SIM rác số đẹp nằm ngoài 'cơn sốt' bổ sung ảnh chân dung?
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, không ít người dùng SIM rác, trong đó có nhiều dãy số đẹp không nhận được tin nhắn của nhà mạng yêu cầu phải đi nộp ảnh chân dung chính chủ.
- 24-04-2018Thuê bao chưa đăng ký chính chủ không lo bị khóa sau ngày 24/4
- 23-04-2018Đến lượt Viettel 'thất thủ', lùi hạn khoá thuê bao sau ngày 24/4
- 15-04-2018Sau Viettel, VinaPhone, đến lượt MobiFone yêu cầu chủ thuê bao nộp ảnh chân dung
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, không ít người dùng SIM rác không nhận được tin nhắn của nhà mạng yêu cầu phải đi nộp ảnh chân dung chính chủ.
Hạn 24/4 đã qua, sức nóng của việc nộp ảnh chân dung chính chủ cho các thuê bao vẫn chưa hạ nhiệt. Tuy nhiên, trong khi nhiều người dùng đã đăng ký thông tin thuê bao đang “phát sốt” vì lo mất số điện thoại phải đổ xô đi bổ sung thêm hình ảnh thì không ít SIM rác dường như đang… nằm ngoài cơn sốt này.
Hiện đang dùng một SIM điện thoại của nhà mạng Vinaphone, anh Phạm Văn Nam, Thanh Xuân, Hà Nội soạn tin nhắn theo cú pháp kiểm tra thông tin thuê bao để kiểm tra lại thuê bao của mình. Tuy nhiên, anh Nam khá bất ngờ vì SIM mình đang sử dụng không nằm trong diện phải đi nộp ảnh chân dung và anh cũng không nhận được bất kì tin nhắn nào của nhà mạng yêu cầu đi nộp ảnh chân dung.
Anh Nam cho biết, anh mua SIM cách đây hơn 1 tháng để dùng thêm và sau khi kiểm tra mới biết chủ thuê bao hiện là một người lạ cũng trong nội thành Hà Nội. Đặc biệt, trong thông báo gửi về máy của anh Nam còn báo người lạ này đang đứng tên thêm tới… 196 đầu số khác nữa.
“Khi mua SIM này, tôi biết là SIM rác đang nằm trong diện nhà mạng và các cơ quan chức năng sẽ xử lý nên chỉ xác định dùng một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tôi không hề nhận được tin nhắn nào của nhà mạng yêu cầu phải đi nộp ảnh chân dung nên vẫn yên tâm dùng bình thường. Tôi cũng thấy lạ nhưng vì không phải là SIM chính nên cứ dùng thôi”, anh Nam chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà, Đông Thọ, Thanh Hoá, đang sử dụng một thuê bao là một SIM có giá 50.000 đồng của nhà mạng Mobifone cho biết không hề thấy thông báo nào của nhà mạng với thuê bao của mình. Theo bà Hà, SIM của mình là do con trai mua cho để tiện liên lạc nên bà cũng không biết việc phải đăng ký thông tin ảnh chân dung. Vừa qua, thấy thông tin báo đài đưa liên tục, bà Hà có nhờ các cháu kiểm tra thuê bao của mình mới biết một người khác đang đứng tên số điện thoại của bà và thậm chí thông tin đăng ký của người này còn không rõ ràng.
Trường hợp như anh Nam, bà Hà theo ghi nhận của PV Tiền Phong không phải ít khi vấn đề nhà mạng “đòi” hình của các thuê bao đang rất nóng với toàn xã hội. Vấn đề được nhiều người dùng bức xúc đó chính là việc vì sao các số thuê bao “rác” lại nằm “ngoài vùng phủ sóng” trong khi các số chính chủ lại phải đi nộp ảnh chân dung (!?).
Nhiều thuê bao "SIM rác" không phải đi đăng ký ảnh chân dung chính chủ (!?)
Không chỉ thế, nhiều người đã “ngã ngửa” khi hay thông tin của mình lại được “ai đó” đăng ký cho vài số điện thoại lạ hoắc mà không hề hay biết. Mọi việc chỉ vỡ lở khi kiểm tra theo đầu số 1414.
“Tôi không hề biết mình đang đứng tên tới hai số thuê bao khác mà không hề sử dụng. Đợt 24/4 vừa qua tôi đi đăng ký ảnh chân dung và có kiểm tra thông tin của mình mới hay biết mình đang sở hữu thêm tới hai số thuê bao lạ hoắc. Tôi không hề đăng ký hai số thuê bao này và cũng không sử dụng. Vậy ai đăng ký hộ tôi. Nếu các đối tượng lạ sử dụng thông tin CMND của tôi đi đăng ký các dịch vụ khác thì sẽ thế nào? Tôi nghĩ nhà mạng nên có câu trả lời rõ ràng với khách hàng về vấn đề này. Không thể đẩy khách hàng vào tình cảnh đi… dọn rác cho nhà mạng được. Nếu xảy ra sự cố ai sẽ là người chịu trách nhiệm”, chị Nguyễn Thị Dương, Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, bức xúc.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc bị lộ số điện thoại và thông tin cá nhân khiến quyền riêng tư của khách hàng bị xâm phạm và ảnh hưởng tinh thần không nhỏ. Chưa kể tới việc những kẻ xấu có thể sử dụng thông tin của khách hàng để khai báo sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Đơn cử là nhiều trường hợp gần đây, đã có các đối tượng đăng ký tài khoản ngân hàng và sử dụng trong các hoạt động gian lận khi giao dịch online.
Tiền phong