MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới!

25-12-2019 - 07:19 AM | Doanh nghiệp

“Sự chú ý đến thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư từ lớn đến bé đang ở mức cao độ. Do vậy, việc chúng ta có doanh nghiệp kỳ lân tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian thôi, sang năm hoặc 1 – 2 năm nữa sẽ có”, Shark Dũng Nguyễn nói với Trí Thức Trẻ.

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới! - Ảnh 1.

-Nhìn lại thị trường một năm qua, nếu nhận xét về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, anh sẽ nói gì?

Về tổng quan, tôi thấy rằng thị trường khởi nghiệp của Việt Nam đang rất tích cực. Số lượng vốn bơm vào thị trường khá nhiều, các công ty nhận được vốn ở vòng đầu hoặc vòng Early stage cũng tăng lên nhiều. Một số startup đã nhận được số vốn cực lớn, trên 100 triệu USD.

Khởi nghiệp không chỉ nóng với những người làm công nghệ mà có thêm nhiều văn nghệ sĩ như Phi Thanh Vân, Hồ Ngọc Hà, hay mới đây là Sơn Tùng MTP... Anh nghĩ gì về điều này?

Nhìn chung, khởi nghiệp không hạn chế bất cứ thành phần nào tham gia cả. Ai có mong muốn tạo ra giá trị cho xã hội, mong muốn làm giàu từ những ý tưởng đấy đều có thể tham gia. Cho nên doanh nhân hay giới nghệ sĩ đều như nhau. Tôi nghĩ điều này là tích cục và tốt cho xã hội.

Nhưng nếu ở góc độ kỹ hơn với giới nghệ sĩ, như Hà Hồ hay Phi Thanh Vân, thì bản chất họ đang tham gia vào những lĩnh vực mà họ có thế mạnh, liên quan đến hình ảnh hay thương hiệu của họ.

Ngay cả việc Sơn Tùng tham gia vào Luxstay thì cũng nên nhìn nhận như bạn đó chia sẻ là "muốn hỗ trợ các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam và nhận thấy Luxstay có nhiều tiềm năng, cơ hội, có nhiều điều Tùng thích nên đầu tư". Điều đó không hẳn là Tùng khởi nghiệp cùng dự án đấy.

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới! - Ảnh 2.

-Như vậy có thể thấy gì từ hiện tượng các nghệ sĩ Việt nổi tiếng đầu tư cho các startup?

Nếu nhìn ra nước ngoài có thể thấy giới nghệ sĩ đầu tư vào startup rất nhiều. Ví dụ như ngôi sao Hollywood Will Smith và tuyển thủ Nhật Bản Keisuke Honda trong năm 2018 công bố quỹ khởi nghiệp 100 triệu USD để đầu tư vào các startup Mỹ. Leonardo DiCaprio cũng tỏ ra hứng thú với các công ty khởi nghiệp. Anh ta đã rót vốn vào một số dự án như Casper (doanh nghiệp bán đệm qua Internet), Mobli Mobile (ứng dụng chia sẻ ảnh và video)...

Một số nghệ sĩ sau khi đã thành công trong lĩnh vực của họ thì đi tìm một miền đất mới, nhiều tiềm năng, là điều bình thường. Nó giống như một kiểu đầu tư thôi. Chuyện đó không có gì bất thường cả.

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới! - Ảnh 3.

-Theo quan sát của anh, khởi nghiệp ở Việt Nam so với các nước có khó khăn hơn không?

Xét chung thì khởi nghiệp ở đâu cũng khó khăn cả vì làm ra một cái mới. Nói đến khởi nghiệp là nói đến giá trị, nhưng tăng giá trị đầu này thì sẽ ảnh hưởng đến đầu kia.

Ví dụ, Uber, Grab tốt, tạo giá trị mới người dùng nhưng nó tác động đến taxi truyền thống. Nhưng đó là quy luật của tự nhiên về sự đào thải khi cái mới thay thế cái cũ.

Ở Việt Nam chắc chắn khó khăn hơn, đơn giản là do quy mô thị trường nhỏ nếu so với các nước khác. Ví dụ như nói đến khu vực Đông Nam Á, người ta sẽ tập trung vào những nơi như Indonesia.

