MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siêu dự án 3,26 tỷ USD và lời cam kết của Chủ tịch Trần Đình Long: "Trên TTCK, tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát"

Siêu dự án 3,26 tỷ USD và lời cam kết của Chủ tịch Trần Đình Long: "Trên TTCK, tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát"

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, Hòa Phát đã đặt cược ván bài lớn: Một dự án công nghiệp giá trị hơn 3 tỷ USD, tương đương 1.000 dự án vừa và nhỏ khác, được đầu tư 100% bằng nguồn vốn trong nước, tiền "tươi" đối ứng vốn ngân hàng. Quyết định này không chỉ là một tuyên bố đầy tự tin trước những khó khăn chung của thị trường mà còn là một chiến lược đầy toan tính?

Tại sao đã là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, Hòa Phát còn phải thực hiện dự án Dung Quất 2 quy mô 85.000 tỷ đồng?

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 18/6/2021 với tổng diện tích 279 ha tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án Dung Quất 2 có quy mô trên 280 ha, vị trí liền kề Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, công suất thiết kế bao gồm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng, trong đó 35.000 tỷ đồng được 8 ngân hàng hợp vốn cấp tín dụng.

Trước đó, giai đoạn năm 2020-2021, Hòa Phát đã đưa vào vận hành Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng, nâng công suất thép thô toàn tập đoàn lên 8,5 triệu tấn/năm, lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Ông Trần Tuấn Dương, một trong những lãnh đạo chủ chốt cùng ông Long xây dựng Hòa Phát từ ngày đầu đã từng chia sẻ quan niệm "thép là bánh mỳ của nền công nghiệp". Trong một lần phỏng vấn, ông Dương kể lại, khi làm khu liên hợp thép Hải Dương, mỗi lần xây thêm một cái lò cao là lại phải xin ý kiến cổ đông. Mọi người đều đặt ra câu hỏi: Làm ra thì bán cho ai? 

Ông Trần Tuấn Dương không ngần ngại trả lời: 'Yên tâm, bán được! Miễn là mình sản xuất ra hàng chất lượng cao, giá thành hợp lý, thị trường ắt sẽ đến'. Khi làm đến nhà máy Dung Quất (1), rất lớn (giá trị 60.000 tỷ đồng), gần như mọi người đã tin tưởng và không còn hoài nghi về khả năng bán hàng của Hòa Phát.

Siêu dự án 3,26 tỷ USD và lời cam kết của Chủ tịch Trần Đình Long: "Trên TTCK, tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát" - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Dương, cổ đông, thành viên HĐQT của Hòa Phát

Trên thực tế, nhìn vào danh mục các sản phẩm hiện nay và tình hình bán hàng của Hòa Phát, đặc biệt trong năm qua, có thể thấy quyết định đầu tư Hòa Phát Dung Quất 1 của lãnh đạo Hoà Phát đã tạo ra sản phẩm khác biệt và chất lượng cho doanh nghiệp.

Với công suất hiện tại 3 triệu tấn/năm, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC). Sản phẩm đáp ứng hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe của Việt Nam và thế giới như: JIS, MS, SAE, BS EN... Giữa năm 2023, HRC của Hòa Phát được cấp chứng nhận CE Marking “giấy thông hành” khi xuất sang châu Âu.

Công ty đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, nghiên cứu phát triển nhiều dòng sản phẩm, mác thép khác nhau, phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Trong năm 2023, lần đầu tiên sản lượng bán hàng HRC đạt xấp xỉ công suất thiết kế, trong đó lượng xuất khẩu vượt 1 triệu tấn.

Trước đó, ngày 24/10/2023, Hòa Phát đã cán mốc 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) sau hơn 3 năm kể từ khi cuộn HRC đầu tiên tháng 05/2020 ra đời.

Mặc dù đã là nhà sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, sản xuất được những sản phẩm độ khó cao như HRC nhưng tham vọng của ông Trần Đình Long và các cộng sự chưa dừng lại. 

Trong nhiều lần họp HĐQT, chủ tịch Trần Đình Long từng phát biểu, nếu dừng lại thì "Chúng ta (Hòa Phát) sẽ chết, đối thủ cạnh tranh sẽ vượt qua. Ý nghĩa của từ "không dừng lại" còn được hiểu là ngoài những gì chúng ta đã có, chúng ta sẽ vươn tầm khu vực, sẽ làm dự án Dung Quất 2 đạt 14,5 triệu tấn thép".

Trên thực tế, "núi cao còn có núi cao hơn", chỉ khi không ngừng nỗ lực và tiến về phía trước, Hòa Phát mới có thể đảm bảo vị trí dẫn đầu và không bị đối thủ vượt qua. Việc thực hiện dự án Dung Quất 2 cho thấy quyết tâm không chỉ "sống" mà còn phải phát triển mạnh mẽ, chấp nhận đối mặt với rủi ro của những người đứng đầu Hoà Phát.

Kiên quyết không chia cổ tức bằng tiền, để dành vốn cho "quả đấm thép" hơn 3 tỷ USD

Để hiện thực hóa khát vọng này, Hòa Phát đã chuẩn bị một lượng lớn về tài chính để dồn lực cho "quả đấm thép trên 3 tỷ đô". Đó là nguyên nhân tại sao năm 2021 mặc dù lãi kỷ lục 34.520 tỷ đồng nhưng Hòa Phát vẫn chủ trương không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trước quyết định đó, một số cổ đông đã phản ứng rất gay gắt, thậm chí trong những ý kiến được gửi tới Chủ tịch Trần Đình Long, có người còn cho rằng việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là "giấy lộn".

"Tôi là cổ đông lớn nhất, tâm huyết nhất, nên nếu nói về tâm huyết trước sau như một thì trên thị trường chứng khoán tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát", ông Long bộc bạch với cổ đông.

Siêu dự án 3,26 tỷ USD và lời cam kết của Chủ tịch Trần Đình Long: "Trên TTCK, tôi là người làm ăn nghiêm túc nhất, sống chết vì Hòa Phát" - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long

Sang năm 2022, hoạt động kinh doanh diễn biến bất lợi, Hòa Phát đạt 142.770 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.444 tỷ đồng, chỉ bằng 24% của năm 2021. Mặc dù không lãi kỷ lục như năm trước đó nhưng rất nhiều cổ đông vẫn mơ về cổ tức bằng tiền từ một phần lợi nhuận nghìn tỷ này.

Một lần nữa, trong ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Trần Đình Long cho biết với kết quả kinh doanh năm 2022, sau khi cân nhắc rất kỹ, hội đồng quản trị đã đề xuất không chia cổ tức 2022. Toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích quỹ sẽ được dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Năm 2022 ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trải qua chu kỳ khó khăn. Tôi đã dự đoán tại đại hội cổ đông năm ngoái và thành thật là nó còn xấu hơn dự đoán của mình", ông Long chia sẻ trong đại hội.

Lý do cho việc không chia cổ tức, vẫn là để dành vốn cho việc đầu tư mới. Theo ông Trần Đình Long, nhu cầu về vốn của năm 2023 rất lớn. Cụ thể, tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất, riêng tài sản cố định là 75.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,26 tỉ USD.

"Một dự án này bằng 1.000 dự án vừa và nhỏ, bằng 100 dự án lớn khác mà Hòa Phát là tự lực, chứ không có sự hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài nào cả. Do đó, tôi khẳng định Hòa Phát đang cần rất nhiều vốn, nên việc trả cổ tức bằng tiền mặt là không hợp lý và không có nguồn để làm điều đó", ông Long khẳng định.

Kết thúc năm 2023, dự án của Hòa Phát Dung Quất 2 đã hoàn thành 40% tiến độ

Theo thông tin từ phía Hòa Phát Phát, tại thời điểm tháng 12/2023, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Dự án Dung Quất 2) đã hoàn thành 40% tiến độ, đúng theo kế hoạch đề ra.

Dự kiến, nhà máy Dung Quất 2 sẽ dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong Quý I/2025. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm, đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.

Dự án sẽ tạo thêm việc làm cho trên 8.000 lao động, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ của Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi trong dài hạn.

VNDirect Research ước tính, sau 9 tháng năm 2023, Hòa Phát giải ngân 3.300 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định (TSCĐ) cho Khu liên hợp Dung Quất 2, nâng tổng vốn đầu tư TSCĐ lũy kế đã giải ngân đến Q3/23 là 12.700 tỷ đồng.

Theo Trọng Nghĩa

An Ninh Tiền Tệ

Trở lên trên