“Siêu cảng” sắp được rót 50.000 tỷ đồng, đứng đầu về vốn đầu tư tư nhân sẽ được quy hoạch ra sao?
Trong danh mục Các dự án dự kiến sử dụng vốn của doanh nghiệp, dự án bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng (giai đoạn khởi động) dự kiến sẽ sử dụng 50.000 tỷ đồng vốn tư nhân, triển khai trong giai đoạn năm 2021-2030.
- 25-07-2023Thứ hạng tăng trưởng GRDP của 5 địa phương từng tăng trưởng cao nhất cả nước năm 2022 thay đổi ra sao trong nửa đầu năm 2023?
- 02-07-2023Tăng trưởng GRDP 5 thành phố trực thuộc TW 6 tháng 2023
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Văn bản quyết định đi kèm 2 phụ lục, gồm Phụ lục I - Danh mục dự án dự kiến sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và Phụ lục II - Danh mục dự án dự kiến sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong danh mục Các dự án dự kiến sử dụng vốn của doanh nghiệp, dự án bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng (giai đoạn khởi động) dự kiến sẽ sử dụng 50.000 tỷ đồng vốn tư nhân, triển khai trong giai đoạn năm 2021-2030.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg, ngày 22/9/2021, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ Trần Đề.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và đề xuất của tỉnh Sóc Trăng, đến năm 2030, cảng Trần Đề sẽ xây dựng 6 bến cảng dài 1.600 - 2.200 m, gồm 4 bến tổng hợp, hàng rời tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000DWT giảm tải và 2 bến container tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000DWT. Công suất hàng hóa thông qua khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm, diện tích cảng rộng 1.400 ha. Cảng cũng sẽ có bến sà lan dài 500 m tiếp nhận sà lan đến 5.000T phục vụ tiếp chuyển hàng hóa từ bến cảng ngoài khơi vào phía bờ, cầu dẫn vượt biển dài 18 km.
Khu cảng Trần Đề đóng vai trò thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thu hút hàng trung chuyển đi Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong, đặc biệt tuyến sông Hậu - một trong hai nhánh chính của sông Mekong chảy vào Việt Nam.
Hồi đầu tháng 7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã ký ban hành Quyết định về việc giao nhiệm vụ tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng.
Trong đó, giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông vận tải tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra.
Các đơn vị liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Trần Đề và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho Sở Giao thông vận tải tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng theo mục tiêu đề ra và đúng quy định.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng trong việc ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư khu bến cảng Trần Đề, làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt. Đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu nguồn vốn, có thể từ nguồn ngoài ngân sách hoặc ngân sách để tổ chức thực hiện theo quy định.
Nhịp sống kinh tế