lý: Vì sao người trẻ đòi ‘nghỉ hưu sớm”, còn các tỷ phú như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long,... vẫn miệt mài làm việc?
Là ông chủ hệ sinh thái khởi nghiệp NextTech, Shark Nguyễn Hoà Bình cũng đang miệt mài làm việc dù đã vượt ngưỡng tự do tài chính từ lâu.
- 23-12-2021Gánh scandal chấn động cả ngành từ năm 25 tuổi, Shark Bình học cách "phản dame” cực mạnh: Tôi chẳng hại ai trước, nhưng ai hại tôi thì sẽ đấu tranh tới cùng, phải chứng tỏ mình không phải dạng vừa đâu!
- 23-12-2021Shark Nguyễn Hòa Bình: "Có 1 tỷ USD tôi cũng không biết phải làm gì, bởi đã vượt qua mức tự do tài chính rất lâu rồi"
- 11-11-2021Quan điểm "kiếm tiền và kiếm sống" là khác nhau của Shark Bình làm ngộ ra lằn ranh khác biệt giữa người sẽ giàu và mãi nghèo?
Trào lưu nghỉ hưu sớm không còn lạ ở các nước phương Tây nhưng mới chỉ bắt đầu được nhắc đến nhiều tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Khái niệm và phong cách sống này cũng đang gây ra không ít tranh cãi.
Đơn cử, cách đây không lâu, một cô gái 27 tuổi ở Hưng Yên tuyên bố nghỉ hưu sớm với khoản tiền tiết kiệm 100 triệu đồng, ở cùng với gia đình, đi dạy gia sư đã khiến dư luận dậy sóng.
Chưa cần biết giới trẻ thực sự hiểu đúng khái niệm nghỉ hưu sớm hay chưa, nhưng những trường hợp trên khiến người ta đặt ra câu hỏi: "Liệu người trẻ có đang quá lười, trong khi những doanh nhân thành đạt, sở hữu khối tài sản khổng lồ như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Nguyễn Thị Phương Thảo,… vẫn miệt mài làm việc khi tóc đã phai màu?".
Lý giải về hiện tượng này trong vai trò khách mời của Chương trình “CafeTalk số 02 - Phía sau võ đài” do CafeBiz thực hiện, Shark Nguyễn Hoà Bình – ông chủ hệ sinh thái khởi nghiệp NextTech cho rằng có một vài động cơ, khiến các doanh nhân dù thành đạt nhưng vẫn tiếp tục làm việc.
"Động cơ mang tính cốt lõi là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi mình bị lãng quên, tụt hậu, bị tiêu diệt. Giống như con linh dương sáng dậy biết mình phải chạy rất nhanh, không thì sẽ bị ăn thịt.
Động cơ thứ hai đó là thói quen. Như tôi quen với việc startup 20 năm nay rồi, bây giờ ngừng lại tôi chẳng biết làm gì. Mà không làm nữa thì người yếu đi, cơ thể mụ mị, mất sức khoẻ. Lúc đó họ làm việc chính là họ đang được sống, được vui.
Động cơ thứ 3, không phải là tiền mà là để lại di sản cho xã hội, con cháu. Còn làm được đến lúc nào mà họ chấp nhận rằng mình bị lạc hậu rồi, lùi lại để con cháu, người khác lên thay. Mà lúc đó sẽ rất buồn vì rảnh quá, nhiều thời gian quá".
Ông Bình cho rằng bất kỳ ai ở Việt Nam, có tài sản tầm 10 triệu USD là đã vượt qua ngưỡng tự do tài chính mà không cần nghĩ gì đến tiền nữa. Quan trọng lúc đó người ta sẽ chuyển hoá mục tiêu cao hơn, thành để lại di sản gì cho xã hội, công trình gì cho xã hội.
"Người Việt Nam vẫn còn rất năng động. Miễn là chúng ta tiếp tục tuyên truyền những giá trị thật, giá trị của nghề nghiệp. Mình cứ đẩy mạnh ra ánh sáng, ánh sáng mạnh thì tự nhiên bóng tối sẽ bị xua đi. Chúng ta cứ đẩy mạnh, nói nhiều về những điều tích cực thì tự nhiên những xu hướng tiêu cực, lệch lạc sẽ dần biến mất", Shark Bình nhắn nhủ.
Nội dung bài viết được trích dẫn từ Chương trình CafeTalk do CafeBiz và Kinglive phối hợp thực hiện. CafeTalk là talk show trò chuyện với các doanh nhân và người nổi tiếng, chia sẻ về câu chuyện kinh doanh, quan điểm cá nhân và phong cách sống của họ.
"CafeTalk số 02 - Phía sau võ đài" được phát sóng vào 20h ngày 22/12/2021 trên:
Fanpage CafeBiz: https://www.facebook.com/cafebiz.vn/videos/5030037253708054
Kênh YouTube CafeBiz: https://www.youtube.com/watch?v=WhQheMbvDos
Doanh nghiệp và Tiếp thị