MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Siêu ủy ban” quản lý doanh nghiệp nhà nước liệu có siêu?

Liệu có quản lý tốt hơn vốn của dân tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với mô hình “siêu ủy ban” mà dự thảo nghị định của Bộ Kế hoạch - đầu tư đề xuất thành lập?

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Theo dự thảo nghị định, ủy ban sẽ là cơ quan trực thuộc trực tiếp Chính phủ, do Chính phủ thành lập, với vai trò cực lớn: giúp Chính phủ quản lý, giám sát toàn bộ vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN, thay vì để tại các bộ ngành và địa phương như hiện nay.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn quanh việc lập ủy ban này. Chúng tôi giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia.

Nếu có lập ra cơ quan để tập trung quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà chức năng quản lý nhà nước không thay đổi thì cũng không giải quyết được những hạn chế lâu nay của DNNN

Ông Nguyễn Đức Tặng 
(chuyên gia tài chính doanh nghiệp)

* Chuyên gia kinh tế 
Phạm Chi Lan:

Phải trao quyền đủ lớn


Ảnh: C.V.K.

Ảnh: C.V.K.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi đồng tình việc cần có cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN. Tôi cho rằng lập một cơ quan chuyên trách quản lý DNNN, tách các doanh nghiệp khỏi các bộ chủ quản hiện nay là tích cực.

Nó tránh việc tay trái làm chính sách, tay phải quản doanh nghiệp, giảm nỗi lo lợi ích nhóm chi phối chính sách và tạo bất bình đẳng giữa “con đẻ” của các bộ với các doanh nghiệp bình thường khác.

Tuy nhiên, làm thế nào thì đúng là không đơn giản, bởi bên cạnh cái được cũng có cả nguy cơ. Việc đề nghị thành lập một ủy ban, theo tôi, cần tính kỹ. Tại sao không phải là bộ? Mô hình ủy ban của chúng ta đã từng gây lo ngại, bởi cơ chế người đứng đầu không rõ.

Nếu lập ủy ban quản lý vốn tại DNNN mà các thành viên lại là thứ trưởng các bộ chuyển sang làm thành viên, vừa làm ở ủy ban vừa kiêm nhiệm chức cũ thì sẽ rất khó khăn. Rồi ủy ban nếu là cơ chế tập thể lãnh đạo, có người đứng đầu nhưng quyết theo đa số sẽ rối.

Mô hình thành lập hẳn một bộ, theo tôi, cần tính đến. Bởi như thế rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu. Quyền cũng rõ, ngang các bộ khác trong Chính phủ. Nhiều nước như New Zealand cũng có mô hình này. Hoặc hoàn toàn có thể có chức danh bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban...

Đặc biệt, theo tôi, tạo ra một cơ quan quản lý vốn tại DNNN sẽ không khó bằng tạo cơ chế và tổ chức, vận hành nó làm sao cho hiệu quả.

Cơ quan quản lý vốn tại DNNN này phải là thực sự có quyền lực trong trách nhiệm của mình kèm cơ chế trách nhiệm cá nhân cụ thể mới tăng hiệu quả, chống thất thoát tài sản nhà nước tốt được.

Chứ nếu chủ tịch một tập đoàn như dầu khí, điện lực có vai trò không kém gì ông bộ trưởng, có việc gì ông ấy chạy thẳng lên Thủ tướng, lãnh đạo cấp cao thì ủy ban sẽ không thể vận hành hiệu quả.

Cơ chế phải cực kỳ minh bạch, công khai để xã hội giám sát được, từ đó mới có thể dẫn đến hiệu quả.

* Ông Phạm Đình Soạn(nguyên cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính):

Không nên...


Ảnh: L.THANH

Ảnh: L.THANH

Bởi lẽ trước đây chúng ta đã từng có tổng cục quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng làm không thành công và phải giải thể.

Thêm nữa, chúng ta đang rút bớt DNNN, rút cả vốn và số lượng doanh nghiệp thì lập cơ quan để quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là không cần thiết.

Việc cần thiết mà Chính phủ phải làm hiện nay là đánh giá một cách khách quan quá trình rút vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua như thế nào.

Vấn đề đặt ra là phải tiếp tục rút vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giảm số lượng DNNN. Nhà nước cần phải nhìn rộng ra việc chính của mình là phải tạo điều kiện thuận lợi, môi trường minh bạch, chính sách rõ ràng để cộng đồng doanh nghiệp hoạt động chứ không phải tập trung nguồn lực công chức nhà nước để giám sát hoạt động của một số DNNN.

* TS Nguyễn Sơn(Viện kinh tế và chính trị thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN):

Nên giảm dần DNNN, thay vì lập ủy ban


Ảnh: C.V.K.

Ảnh: C.V.K.

Theo tôi, việc đề xuất lập ủy ban cũng chỉ là bước đệm, nó có tác dụng tước bỏ đặc quyền chủ quản các tập đoàn, tổng công ty của các bộ ngành hiện nay. Tuy nhiên, dù là ủy ban hay bộ thì đó vẫn là cơ quan nhà nước, với cơ chế vận hành của Nhà nước.

Lập ra thì dễ nhưng câu hỏi nó có chắc chắn hiệu quả hơn không, hiệu quả hơn bao nhiêu, liệu có khẳng định được chắc chắn không, hay cũng chỉ tốt lên một chút rồi sau này mới té ra vẫn có tham nhũng, vẫn không thực hiệu quả... thì khó.

Tôi nghĩ rằng nếu có ủy ban, hiệu quả dù có tăng cũng không đáng kể, trong khi Nhà nước sẽ lại phải nuôi cả một bộ máy lớn.

Giải pháp gốc rễ để tăng hiệu quả đồng vốn nhà nước, hay cũng là nguồn lực của xã hội, theo tôi phải đụng đến vấn đề cơ bản là vấn đề sở hữu.

Nhà nước phải giảm dần tiến đến thoái hết vốn tại các DNNN. Chỉ khi tiền vốn là của tư nhân, của một con người cụ thể, họ mới tính toán lo toan, sống chết để đồng tiền có hiệu quả. Chứ lập ủy ban cũng là chuyển tiền nhà nước từ cơ quan nọ sang cơ quan kia.

Tài sản vẫn là của chung, tức không của cá nhân ai, mà do ông đại diện nhà nước có quyền lực quyết định.

Theo L.Thanh - C.V.Kình - N.Bình ghi

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên