Siết tín dụng bất động sản: Không để thị trường tê liệt
Động thái kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản (BĐS) của Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây đã khiến vốn chảy vào thị trường có dấu hiệu “khựng” lại. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu siết nhanh và mạnh thị trường BĐS có thể sẽ tê liệt.
Tiền “chôn” trong trái phiếu DN bất động sản
Câu chuyện siết tín dụng vào BĐS không phải bây giờ mới nóng, cách đây 2 năm, các ngân hàng cũng hạn chế cho vay. Vì vậy, mới nở rộ tình trạng doanh nghiệp (DN) địa ốc đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao để huy động vốn trong dân.
Dẫu vậy, hệ luỵ cho những DN làm ăn không minh bạch đã đến. Trường hợp Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một ví dụ. Hơn 10.000 tỷ đồng huy động từ phát hành trái phiếu tập đoàn này “gom” xong sử dụng vào mục đích gì đến nay cơ quan chức năng vẫn đang điều tra. Trong khi hàng nghìn nhà đầu tư đang có nguy cơ mất tài sản, bởi không biết bao giờ mới nhận lại được tiền.
Thị trường BĐS sẽ ảnh hưởng khi bị siết tín dụng. Ảnh: Như Ý.
Dòng tiền chảy vào lĩnh vực BĐS thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh. Trong năm 2021, các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020.
Kể từ đầu năm đến nay (31/3/2022), tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm BĐS hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng giá trị phát hành. Việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu , lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam siết tín dụng trái phiếu là giải pháp nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra bong bóng BĐS.
“Đây là việc cần thiết để lành mạnh hóa thị trường BĐS, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường địa ốc tăng “nóng” thời gian qua khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính.
Tuy nhiên, chủ trương siết tín dụng khiến người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp kéo dài khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, lãi suất gửi tiết kiệm lại giảm mạnh nên kinh doanh bất động sản trở thành một trong những kênh đầu tư thu hút vốn. “Dư nợ cho vay BĐS tăng dẫn đến nợ xấu cũng có xu hướng tăng theo trong thời gian tới”, ông Hùng nói.
Cần xem xét cẩn trọng
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, hệ lụy nếu siết chặt cho vay BĐS sẽ có nhiều tác động. Trước hết, hiện tại nguồn cung cho thị trường bất động sản đang khan hiếm. (Ở cả Hà Nội và TPHCM trong suốt thời gian qua, số lượng dự án được cấp phép quá nhỏ, khiến lượng hàng đẩy ra thị trường gần như không có). Trong khi đó, nhu cầu sở hữu BĐS của người dân rất lớn.
“Chúng ta là nước đang phát triển, tỉ lệ sở hữu nhà của người dân còn thấp, diện tích nhà ở bình quân chỉ khoảng 23 m2, thấp hơn mức trung bình của thế giới. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng cũng làm tăng nhu cầu BĐS. Ngoài ra, những vấn đề của thị trường BĐS còn ở việc thổi giá, mua bán thiếu công khai minh bạch….Ngân hàng siết tín dụng vào BĐS có thể giúp giảm được lượng tiền vào thị trường, từ đó góp phần giảm được cách kinh doanh chộp giật của một bộ phận nhà đầu tư”, PGS-TS Thịnh nói.
“Nếu việc siết tín dụng BĐS được thực hiện không phù hợp, thị trường BĐS chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm lại, trầm lắng và có thể là đóng băng. Phía sau BĐS có khoảng 40 ngành, nghề sản xuất kinh doanh. Vì thế, các nhà quản lý cần phải xem xét cẩn trọng”, PGS-TS Thịnh nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), việc siết tín dụng BĐS ảnh hưởng đến cả người thực sự có nhu cầu mua nhà, khi họ khó vay tiền ngân hàng và giá nhà có thể bị đẩy lên cao.
Theo ông Châu, lành mạnh hóa lĩnh vực tín dụng BĐS là chủ trương hợp lý, nhưng nếu thực hiện một cách cực đoan có thể sẽ khiến thị trường đình trệ, dẫn tới không ít rủi ro. “Siết như thế nào, siết ai cần phải tính toán kỹ, nếu không cẩn trọng sẽ có những hệ lụy khó kiểm soát”, ông Châu nói.
Thực tế, trong 2 - 3 năm vừa qua, nếu doanh nghiệp các lĩnh vực khác được vay lãi suất từ 7 - 9%/năm thì BĐS phải vay với mức lãi suất 11 - 13%/năm. Đó là chưa kể điều kiện để được vay vốn luôn chặt chẽ hơn rất nhiều so với phương án kinh doanh bình thường.
Với việc liên tục yêu cầu hạn chế từ NHNN thì một số nhà băng cũng tiếp tục giảm hạn mức cho vay. Chẳng hạn một số dự án trước đây được cho vay khoảng 70% thì nay chỉ được duyệt khoảng 50% nhưng hồ sơ vẫn đang nằm chờ xem xét và chưa biết khi nào được thông qua...
Theo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, nguồn vốn tín dụng BĐS hết quý I tăng khoảng 2,4% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng 2,23 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, cho vay nhà ở ước đạt 65% (1,45 triệu tỷ đồng) còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 35% (0,78 triệu tỷ đồng).
Tiền phong