Thị trường nhỏ dẫn đến không có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, khiến cho các công ty khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc gọi vốn. Thứ nữa là nguồn nhân lực. Nơi nào thuận lợi thì nhân tài sẽ đổ dồn về, như Silicon Valley chẳng hạn. Nó là một vòng tròn: không có vốn thì không tuyển được nhân lực giỏi, không có người giỏi thì sản phẩm không có bước đột phá.

Một điểm nữa cần lưu ý là thế giới giờ đã phẳng khiến cho dòng tiền, nguồn tài nguyên, nhân lực... sẽ được dịch chuyển. Đương nhiên nơi nào "hữu xạ tự nhiên hương" thì sẽ nhận được dòng chuyển dịch này. Do đó, chắc chắn các công ty nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam. Nó đồng nghĩa các công ty khởi nghiệp trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau, cạnh tranh với doanh nghiệp truyền thống, mà còn phải đối mặt với các ông lớn từ bên ngoài.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nơi có nhiều cơ hội khi thị trường chưa có nhiều người khai phá.

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới! - Ảnh 4.

-Như anh nói khởi nghiệp là cơ hội bình đẳng, nhưng liệu có cần tố chất hay không? Và những ai nên bắt tay vào khởi nghiệp?

Nếu nói khởi nghiệp nói chung thì bất cứ ai cũng có thể tham gia được, nhưng quan trọng nhất khi bắt tay vào làm thì cần phải biết đâu là thế mạnh của mình.

Founder cũng phải nhìn ra được đâu là nỗi đau của thị trường, là nhu cầu cấp bách của người dùng, doanh nghiệp mà chưa được giải quyết. Và nếu bắt tay vào làm thì điểm mạnh của mình là gì... Như vậy thì dù là bất cứ ai cũng tham gia được.

Tức không nhất thiết một anh học kỹ thuật mới làm CEO công ty khởi nghiệp công nghệ. Anh không biết code nhưng đồng đội anh làm giỏi, anh biết tập hợp nhân sự, sử dụng người. Điển hình như VNG chắc chắn anh Lê Hồng Minh không biết code, hay CEO Foody, Tiki, Vật giá... có ai biết code đâu.

Quan trọng là ai đi cùng mình, đối tác mình là ai, có đi đến cùng và chiến đấu với nhau hay không.

-Có một câu hỏi hay được các bạn trẻ đặt ra: Nên bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp với đầy rủi ro hay không?

Xã hội có sự phân công công việc. Bạn không nhất thiết phải khởi nghiệp mới thành công và không nhất thiết đi làm công ăn lương là thất bại. Mọi người đều có lý tưởng, mục đích sống riêng biệt. Tôi nghĩ rằng không nên khuyên là đi theo con đường này hay đường kia, mỗi người sẽ biết nên làm gì với thời gian hạn hẹp của mình.

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới! - Ảnh 5.

-Một founder người Việt, nổi tiếng ở thung lũng Silicon thay vì khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp lại nhấn mạnh là "Hãy nghĩ kỹ trước khi làm", nhằm giảm bớt sự hưng phấn quá mức về khởi nghiệp. Anh nghĩ gì về điều này?

Tôi nghĩ mọi thứ phải công bằng. Kích thích sự hưng phấn ở đây là khi nói quá nhiều về màu hồng khởi nghiệp. Bản thân founder phải tự tìm ra con đường cho mình. Nếu họ cần được chăm sóc từng chút một, họ sẽ không còn ý nghĩa của một người sáng lập nữa.

Vậy nên câu chuyện khuyên hay không khuyên, nói giảm hay nói tăng không có ý nghĩa. Thị trường cần những câu chuyện chia sẻ, dù tích cực hay tiêu cực. Thực tế thì không phải màu hồng, chắc chắn. Nhưng tôi cũng khẳng định là nó không hàm nghĩa ai cũng sợ mà lui vào. Nếu không dám bước ra để làm gì đấy, vậy ai sẽ là người làm?

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới! - Ảnh 6.

-Anh và rất nhiều người có tiếng trong giới khởi nghiệp từng khẳng định: Ý tưởng là thứ rẻ nhất, chỉ giá vài xu. Vậy từ khi có một ý tưởng cho đến khi bắt tay vào làm, statup cần phải trả lời những câu hỏi gì để giảm thiểu tối đa những rủi ro, tăng tính thành công của dự án?

Nhiều người nói rằng ý tưởng tôi rất quan trọng, tôi không dám chia sẻ với ai vì sợ... mất. Thật ra thế không đúng. Ý tưởng là gì, là ý của người ta mà mình tưởng là của mình. Về bản chất, nhiều cái đã tồn tại từ trước đó rồi, chỉ là thay đổi về hình dáng, mô hình các thứ thôi, chỉ là mình nghĩ mình đã phát kiến ra gì cao siêu lắm.

Ý tưởng theo tôi còn là sự điều chỉnh phù hợp với mỗi hoàn cảnh, thị trường thực tế nào. Nhưng ngay cả khi có ý tưởng tốt, phù hợp rồi, nhưng không thực hiện được thì chả có ý nghĩa gì. Chính vì thế, người ta coi trọng về đội ngũ thực thi hơn là ý tưởng.

Vậy ý tưởng quan trọng không, có, nhưng không phải yếu tố quyết định cho thành công.

Câu hỏi đặt ra từ ý tưởng đến hành động là gì, theo tôi, nó phải bắt đầu từ việc biết đâu là vấn đề, nỗi đau của thị trường là gì, mình muốn giải quyết bài toán đấy cho ai.

Câu thứ 2 đặt là là đã có ai giải quyết vấn đề đó chưa. Nếu chưa thì phải đặt câu hỏi đâu là lý do: Là vì thị trường quá bé, vấn đề chưa đến mức được nhiều người quan tâm; Thời điểm đấy chưa phù hợp hay từng xử lý rồi nhưng chưa thành công?

Với một dự án tiềm năng không có nghĩa là mình giỏi hơn người khác, chắc chắn. Thị trường sẽ đánh hơi tốt hơn chúng ta nhiều nên đừng tự tin là mình là người đầu tiên. Sự tự tin thái quá sẽ dẫn đến thất bại. Bạn nghĩ mình là số 1 nhưng thực ra mình không là gì cả.

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới! - Ảnh 7.

-Vậy khi ngồi ghế nóng ở Thương vụ bạc tỷ, anh thường có suy nghĩ gì khi nghe các bạn trẻ trình bày?

Tôi quan tâm nhất là startup đấy định giải quyết cái gì, cho ai, làm thế nào để thực hiện, trên thị trường có ai làm hay chưa, liệu nhóm này có làm tốt hơn không, tại sao họ có khả năng làm tốt hơn?

Sau đó, tôi nghĩ đến những câu hỏi để có thể chứng minh, làm rõ hơn các luận điểm mà các bạn đang nói.

-Với Thương vụ bạc tỷ, nhiều người vẫn nhận xét là hơi "hồng" quá, không khốc liệt như thực tế của khởi nghiệp. Là một Cá mập của chương trình, anh nghĩ gì khi nghe bình luận đó?

Thương vụ bạc tỷ không tập trung vào lĩnh vực cụ thể nào cả, nó đa dạng từ dự án công nghệ đến xã hội, nghệ thuật. Sự đa dạng dẫn đến mỗi người chỉ quan tâm đến một hoặc một số lĩnh vực khác nhau. Như tôi thì chỉ startup công nghệ chẳng hạn. Nên quyết định, nhận xét của mỗi người dựa vào lí do của họ chứ không phải lí do của người nghe. Tôi không thể nói là màu hồng hay màu xám, dễ dàng hay không dễ dàng rót vốn được. Ngay cả khi đồng ý ở trong chương trình, vẫn còn cần thời gian để đi thẩm định nữa mà.

Một điểm nữa, lên Shark Tank có khốc liệt hay không, thì tôi khẳng định số lượng công ty được chọn ghi hình với tỷ lệ ứng cử cũng khá chi khốc liệt. Hơn 1.000 hồ sơ chọn được 100, sau đó còn 60 – 70 được ghi hình, và chỉ gần 50 startup được phát sóng.

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới! - Ảnh 8.

-Thời điểm này Việt Nam mới chỉ có 1 kỳ lân. Sau bao lâu chúng ta sẽ có những kỳ lân tiếp theo?

Trên thế giới sẽ có sự dịch chuyển nguồn lực từ những nước phát triển chuyển dần sang những nước mới nổi, có quy mô thị trường hấp dẫn. Ví dụ từ Mỹ chuyển sang Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ - nơi thị trường có quy mô hàng nghìn tỷ USD. Tới đây sẽ là sự dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á.

