Singapore dẫn đầu về số dự án cấp mới tại Quảng Ninh trong 8 tháng đầu năm 2023
Hiện tại đã có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Quảng Ninh trong 8 tháng đầu 2023. Singapore dẫn đầu cả về số dự án cấp mới, thu hút 4 dự án có tổng vốn đầu tư 271 triệu USD, Đài Loan là 170 triệu USD, chiếm 22,5%, Thụy Điển 154 triệu USD.
- 23-08-2023Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công
- 23-08-2023Khấp khởi với đường ven kênh dài nhất TP HCM
- 23-08-2023Bình Định sẽ đứng tốp 5 ở miền Trung
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, từ đầu năm 2023 đến hiện tại tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 727,24 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 2 dự án với số vốn tăng thêm là 26,41 triệu USD; cấp 2 thông báo về việc nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp với giá trị vốn góp đạt 0,98 triệu USD. Đối với các dự án thu hút mới và điều chỉnh tăng vốn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo…có 3 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD.
Như vậy, hiện Quảng Ninh đứng thứ 9 cả nước và thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng về tổng vốn thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm 2023.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 164 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 11,57 tỷ USD.
Trong đó, có 104 dự án thực hiện tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 5,34 tỷ USD, 60 dự án thực hiện ngoài KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,23 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân,trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước cũng được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đầu tư.
Xét theo đối tác đầu tư, Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu với 49 dự án, tổng vốn đầu tư đạt trên 3,81 tỷ USD, chiếm 32,96% tổng vốn FDI toàn tỉnh, tiếp theo là Nhật Bản (trên 2,34 tỷ USD, chiếm 20,24%), Hoa Kỳ (gần 2,31 tỷ USD, chiếm 19,95%). Lũy kế với 164 dự án FDI còn hiệu lực, Quảng Ninh đứng thứ 11 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Dự kiến đến hết ngày 30/8/2023, thu hút FDI đạt 846,63 triệu USD , đạt 70,6% kế hoạch năm 2023.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Việt Hùng cho biết: Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD, vượt 25% kế hoạch năm 2022.
Ông Hùng chia sẻ thêm: Tỉnh Quảng Ninh sẽ thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững và ổn định. Ưu tiên các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên gắn với đảm bảo môi trường sinh thái, tạo sự lan tỏa và kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Không thu hút các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Đồng thời, tỉnh sẽ đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các nhà đầu tư là các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia có thương hiệu và tiếp tục duy trì các thị trường, đối tác truyền thống và mở rộng quan hệ với các đối tác là các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên tham gia các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng thu hút nhà đầu tư tới từ các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu.
Đặc biệt, chú trọng thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; các dự án dịch vụ du lịch, cảng biển, logistics, bảo vệ môi trường và xử lý chất thải, nông nghiệp công nghệ cao,…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong những tháng cuối năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; phát huy và giữ vững vị thế của Quảng Ninh trong công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện các đồ án Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch phân khu; đẩy nhanh công tác đền bù, GPMB, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sạch phục vụ thu hút đầu tư các dự án trong năm 2023, hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN trong công tác GPMB và tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương về Quy hoạch Điện VIII và giá điện để đề xuất phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện khí hóa lỏng LNG, điện gió, điện mặt trời,… đang triển khai và tìm hiểu thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để ngành Than tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển, thăm dò, đánh giá trữ lượng than phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hợp lý, bền vững theo Quy hoạch, gắn với bảo vệ môi trường…
Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu các giải pháp thu hút và “giữ chân” người lao động làm việc tại tỉnh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư nhà ở cho người lao động làm việc trong KCN; nâng cao hiệu quả công tác dự báo nhu cầu lao động của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đối với một số ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư.
Nhà đầu tư