MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sinh viên khoa học máy tính bị thất sủng: Từng ngồi không cũng được gửi thư mời làm việc giờ rải 17 CV, chỉ 5 nơi gọi phỏng vấn nhưng cũng không ai nhận

09-11-2023 - 10:45 AM | Lifestyle

Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính ra trường, rải 17 CV, chỉ 5 nơi gọi phỏng vấn nhưng cuối cùng cũng không ai nhận.

Sinh viên khoa học máy tính bị thất sủng: Từng ngồi không cũng được gửi thư mời làm việc giờ rải 17 CV, chỉ 5 nơi gọi phỏng vấn nhưng cũng không ai nhận - Ảnh 1.

Joel Wong nhớ lại cuộc khảo sát việc làm sau đại học của Bộ giáo dục Singapore cách đây sáu năm. Vào thời điểm đó, anh đang năm cuối trung học. Cuộc khảo sát được thực hiện hàng năm, cung cấp tỷ lệ việc làm và mức lương trung bình cho các chuyên ngành đại học khác nhau ở Singapore.

Wong đã quyết định chọn Khoa học máy tính.

Wong, 24 tuổi, hiện đang học năm cuối tại Đại học Quốc gia Singapore. Anh nói với tờ Insider rằng chọn chuyên ngành Khoa học máy tính là vì quan tâm đến công nghệ – và cũng vì mức lương tương đối cao của ngành này.

“Khi xem kết quả cuộc khảo sát, mức lương của sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính ở mức cao nhất”, Wong nói. "Vì vậy điều đó chắc chắn đã góp phần thúc đẩy tôi nghiên cứu khoa học máy tính".

Nhưng đó là trước đây và tình hình hiện đã khác. Ngành công nghệ đang trong tình trạng hỗn loạn. Những gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Google đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên.

Và đối với những sinh viên đại học như Wong, việc tìm việc đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Wong nói: “Rất nhiều công ty công nghệ ở Singapore từng thuê nhiều sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính từ các trường đại học địa phương hiện không còn tuyển dụng nữa”. Wong nói với Insider vào tháng trước rằng anh đã nộp 17 đơn xin việc và chỉ nhận được phản hồi từ 5 công ty. Nhưng, điều đáng buồn là không có phản hồi nào trong số đó trở thành lời mời làm việc.

Và không chỉ có việc làm: Việc thực tập cũng trở nên khó khăn.

Bryan Ho, sinh viên 23 tuổi đang theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore thì nói với Insider rằng anh đã nộp đơn xin thực tập khoảng 100 lần.

“Tôi nghĩ mọi việc chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn vì nếu có quá nhiều công ty cắt giảm việc làm, họ sẽ không nhận nhiều thực tập sinh nữa”, Ho nói.

Trong số 100 đơn đăng ký, Ho cho biết anh nhận được 4 lời đề nghị.

Quá nhiều sinh viên theo đuổi công việc giống nhau

Ethan Ang là CEO và đồng sáng lập của NodeFlair, một trang tuyển dụng dành cho các chuyên gia công nghệ ở Châu Á. Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore này có khoảng 40 nhân viên trên khắp Đông Nam Á. Ang nói với Insider rằng sự sụt giảm ngày nay có vẻ quá lớn do các công ty công nghệ tuyển dụng rầm rộ trong thời kỳ đại dịch.

Ang nói: “Khi nói đến tuyển dụng, luôn có câu hỏi về cung và cầu. Vào năm 2021, nhu cầu tăng cao và không có đủ người. Vì vậy, điều đó khiến lương và nhu cầu tăng cao. Có người nhận được năm lời đề nghị cùng một lúc".

Ang tiếp tục: “Hiện tại, nhu cầu đã giảm. Các công ty cực kỳ thận trọng và những gì còn lại chỉ là sự dư thừa nhân tài. Bây giờ bạn phải nộp đơn xin việc. Không giống như trước đây là bạn nhận được nhiều lời mời từ các công ty".

Ang cho biết những điều kiện này đã làm giảm nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp tại các công ty công nghệ.

Ang nói: “Hiện tại mọi người đang chơi trò chơi ngắn hạn. Mọi người đều cố gắng giữ tiền mặt. Thuê những sinh viên mới tốt nghiệp không phải là chiến lược tốt nhất vì bạn cần thời gian để đào tạo họ”.

Ben Leong, phó giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với Insider rằng đó không phải là tình trạng thiếu việc làm mà là sự gia tăng số lượng sinh viên ở Singapore có đủ điều kiện làm việc về máy tính.

Theo thống kê tuyển sinh của Đại học Quốc gia Singapore, số sinh viên năm nhất chọn học ngành tin học vào năm 2022 là 1.042 sinh viên. Đó là mức tăng 57% so với 664 sinh viên vào năm 2018.

Leong cho biết sinh viên ngày nay cần phải thực tế về những gì các nhà tuyển dụng công nghệ đang mong đợi.

“Thực tế đó là một công việc khó khăn và có được bằng cấp không có nghĩa là bạn có được việc làm”, Leong nói và cho biết thêm rằng trở thành một kỹ sư phần mềm lành nghề không khác gì trở thành luật sư hay bác sĩ.

"Luật sư và bác sĩ là những kỹ năng chuyên môn. Thật không may, khoa học máy tính cũng sẽ như vậy, theo đó, có những người học chuyên ngành này nhưng không thể làm được việc và họ có thể phải tìm công việc khác. Đó là thực tế", Leong tiếp tục.

Không chỉ có Singapore. Ở Mỹ, một số sinh viên và những người mới tốt nghiệp có bằng khoa học máy tính hoặc kỹ thuật cho biết họ đã mất niềm tin vào ngành này sau làn sóng sa thải hàng loạt của các Big Tech.

Aline Lerner, người sáng lập và CEO của Interviewing.io, một nền tảng đào tạo phỏng vấn dành cho kỹ sư phần mềm, nói với Kali Hays của Insider vào tháng 5: “Đây là thời điểm tồi tệ nhất để trở thành một kỹ sư cấp dưới kể từ năm 2000, khi bong bóng dot-com bùng nổ”.

Triển vọng công việc mờ nhạt cũng dẫn đến sự quan tâm đến chủ đề này giảm đi. Ví dụ, số sinh viên tốt nghiệp khoa học máy tính tại MIT đã giảm 12% vào năm 2022 xuống còn 260 sinh viên, giảm từ 297 sinh viên vào năm 2020.

Ho, sinh viên năm cuối của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết anh đang cân nhắc việc nghỉ học để theo đuổi các công việc thực tập bổ sung. Anh nói, điều này có thể giúp mình có được vị trí vững chắc hơn khi bắt đầu ứng tuyển vào các vị trí toàn thời gian sau này.

“Tôi có thể trì hoãn việc tốt nghiệp của mình một chút và hy vọng đến lúc đó, việc tìm được việc làm với mức lương cao sẽ dễ dàng hơn”, Ho nói.

Nhưng Ang của NodeFlair lại kém lạc quan hơn. Ông cho biết mức lương cao trong thời kỳ bùng nổ công nghệ trong đại dịch khó có thể quay trở lại.

Ang nói: “Ngoài mức tăng lương chung hàng năm trên toàn diện, tôi không nghĩ chúng ta sẽ lại chứng kiến điều gì giống như năm 2021”.

Theo: BI

Theo Phương Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên