Siêu xe xuất ngoại 5 năm để bảo dưỡng: Hải quan, đăng kiểm nói gì?
Để “biến” chiếc Maybach S62 từ đời 2008 lên 2013 (độc bản), chủ phương tiện đã sử dụng khoảng 900 danh mục của 18 tờ khai. Dù vậy, số thuế mà chủ nhân “siêu xe” này phải đóng chỉ khoảng 2,46 tỷ đồng. Ông Vũ Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng Khu vực 3 cho biết: “Đây là trường hợp rất hi hữu ở Việt Nam”.
- 20-06-2022Vì sao siêu xe biếu tặng lọt cửa hẹp?
- 17-06-2022Sau loạt bài 'Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng': Một số xe biếu tặng bị truy thu thuế
- 28-05-2022Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Cần làm rõ trách nhiệm hải quan, thuế địa phương
Siêu xe giá 30 tỷ chỉ còn 1,1 tỷ đồng?
Sau khi Tiền Phong đăng tải bài viết “Lạ lùng siêu xe xuất ngoại 5 năm bảo dưỡng”, ông Vũ Ngọc Toàn đã có cuộc làm việc với PV Tiền Phong.
Chiếc siêu xe này lúc tạm xuất được khai báo trị giá 50.000 USD nhưng lúc về lại thành “50.000 EUR”. Về vấn đề này, đại diện Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng Khu vực 3 cho biết, sẽ tìm hiểu thêm để trả lời sau.
Theo ông Toàn, từ trước đến nay, việc chiếc xe Maybach S62 xuất ngoại 5 năm và được DN chi cả chục tỷ đồng để bảo dưỡng rất hiếm gặp ở Việt Nam. Do đó, sau khi chiếc xe được tái nhập, việc tính thuế đối với các linh kiện, phụ tùng thay thế được đơn vị này gửi công văn tới nhiều đơn vị liên quan để tham vấn.
“Lúc đó chúng tôi đã họp nhiều lần về vấn đề này nhưng không giải quyết được. Chúng tôi đã hỏi ý kiến Cục Hải quan TP Hải Phòng và sau đó phía Cục lại hỏi tiếp Tổng cục Hải quan để có hướng dẫn”, ông Toàn nói.
Theo vị này, trong thời gian tạm xuất, nếu hàng hóa thay thế phụ tùng, vật tư, DN phải kê khai, nộp đủ các loại thuế (với vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế). Sau khi có hợp đồng chi tiết của DN, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng Khu vực 3 tách phần nhân công sửa chữa để tính thuế VAT.
Với lượng hàng hóa thay thế, sửa chữa được khai báo trị giá lên tới 10 tỷ đồng, ông Toàn cho biết, DN phải mở tới 18 tờ khai của gần 900 danh mục hàng. Tổng số thuế mà khoảng 900 danh mục (chủ yếu là linh kiện) chủ nhân của siêu xe phải đóng là 2,46 tỷ đồng.
Cần làm rõ việc miễn thuế
Còn 526 triệu đồng miễn thuế, ông Toàn lý giải rằng, do chiếc xe được cấp phép tạm xuất nên nằm trong đối tượng không chịu thuế. Trị giá khai báo chiếc xe lúc làm thủ tục là 50.000 USD, tương đương 1,1 tỷ đồng (dù trên thị trường chiếc xe có giá không dưới 1,3 triệu USD, khoảng 30 tỷ đồng) nên tính theo thuế suất được miễn thì tương ứng 526 triệu đồng.
“Chiếc xe nằm ở nước ngoài 5 năm và được cơ quan Hải quan gia hạn đến 3 lần; do ảnh hưởng của COVID-19, một số linh kiện, phụ tùng khan hiếm. DN khai không thể sửa xong ngay được. Việc này phía DN đã có công văn báo cáo chi cục, và đơn vị đã có quyết định xử phạt hành chính về việc này”, ông Toàn nói.
Ông Trần Hoàng Phong, quyền Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, đối với xe tạm xuất ra nước ngoài để bảo dưỡng, sửa chữa sau đó tái nhập, khi có sự thay đổi về kết cấu xe, cần có chứng từ và hồ sơ nhập khẩu, cơ quan đăng kiểm mới làm thủ tục đăng ký.
“Việc chiếc xe nếu đã độ, cải tạo thành đời mới, chúng tôi coi là một thực thể nhập khẩu mới. Bởi thông số kỹ thuật đã khác và không còn liên quan đến xe cũ. Trong trường hợp này, xe phải được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật, Cục Đăng kiểm sẽ làm đăng ký bình thường”, ông Phong khẳng định.
Tiền phong