Sinh viên “khởi nghiệp” ngân hàng
Vào nghề ngân hàng, tôi biết đến "cò" để vượt qua chỉ tiêu thử việc. Sau khi vào làm việc chính thức, tôi vẫn dùng đến "cò"...
- 15-10-2017Mấy ai làm Ngân hàng mà hiểu được B68 là gì?
- 15-10-2017Nghề marketing ngân hàng - tâm tình của người trong cuộc
- 14-10-2017Nghề tín dụng – khách hàng có là “thượng đế”?
LTS: Mặc dù thời gian đăng bài cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức như dự kiến đã hết từ 15/10, nhưng do lượng bài của quý độc giả gửi về dự thi từ 1/8-30/9 quá nhiều và chúng tôi vẫn chưa sắp xếp để đăng hết nên tiếp tục đăng các bài còn lại trong ngày hôm nay 16/10.
Dưới đây là bài dự thi của tác giả Nguyễn Anh Tuấn đang công tác tại ABBank Kỳ Hòa (Tp.HCM).
---------------
Hằng năm có khoảng 29.000 tân cử nhân ngành tài chính ngân hàng tốt nghiệp có 12.000 cử nhân thất nghiệp hoặc làm trái ngành. Tài chính trở thành nhóm ngành có tỷ lệ người tìm việc nhiều nhất nước (21,9%). Vậy mà các ngân hàng vẫn than “ế” nhân sự có trình độ. Đối với trường tôi, ngành tài chính ngân hàng vẫn có chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn so với các ngành còn lại. Những sinh viên ngành ngân hàng mới ra trường như tôi có bạn “ế”, “nhảy việc” là đặc sản của chúng tôi. Tôi may mắn hơn khi mới ra trường đã có việc làm, tôi đã từng nghĩ thế. Một số bạn sinh viên ra trường trong đó có tôi, đã suy nghĩ công cuộc tìm kiếm việc làm trong ngành ngân hàng là một “việc đi xuống địa ngục” hay là “khó còn hơn lên trời” mà không nghĩ nó là một “ chuyến đi thú vị” và tôi đã bắt đầu bước đi trong hành trình của mình.
Cuối năm 2014, ba của tôi đã giới thiệu tôi với giám đốc chi nhánh của 1 ngân hàng top đầu nhóm ngân hàng tư nhân để được kiến tập. Tôi cũng “sơ sơ” hiểu được làm tín dụng ngân hàng gồm các công việc như: đi nhậu để tiếp khách hàng “nội bộ”; chạy ngoài đường đem về một đống giấy tờ và cặm cụi làm; trình ký và báo khách hàng đến ngân hàng kí hợp đồng rồi nhận tiền vay. Tôi thích vì làm ngân hàng là phải đi chơi để có khách, đi “ăn nhậu”, “chạy ngoài đường”,....
Giai đoạn đó, ngân hàng tôi đã kiến tập có tổ chức các đợt tuyển thực tập viên “tiềm năng”. Tôi bằng mọi giá vào thực tập cho bằng được vì thực tập tốt sẽ được giữ lại làm việc. Tôi tạo nên bộ CV “hoàn hảo” các hoạt động phong trào đều nhờ bạn đóng cho vài cái mộc xác nhận. Rồi cũng có đợt phỏng vấn cuối cùng, học hành thì không có gì nổi bật, phong trào cũng không nhưng được cái tự tin. Miệng thì nói sẽ làm tốt các chỉ tiêu đề ra mà chẳng có kế hoạch, huyên thuyên về vị trí quan hệ khách hàng cá nhân (QH KHCN) như học thuộc lòng. Cuối cùng cũng có được 1 suất thực tập với cuộc phỏng vấn lần 2 với “người quen”. Tức là phỏng vấn đợt 1 bị trượt. Nghĩ lại thấy cũng buồn, đi thi thực tập cũng rớt.
Thực tập được ba tháng, việc gì cũng làm mà chẳng biết “vì sao nó như vậy” và cũng không hỏi ai hay ai hướng dẫn. Được chị quản lý khen chịu khó, siêng năng nhưng không hòa đồng với đồng nghiệp vì hống hách, tự tin quá, giao tiếp cụt ngủn. Sau thời gian thực tập, chị này từ chối nhận tôi thử việc. Cũng có chút may mắn, giám đốc chuyển tôi qua 1 phòng giao dịch ở quận 3 và được nhận vào thử việc.
Trong khoảng thời gian thử việc, tôi bắt chước các anh chị đi tìm các danh sách khách hàng để điện thoại mời dùng sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Mỗi ngày, tôi đi ra chợ phát vài tờ rơi đến mệt lả người. Mỗi ngày chạy khắp TP.HCM, điện thoại hàng trăm cuộc, bỏ tiền mua dữ liệu khách hàng, nhờ vả người thân và bạn bè. Làm mọi cách nhưng vẫn không có khách. Mấy anh làm tín dụng trong phòng khuyên tôi tìm đến các môi giới bất động sản, mua bán xe, các chuyên viên tư vấn du học, những người làm dịch vụ kế toán hay các cán bộ tín dụng ở ngân hàng khác,… để làm quen. Nếu có khách hàng họ sẽ giới thiệu cho tôi và tôi sẽ phải đưa hoa hồng cho họ. Tóm lại, những người mà tôi muốn làm quen, cán bộ tín dụng chúng tôi hay gọi họ là “cò”. Tôi làm vì tôi thấy trong phòng ai cũng làm. Cái gì sai mà nhiều người làm và không ai nhắc nhở sẽ cái thành đúng.
Ngày này qua ngày nọ, tôi nghe: “Ừ anh biết rồi”, “Chị biết rồi”, “Nếu có anh chị giới thiệu cho em”, “Em lấy phí bao nhiêu?”. Thật sự tôi chỉ muốn có doanh số cho vay thôi, không nghĩ đến hoa hồng. Càng làm, càng nghĩ nên làm “cò” luôn cho rồi. Bởi vì, vừa có khách hàng vừa có hoa hồng. Một ngày đẹp trời, có cuộc điện thoại đã giúp tôi biết thế nào là “cò”: “Tao có bộ hồ sơ này ngân hàng tao làm không được vì vướng”.
Các cán bộ tín dụng chúng tôi đề xuất cho vay dựa trên năm tiêu chí: uy tín, năng lực, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo và các điều kiện của ngân hàng; trong đó, nguồn trả nợ được các cán bộ tín dụng cũng như ban lãnh đạo quan tâm nhiều nhất. Khi phát sinh hồ sơ vay vốn các ngân hàng khác không đạt điều kiện cho vay. Nhờ mối quan hệ quen biết, các cán bộ tín dụng của ngân hàng này hoặc móc nối với những cá nhân có quen biết rộng các ngân hàng để đưa cho cán bộ tín dụng của ngân hàng khác làm hồ sơ vay vốn không đạt điều kiện cho vay trở thành đủ điều kiện vay bằng nhiều chiêu trò, mánh khóe khác nhau rất tinh vi.
Hồ sơ cho vay phát sinh một bộ, hai bộ, ba bộ nhưng đều bị từ chối xét duyệt. Bộ thứ tư cũng được doanh số phát vay là 150 triệu đồng. Sau khi nhận tiền vay, khách nói “Đây anh bồi dưỡng cho”. Sinh viên mới ra trường được như thế thấy sợ nên không lấy nhưng cũng vui, vui vì cứ tưởng khách hàng quý mình mà không biết thực tế đây là “thủ tục”.
Hai tháng thử việc trôi qua, nhờ biết sử dụng đến “cò”, tôi cũng được ký hợp đồng lao động chính thức.
Vẫn cách làm như trên nhưng tôi quan tâm quy mô mở rộng hơn sang các ngân hàng bạn. “Em ơi, anh có bộ này vướng tài sản đảm bảo, thu nhập không đủ, khách hàng tốt, em làm được không?”, “Phí bao nhiêu cưng?”. Miệng nói không thu phí mà đầu cứ nghĩ “nếu có cục tiền lớn chắc sướng lắm”. Từ ngân hàng này qua ngân hàng nọ rồi đến lượt tôi. “Anh trao đổi với khách hàng, có anh báo em”. Hàng ngàn câu nói như thế lặp đi lặp lại. Một tháng, hai tháng, ba tháng vẫn chỉ phát sinh doanh số cho vay là 150 triệu đồng và được tất toán sau hai tuần vay. Tôi vẫn cộng tác với “cò” nhưng tôi thắc mắc tại sao “cò” không đưa hồ sơ tốt mà toàn hồ sơ không đạt các đạt các điều kiện cho vay. Hằng ngày, tôi vẫn vác cái xác với tâm hồn tiêu cực: “Anh ơi giúp em với, cho em xin một bộ đi anh”, “Mày ơi, có bộ nào khó đưa tao đi”.