Trong Đông Nam Á, thị trường nhận được sự quan tâm hàng đầu là Indonesia, quy mô khoảng 1.000 tỷ USD với dân số là 250 triệu dân. Rồi Thái Lan với quy mô 350 – 400 tỷ USD, dân số 70 triệu dân. Singapore thì hub khởi nghiệp rồi. Sau những quốc gia đó là phải đến Việt Nam rồi. Quy mô thị trường Việt Nam là hơn 220 tỷ USD, dân số gần 100 triệu người. Nó chỉ là câu chuyện thời gian dịch chuyển thôi.

Sự chú ý đến Việt Nam của các nhà đầu tư từ lớn đến bé đang ở mức cao độ. Do vậy, việc chúng ta có doanh nghiệp kỳ lân tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian thôi, sang năm hoặc 1 – 2 năm nữa sẽ có thôi. Nó sẽ sớm thành hiện thực vì thị trường Việt Nam đang được để ý rất nhiều.

Điều tôi quan ngại là liệu kỳ lân của chúng ta có đủ sức mạnh chống chọi với sự đổ bộ của các doanh nghiệp mạnh nước ngoài không, vì rõ ràng họ đang nhìn Việt Nam rất hấp dẫn. Nếu các công ty nội địa không tăng trưởng nhanh, phát triển mạnh, dùng Việt Nam làm bàn đạp để đi ra khu vực thì sẽ bị chính các công ty khu vực dùng bàn đạp của chính nước họ để tấn công.

Shark Dũng: Việt Nam sẽ có thêm startup “kỳ lân” trong 1-2 năm tới! - Ảnh 9.

-Các "mầm" kỳ lân đó là những công ty nào?

Tiki, Sendo, VNPay, Momo... tất cả những công ty đó là ứng cử viên cho kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.

-Vậy thời điểm hiện tại có thể xem là giai đoạn bùng nổ về startup tại Việt Nam hay chưa?

Là thời điểm này.

-Sau những vụ việc như Theranos, Wework... người ta đang nhắc đến bong bóng startup. Giờ có sớm hay không khi lo lắng vấn đề này ở Việt Nam?

Việt Nam chưa đến lúc. Vì các startup vẫn đang quy mô rất nhỏ, đang ở giai đoạn đầu. Tôi chỉ có lo ngại là các bạn trẻ tham gia vào thị trường và coi đó là trào lưu. Cái gì là trào lưu thì sẽ dễ thất bại.

Với các nhà đầu tư, điều này cũng khiến họ cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm những founder chân chính, khởi nghiệp vì mục đích chính đáng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vì nếu khởi nghiệp vào thời điểm này thì cơ hội để họ huy động vốn sẽ trở nên dễ dàng hơn, trong nguy luôn có cơ là vì thế.

-Anh có lời khuyên gì cho giới khởi nghiệp Việt Nam cho một năm 2020 sắp tới?

Năm 2020 hay 2019 thì lời khuyên của tôi cũng thế thôi.

Thứ nhất với các statup thì tôi có lời khuyên trước, và trong quá trình khởi nghiệp. Như tôi nhiều lần nhấn mạnh, khi bắt đầu, nên quan sát đâu là vấn đề của thị trường và tìm ra các góc xung quanh. Nếu tìm ra rồi thì mình cần: một là tập trung; hai là tốc độ; ba là tiên phong; bốn là dám thay đổi. Thị trường thay đổi khá chi nhanh, nếu mình không thay đổi theo, cứng nhắc quá thì khả năng thất bại sẽ rất lớn.

Trong quá trình khởi nghiệp, startup cần sự minh bạch về thông tin. Mặt khác, cần quản trị nguồn tiền tốt, đừng để gần hết tiền mới tính đến tìm kiếm dòng tiền tiếp theo vì việc gọi vốn rất khó khăn, mất thời gian. Ngay cả các thoả thuận chốt trên Shark Tank thì nhanh nhất cũng mất vài tháng. Các bạn phải biết rằng ngay cả khi nhà đầu tư hứa rót tiền thì không có nghĩa là sẽ có tiền ngay đâu. Các bạn cần phải thực tế!

Cảm ơn anh!

Bài tiếp: Chuyện chống lại gã khổng lồ Google của Cốc Cốc

Phương Ánh
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên