MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Singapore và câu chuyện nâng giá nước để thúc đẩy CMCN 4.0

08-09-2018 - 08:44 AM | Tài chính quốc tế

Giữ ổn định suốt gần 2 thập kỷ, Chính phủ Singapore chỉ quyết định tăng giá nước khi đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Biện pháp cứng rắn

Quyết định tăng giá nước vào năm 2017 đã khiến người Singapore cảm thấy lo lắng. Được giữ ổn định từ năm 2000 và đang được Chính phủ trợ giá, việc tăng giá nước và các mặt hàng thiết yếu khác có thể làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân Singapore cũng như tác động đến các hoạt động sản xuất trên quốc đảo này. Tuy nhiên, đó chính xác là những gì mà Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long muốn làm.

Việc tăng giá nước diễn ra ở một thời điểm quan trọng, khi cả thế giới đang nỗ lực hết mình để có thể tranh thủ những cơ hội tuyệt vời của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang bùng nổ. Dù Singapore đứng đầu châu Á về chỉ số năng lực cạnh tranh nhưng chi phí sinh hoạt ở quốc gia này vẫn thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Việc tăng giá nước, xăng hay tăng thuế môi trường có thể làm suy giảm năng lực cạnh tranh của Singapore, vốn được duy trì ở mức cao bởi hàng loạt ưu đãi về chính sách, thuế doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng hỗ trợ khởi nghiệp tốt.

Nhà chức trách Singapore hoàn toàn hiểu rõ điều này. Tuy nhiên, Chính phủ của ông Lý muốn buộc các doanh nghiệp tăng cường phát triển công nghệ, tự động hóa hoặc tái đào tạo nhân công để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh Singapore đang gặp khó khăn với tài nguyên nước và việc nâng giá nước sẽ buộc người dân có ý thức hơn trong vấn đề sử dụng nước sạch.

Singapore và câu chuyện nâng giá nước để thúc đẩy CMCN 4.0 - Ảnh 1.

Singapore đã nâng mức giá sinh hoạt để đảm bảo an ninh năng lượng, nước sạch cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường. Khi chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng cường áp dụng công nghệ mới, tự động hóa cao để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo khả năng cạnh tranh. Động thái này sẽ giúp Singapore tiến nhanh hơn trong bối cảnh CMCN 4.0 bùng nổ.

Không chỉ ở riêng Singapore, tăng cường áp dụng các công nghệ hiện đại với khả năng tự động hóa cao là yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, tự động hóa sẽ khiến nhiều việc làm bị thay thế, buộc các quốc gia phải có chính sách phù hợp nhằm giảm lượng người thất nghiệp cũng như tăng cường chất lượng lao động để phù hợp với những đòi hỏi mới.

Thúc đẩy khởi nghiệp bằng chính sách

Chưa bao giờ Singapore muốn thúc đẩy năng lực cạnh tranh bằng chi phí thấp. Đổi lại, Singapore được xếp hạng cao về môi trường cạnh tranh chủ yếu tới từ thuế doanh nghiệp thấp, cơ sở hạ tầng tốt cũng như thuận lợi cho khởi nghiệp. Năm 2016, các số liệu thống kê cho thấy Singapore đứng thứ 4 thế giới về môi trường cạnh tranh nhưng lại đứng thứ 57/61 cho chi phí sinh hoạt.

Một trong những điểm nổi bật nhất cho thấy Singapore sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 chính là hạ tầng mạng. Thống kê hồi tháng 8/2018 cho thấy Singapore là quốc gia có tốc độ băng thông rộng cố định cao nhất thế giới. Tốc độ tải trung bình ở Singapore là 181,47 Mbps, cao gấp 3 lần so với tốc độ trung bình toàn cầu.

Singapore và câu chuyện nâng giá nước để thúc đẩy CMCN 4.0 - Ảnh 2.

Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng rất quan tâm tới sáng tạo khởi nghiệp và đầu tư cho các start-up. Năm 2010, Singapore vẫn chưa có tên trên bản đồ khởi nghiệp quốc tế. Các nhà đầu tư nước ngoài thì tỏ ra dè dặt trong việc rót tiền vào cho những công ty khởi nghiệp của Singapore bởi họ cảm thấy hoàn toàn thiếu tin tưởng.

Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Đầu tiên, phải kể đến nền móng tốt mà người Singapore đã xây được trong quá khứ. Phòng Phát triển Singapore, cơ quan được thành lập hơn 50 năm về trước, có mục tiêu hàng đầu là tạo thêm việc làm mới, thu hút các công ty đa quốc gia và khuyến khích các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu để quốc gia nhỏ bé và nghèo nàn tài nguyên này có thể vươn lên.

Từ là nơi sản xuất hàng hóa chi phí thấp trong những năm 1960, Singapore đã vươn lên không ngừng và định vị mình như là nơi tập trung các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao. Khi kinh tế và việc làm không còn là nỗi lo, Phòng Phát triển Singapore chuyển mục tiêu biến đảo quốc sư tử trở thành miền đất hứa cho các doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và nhân tài.

Ở Singapore, người ta chỉ mất vài giờ để thành lập công ty. Mọi thứ đều có sẵn, từ cơ sở hạ tầng tới các chính sách hỗ trợ. Người tài muốn đến Singapore cũng chẳng gặp mấy khó khăn khi chính sách nhập cư của quốc gia này không phải quá khắt khe. Thậm chí, họ còn cho sinh viên nước ngoài vay tiền để đi học với điều kiện ở lại làm việc ít nhất 3 năm sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, người Singapore có những chính sách rõ ràng để đảm bảo chọn lọc đúng người tài. Với ngành nghề được coi là trọng tâm như công nghệ - kỹ thuật, mức lương tối thiểu mà một công dân các nước láng giềng có thể xin được visa làm việc ở Singapore là 1.500 USD. Họ cũng luôn ưu tiên nhân tài tới từ các nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Đức….

Singapore và câu chuyện nâng giá nước để thúc đẩy CMCN 4.0 - Ảnh 3.

Ngoài ra, Singapore còn có những chính sách vốn rất đáng mơ ước với các công ty khởi nghiệp. Quỹ của chính phủ sẽ đóng vai trò trung gian, kết hợp với các quỹ đầu tư mạo hiểm khác để đổ tiền cho một start-up tiềm năng. Chính phủ cũng sẵn sàng cho vay khởi nghiệp hay hỗ trợ các start-up vay tiền để phát triển. Với mỗi hình thức, Singapore đều có những quy định rõ ràng để các doanh nghiệp biết mình có đủ điều kiện được nhận vay hay không. Ngoài ra, Singapore còn có các vườn ươm khởi nghiệp, nơi start-up không chỉ tìm thấy sự giúp đỡ về vốn mà còn có thể học hỏi nhiều bí quyết như quản lý, kinh doanh….

Ngoài ra, Singapore còn được mô tả là thiên đường thuế và điểm đầu tư hấp dẫn. Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ở mức 9% với công ty có doanh thu dưới 222.000 USD và cao nhất là 17% cho công ty có doanh thu vượt 2 triệu USD giúp đảo quốc sư tử được nhiều người chọn làm nơi khởi nghiệp, dù họ không phải công dân Singapore.

Các công ty khởi nghiệp cũng được miễn thuế cho 100.000 USD doanh thu đầu tiên trong 3 năm đầu hoạt động. Ngay cả sau giai đoạn startup, khi doanh thu các công ty này đã lên đến 330.000 USD thì họ vẫn được giảm thuế và chỉ phải đóng ở mức 8,5%. Hấp dẫn hơn, các nhà sáng lập hay cổ đông của startup được miễn hoàn toàn thuế đánh vào lợi nhuận thu được từ việc bán cổ phần hay công ty.

Linh Anh

Tổng hợp

Trở lên trên