Nghe bạn bè kể có sếp đưa cho nó hồ sơ lớn để làm, tôi cảm thấy xấu hổ lắm vì tôi không được như bạn, tôi nghĩ lãnh đạo không tin mình. Bây giờ, mới hiểu không phải lòng tin mà chỉ để có “chữ ký” của nó. Nhiều lần tôi dự định nghỉ việc sang ngân hàng khác chỉ vì nghe được bạn tôi nói chỗ nó làm “Sếp tao đem hồ sơ về, tao chỉ làm báo cáo thôi”. Tôi hẹn bạn tôi đi uống cà phê để tìm xem có hồ sơ nào khó quăng qua tôi làm cho. Bây giờ nghĩ lại cũng may không có hồ sơ nào “lọt qua cửa”.
Một người bạn thân thuở đại học đã giúp tôi có cơ duyên biết đến nơi làm việc hiện tại. Tôi rất ấn tượng với quan điểm của anh quản lý mà tôi đã gặp, anh này chỉ bảo bạn tôi mặc dù không làm chung. Cuối năm 2015, tôi có cuộc hẹn phỏng vấn. Trước khi vào nơi làm việc mới, tôi đã được anh quản lý cho biết định hướng bán hàng của tổ chức, quan điểm làm việc và quan điểm sống để tôi cân nhắc. Anh quản lý thông báo cho tôi: “Em suy nghĩ nếu hợp thì chọn còn không thì thôi” và “đặc biệt không làm hồ sơ “cò” ”. Từ “hợp” lóe lên trong tôi biết bao ý nghĩa. Và tôi cũng đã nhận được thư mời thử việc của ngân hàng. Tôi lại hỏi “Sao lương của em không giống với nơi làm cũ?” (thấp hơn 1 triệu đồng/tháng). Và tôi nhận được câu trả lời: “Một lần nữa hãy suy nghĩ kĩ, em phải tập trung vào mục tiêu của mình, nếu không thì dừng lại”. Tôi chấp nhận làm việc để được học hỏi và có thêm kinh nghiệm.
Tôi bắt đầu công việc mới với một ít vốn kiến thức đại học và sự kiên trì, sự quyết tâm. Ngoài ra, tôi không có gì nữa hết. Tôi phải học đủ thứ: nghiên cứu nội qui, luật lao động, chính sách ngân hàng, học lên kế hoạch làm việc, học giao tiếp và thậm chí học tiếng Việt. Nói học tiếng Việt, có lẽ nhiều bạn cười tôi. Thực sự, tôi viết văn bản câu cú lủng củng, sai chính tả, chèn tiếng Anh. Đồng nghiệp của tôi từng giành được khách hàng từ 1 ngân hàng của Úc có chi nhánh ở TP.HCM chỉ vì bạn đó nói tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt làm khách hàng khó hiểu; đồng nghiệp của tôi nói ngắn gọn bằng tiếng mẹ đẻ dễ đi vào lòng khách hàng. Bên cạnh đó, anh quản lý cho tôi biết định hướng bán hàng của tổ chức là bán lẻ, bán như thế nào và tại sao?, “Trước khi bán hàng, em phải nghiên cứu thông tin của khách hàng và đối thủ thật kĩ cho anh”, “Đừng cố gắng bán mà hãy giúp khách hàng biết tại sao nên mua sản phẩm, dịch vụ”, “Phải xem khách như là người nhà”, ... là câu nói quen thuộc trưởng phòng dặn dò tôi.
Cứ thế tôi làm. Rồi có nhiều cuộc hẹn với khách hàng, trong đó có khách hàng đồng ý và cũng có khách hàng từ chối. Tôi đã bán hàng được mà không cần qua “cò”.
Khoảnh khắc làm tôi phải xúc động và nhìn lại mình là khi khách hàng cho tiền nhưng tôi từ chối bằng câu cảm ơn vì phục vụ khách là trách nhiệm, là niềm vui của tôi. Khách hàng gật đầu và nói với tôi: “Cô cảm ơn con. Nếu xã hội này ai cũng như con thì tốt đẹp biết mấy”. Từ đó, động lực làm việc của tôi tăng gấp nhiều lần. Bởi vì, năm ngoái có bao giờ tôi được khen hay có bao giờ tôi được khách nói như vậy đâu? Tôi kể cho trưởng phòng nghe để anh biết là tôi làm việc đúng định hướng và biết rằng tôi đã thay đổi, có cố gắng. Việc khách cho tiền tôi diễn ra như cơm bữa. Tôi quản lý hơn 80 khách hàng tức là có hàng chục khách cho tiền. Có những khách lén bỏ vào bì đựng hồ sơ mà tôi không biết. Về đến cơ quan, tôi báo khách đã chuyển trả và dặn dò khách “đừng làm thủ tục với em. Nếu quý em thì giới thiệu khách mới cho em”.
Mỗi ngày, tôi rời cơ quan sau 9 giờ tối. Tôi không dám về sớm vì 3 bạn đồng nghiệp còn miệt mài làm hồ sơ cho khách. Nhìn lịch làm việc còn 1 mục: Trao đổi nghiệp vụ, kế hoạch bán hàng với anh H. Tôi được gieo tư tưởng “Có tài không có đức là người vô dụng. Có đức không có tài làm việc gì cũng khó”. Nên tôi và các bạn phải học chuyên môn bên cạnh học đạo đức. Kết quả chúng tôi tự tin hướng dẫn khách, chúng tôi biết hồ sơ nào được duyệt và không duyệt. Cứ như vậy, học nữa học mãi học bù cho năm tháng phí hoài tuổi trẻ ở giảng đường.
Nhiều lần, trưởng phòng nhận xét tôi: “Ăn nói không có khéo”, “Phải biết nói chuyện xã giao thì mới khá được em à”. Và tôi cũng nhớ lại câu nhận xét của chị quản lý ngân hàng cũ “không hòa đồng với mọi người”. Tôi biết mình phải thay đổi cách giao tiếp với khách hàng, với đồng nghiệp theo hướng cở mở hơn. Tôi tham gia nhiều phong trào do cơ quan tôi tổ chức. Đây là việc mà trước giờ đi học cho đến khi đi làm tôi chẳng thèm bận tâm. Tôi tham gia từ thi viết sách, thi thố chuyên môn kể cả lĩnh vực KHDN, thi từ cuộc thi nhỏ cho tới cuộc thi lớn hay thậm chí lên sân khấu nhảy nhót để rèn kĩ năng giao tiếp. Từ đó, mọi người có cái nhìn khác tích cực hơn về tôi.
Điều tôi hỏi khi vào thử việc là lương và câu hỏi này được giải đáp khi thu nhập chính đáng của tôi được cải thiện, thưởng trong kinh doanh và bằng khen vinh danh vào cuối năm 2016. Hơn nữa là chuyến đi Singapore năm 2017 này.
Giai đoạn tôi bắt đầu đi làm như thế đó. Chỉ cần 1 bước nữa có thể tôi đã đi sai và nghĩ sai về nghề ngân hàng. Bên cạnh những người làm sai còn có những người tốt, sẵn sàng hướng dẫn cho thế hệ trẻ chúng tôi bước vào nghề đúng đắn nhất. Tôi còn nhớ mãi những lời dặn dò: làm việc gì cũng phải có thời gian chuẩn bị trước, có đam mê và kiên trì. Lời khuyên của tôi dành cho các em sinh viên: phải xác định rõ thích công việc nào? Từ đó, trao dồi kiến thức cho công việc. Sau đó, tìm hiểu xem công việc này làm ở đâu tốt nhất và làm với ai? Làm với ai cực kì quan trọng. Nếu bạn có người lãnh đạo có đủ tài lẫn đức thì bạn yên tâm làm việc. Bởi vì, bạn sẽ có môi trường làm việc đúng nghĩa (tương trợ lẫn nhau, thi đua với nhau) và không ai chỉ bạn đi sai đường.
Những lời nhận xét thẳng thắng của trưởng phòng nhiều lần như muối xát vào lòng tôi vì nó thẳng tới mức tôi chưa từng nghe, nhưng nó như xô nước lạnh dội vào tôi, giúp tôi tỉnh giấc để biết mình ở đâu và sẽ đi đâu trong thời gian tới.
Trí Thức Trẻ
- Trao giải cuộc thi viết Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang
- Thông báo Giải thưởng cuộc thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- 20 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc Thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- Từ hình ảnh ngày hội từ thiện, tôi quyết tâm theo đuổi nghề ngân hàng và vinh quang đã đến sau những nỗ lực không ngừng nghỉ
- Mấy ai làm Ngân hàng mà hiểu được B68 là gì?