MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Siêu cảng' 5,5 tỷ USD dự kiến nộp ngân sách 40.000 tỷ đồng/năm

'Siêu cảng' 5,5 tỷ USD dự kiến nộp ngân sách 40.000 tỷ đồng/năm

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình UBND TP. HCM kết quả lập đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ở huyện Cần Giờ, TP. HCM.

Cụ thể, vị trí cảng được đề xuất là ở cửa sông Cái Mép, thuộc huyện Cần Giờ. Đây là khu vực nằm trong vùng đệm, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy.

Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan khoảng 2km để đón tàu có trọng tải lên đến 250.000 DWT (24.000 teu)… Cảng này sẽ sử dụng điện, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.

Để kết nối giao thông, từ nay đến năm 2030, TP sẽ làm cầu Cần Giờ kết nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Cùng với đó là nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác, xây nút giao tuyến này kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Sau năm 2030, TP làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác. Đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa sẽ được xây dựng. TP sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.

Đề án chỉ rõ, việc triển khai phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021 - 2030 là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho hệ thống cảng biển TP. Đây là cơ hội tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Porcoast) - Nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng Cần Giờ cho biết, dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án là 5,45 tỷ USD (khoảng 128.000 tỷ đồng), do nhà đầu tư tự thu xếp thực hiện.

'Siêu cảng' 5,5 tỷ USD dự kiến nộp ngân sách 40.000 tỷ đồng/năm  - Ảnh 1.

Đề án dự kiến, khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ đạt 34.000-40.000 tỷ đồng/năm.

Ngoài con số trên, cảng cũng sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.

Theo lộ trình, công tác chuẩn bị đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được triển khai từ năm 2023 đến năm 2024. Từ năm 2024 đến 2026 triển khai xây dựng và đưa vào khai thác cảng từ 2027.


Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên