Shark Bình tiết lộ loạt bí mật đằng sau các phiên livestream hàng chục tỷ: "Không có lợi nhuận đâu, thậm chí các nhãn hàng lỗ rất sâu"
Chủ tịch NextTech cũng cho rằng tại Việt Nam hiện nay, những người được hưởng lợi nhất sau các phiên livestream là các KOL và KOC.
- 10-08-2024Cuộc chiến kinh doanh chuỗi cà phê: Thị trường dễ vào nhưng cũng dễ bật
- 09-08-2024Tổng giám đốc Sabeco: 'Đề xuất tăng thuế liên tục lên đến 90% - 100% vào năm 2030 thực sự là cú sốc'
- 09-08-2024Một đại gia xăng dầu vừa trở thành công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được kinh doanh khí LNG
Trong một video hậu trường của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 mới đây, khi được hỏi về xu hướng livestream bán hàng hiện nay, Chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình cho biết bản thân ông từng tham gia các phiên live và tự thấy mình "khá có duyên".
Nhìn ra thế giới, Shark Bình chỉ ra rằng xu hướng này tại Trung Quốc thịnh hành đến mức việc các quan chức, chủ tịch và tổng giám đốc doanh nghiệp tham gia livestream để làm gương, tổ chức các phiên key live (phiên chủ chốt) để thúc đẩy thương mại điện tử là chuyện rất phổ biến.
"Tuy nhiên tại Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn còn thiếu vắng sự xuất hiện trên kênh này, có thể vì nhiều lý do. Chính vì vậy, các KOL (người có tầm ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn lên thị trường) vẫn đang chiếm sóng chủ yếu trong các phiên livestream", Shark Bình nói.
Đồng thời, ông cũng chia sẻ những "hidden secret" (bí mật ẩn) đằng sau các phiên live.
Thứ nhất là nhiều phiên livestream có lượng mắt xem vô cùng đông đảo một phần là do những phiên key live này hợp tác với các nền tảng và được ưu tiên bơm traffic. Theo Shark Bình, nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ của các sàn thì sẽ không bao giờ có lượng traffic "khủng khiếp" như vậy.
Thứ hai là thông thường đối với những phiên key live, sau khi các sàn cam kết hỗ trợ thì ngược lại các nhãn hàng cũng phải cam kết "giảm giá sập sàn", thậm chí bán lỗ để tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, giúp cho tất cả các bên cùng đạt được giá trị.
"Sàn bơm traffic, phát voucher, miễn phí vận chuyển, thì ngược lại các nhãn hàng muốn tham gia cũng sẽ phải giảm giá, khuyến mại. Chính vì vậy, rất nhiều phiên livestream chúng ta nhìn thấy có sản lượng, doanh số vô cùng lớn, nhưng không có lợi nhuận đâu, thậm chí các nhãn hàng lỗ rất sâu. Nhưng họ chấp nhận việc đấy, coi đó là một kênh truyền thông, quảng bá cho thương hiệu", Shark Bình phân tích.
"Những người được hưởng lợi nhất là các KOL, KOC. Người thì bán được 50 tỷ, 70 tỷ, người thì bán 100 tỷ… Họ là những gương mặt đại diện được thuê để bán hàng và được trả một vài trăm triệu tiền công, có thể cộng thêm một vài phần trăm giá trị đơn hàng trong phiên live. Việc bán hàng, nộp thuế… là do các nhãn hàng đảm nhiệm", vị "cá mập" chia sẻ thêm.
Theo những thông tin được công khai, phiên livestream đem về doanh số cao nhất tại Việt Nam hiện nay thuộc về vợ chồng Nguyễn Lan Anh và Lã Quốc Quyền - chủ kênh TikTok Quyền Leo Daily, với con số 100 tỷ đồng. Trước phiên live kéo dài 17 tiếng thu về 100 tỷ đồng, hai vợ chồng này cũng từng "gây choáng váng" với phiên live 75 tỷ.
Gia đình này cũng từng chia sẻ rằng thành công trong các phiên live là nhờ 4 bên: TikTok Shop, nhãn hàng, chủ kênh TikTok và khách hàng. TikTok Shop đưa ra nhiều voucher cho phiên live để thu hút khách hàng, người dùng mới. Nhãn hàng bán trong phiên live chấp nhận lợi nhuận rất thấp hoặc không có, để đổi lấy hiệu quả truyền thông rất lớn so với quảng cáo trên các nền tảng khác.
Đời sống pháp luật