MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sinh viên chưa tốt nghiệp nhận lương 11 triệu, tháng nào cũng mua được vàng: Chi tiêu kiểu gì khéo thế?

28-10-2024 - 21:29 PM | Smart Money

Cách cô bạn này kiếm tiền và phân bổ chi tiêu khiến nhiều người quan tâm.

Nhiều người cho rằng, chỉ khi tốt nghiệp Đai học, đi làm và thực sự bước chân vào thị trường lao động thì mới nên cần học về tiết kiệm. Tuy nhiên, có nhiều bạn trẻ thời nay rất giỏi khi mới còn là sinh viên nhưng đã có nguồn thu nhập khá, cùng một khả năng "vén khéo" khiến nhiều người nể phục. Chia sẻ của một cô bạn sinh viên năm cuối, đang sinh sống ở Nha Trang, được đăng tải trong một hội nhóm trên MXH là ví dụ.

Cô bạn cho hay, lương hàng tháng của mình là 10-11 triệu đồng. Tuy nhiên, cô có thể tiết kiệm đến 3-4 triệu/tháng và số tiền này được cô đều đặn dùng để mua 5 phân vàng.

Dưới đây là bảng chi tiêu khéo léo được cô nàng chia sẻ:

- Tiền trọ: 800 ngàn (gồm 750 ngàn chi phí thuê phòng + 50 ngàn tiền điện nước).

Cô nàng cho biết, bản thân đi thuê phòng để ở ghép 2 người nên tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, cô còn chọn phòng không có nội thất, không tủ lạnh và máy điều hoà nên có chi phí điện nước giá rẻ.

- Tiền ăn và cafe: 2 triệu. Cô nàng cho biết khi đi làm, cô thường tranh thủ ăn tại chỗ làm để tiết kiệm tiền.

- Tiền xăng: 300-400 ngàn.

- Tiền spa và mỹ phẩm: 2 triệu.

- Tiền ăn uống bên ngoài: 800 ngàn.

- Tiền mua quần áo: 500 ngàn.

Cô nàng cũng cho biết, dù công việc hiện tại đem lại mức thu nhập khá ổn. Song công việc này chỉ là lao động chân tay và không liên quan đến chuyên ngành học, nên cô dự định sẽ nghỉ việc sau khi tốt nghiệp Đại học. Bên cạnh đó, cô cũng có dự định học thêm ngôn ngữ mới để chuẩn bị cho công việc sau này.

Sinh viên chưa tốt nghiệp nhận lương 11 triệu, tháng nào cũng mua được vàng: Chi tiêu kiểu gì khéo thế?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Bên dưới bài đăng, nhiều người cho rằng những gì mà cô sinh viên năm cuối này làm được khiến ai cũng phải nể. Cô nàng tự kiếm được tiền, lại biết mua vàng tích sản, cũng như biết lo, biết nghĩ cho tương lai thì làm sao không đáng khen được?

Một số bình luận bên dưới bài đăng:

- "Em chưa chồng con mà tiêu thế là ok rồi. Lúc này là lúc sướng nhất vì chưa phải lo nghĩ gì, cứ thoải mái với bản thân 1 chút. Chị thấy em còn thiếu khoản du lịch nữa ý"

- "Em giỏi thế, mới là sinh viên mà vẫn kiếm được tiền, rồi còn có cả tích luỹ nữa".

- "Xin vía chi tiêu khéo như bạn".

- "Mới là sinh viên mà đã biết lo xa, tính toán khéo thế này là giỏi rồi".

Đừng đợi đi làm mới tính chuyện tiền nong

Nhiều người trẻ thời nay năng động, được tiếp cận với mạng xã hội với đa dạng nguồn thông tin, nên biết nhiều đến các phương thức đầu tư và kiếm tiền. Do đó, khác với thế hệ ông bà bố mẹ, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tìm hiểu về cách kiếm tiền, tiêu tiền từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chứ không cần đợi đến tốt nghiệp và đi làm văn phòng chính thức. Biết nhiều hơn về kiến thức tài chính không chỉ giúp bạn học cách làm chủ tiền nong trong tương lai, mà còn khiến cuộc sống sinh viên đẹp hơn nhờ dư dả tiền bạc để tiêu xài theo ý thích.

1. Tìm kiếm việc làm từ sớm

Bạn có thể tìm kiếm công việc part-time ngoài ngành hoặc đúng chuyên ngành,... ngay từ năm nhất nếu bạn biết làm chủ thời gian. Bạn có thể tìm việc từ các mối quan hệ có sẵn như thầy cô, anh chị khoá trên, người thân,... hoặc từ các trang tuyển dụng trên mạng xã hội. Đi làm thêm từ sớm không chỉ giúp bạn tăng kỹ năng mềm, làm đẹp CV mà còn tích luỹ được tiền bạc. Nhiều người trẻ đã kiếm được mức lương trên 2 con số nhờ chủ động đi làm từ sớm và kết nối với những mối quan hệ xung quanh.

Sinh viên chưa tốt nghiệp nhận lương 11 triệu, tháng nào cũng mua được vàng: Chi tiêu kiểu gì khéo thế?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

2. Học kỹ năng quản lý tài chính

Sau 18 tuổi, bạn cần chịu trách nhiệm về đồng tiền bạn đang có trong tay, kể cả khi bạn chỉ có tiền mà phụ huynh đưa cho. Hãy bắt đầu học về cách quản lý tiền nong, làm sao để còn dư tiền cuối tháng, hoặc ít nhất là không tiêu xài hết tiền. Tiếp theo, bạn cần học các thói quen tiết kiệm như tự nấu ăn tại nhà, sửa chữa đồ đạc,... và cách sử dụng các phương thức tài chính hiệu quả như thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, bảo hiểm.

3. Học đầu tư

Là một nhà đầu tư, thời gian là công cụ mạnh mẽ của các sinh viên. Bởi hiện tại các bạn thường có nhiều thời gian rảnh hàng ngày nên có thể thực hiện nghiên cứu các khoản đầu tư tốt nhất và theo dõi các xu hướng hiện tại. Quan trọng hơn, với người trẻ, bất kỳ khoản tiền nào cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để sinh lợi, nhờ tận dụng sức mạnh của lãi kép.

Hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu về các hình thức đầu tư với số vốn nhỏ dành cho sinh viên như mua vàng, chơi chứng khoán,... ở trên mạng xã hội. Sau đó, bạn bỏ số tiền của mình vào thị trường để vừa kiếm lời, vừa học hỏi thêm về phương thức đầu tư. Lưu ý là hãy tỉnh táo và lựa chọn tham khảo các kênh tư vấn uy tín nhé!

Theo Nguyệt

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên