MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trao giải cuộc thi viết Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang

19-11-2017 - 15:04 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngày 18/11 tại Hà Nội, Kênh thông tin kinh tế tài chính CafeF đã phối hợp cùng Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức Lễ trao giải cuộc thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang” cho các tác giả đoạt giải.

Trong số 140 tác phẩm trên tổng hơn 500 bài dự thi được lựa chọn đăng tải trên báo, đã có 16 tác giả đoạt giải.

Giải đặc biệt (trị giá 30 triệu đồng) thuộc về tác giả Trần Hoài Phong đến từ Ngân hàng Eximbank Mỹ Tho

Với bài viết Nghề ngân hàng: Đã chọn thì đừng hối tiếc, đã đi phải đến cuối con đường

- 02 giải nhất (mỗi giải trị giá 15 triệu đồng):

+ Ngân hàng- Nghề không đùa với rủi ro (Tác giả: Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước)

+ Ai muốn tu giữa đời thường thì chỉ việc lấy vợ làm ngân hàng là xong! (Tác giả: Đinh Như Thảo, chồng của một cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Xuân - Thừa Thiên Huế)

- 02 giải nhì (mỗi giải trị giá 10 triệu đồng):

+ 14 năm gắn bó với nghề và trải qua 2 "đại biến cố", làm ngân hàng với tôi đúng là quá thử thách nhưng đầy vinh quang ( Tác giả Phạm Mai Quyên - Khối thị trường tài chính Ngân hàng ACB )

+ Tốn bao nhiêu tiền để vô được ngân hàng Agribank?" (Tác giả: Nguyễn Bạch Mi ngân hàng Agribank chi nhánh Vị Thủy- Hậu Giang)

- 03 giải Ba (mỗi giải 5 triệu đồng)

+ Nghề ngân hàng – Đậm “mùi tiền” mà “tình” cũng không thiếu (Tác giả Huỳnh Thảo Thúy Vi - cựu cán bộ Techcombank)

+ Làm tín dụng: Đừng đợi đến lúc đứng trước vành móng ngựa rồi mới hối tiếc (Tác giả: Lê Quốc Việt - Sacombank chi nhánh Tây Ninh)

+ Đã chọn ngân hàng thì hãy coi sự bận rộn là niềm vui (Tác giả: Tống Thị Ngọc Lý - BIDV Sơn La)

- 08 giải khuyến khích (mỗi giải 1 triệu đồng)

+ Nghề xử lý nợ - Những chiến binh thầm lặng – (Tác giả: Lữ Sơn Tùng - VietinBank Bình Đăng)

+ 5 năm làm 3 ngân hàng quốc tế, tôi nhận ra rằng thành công trong nghề tài chính chẳng phải là tiền (Tác giả Phan Đức Trí - Ngân hàng Maybank Tp.HCM)

+Làm ngân hàng đã khó, làm cán bộ ngân hàng chính sách xã hội còn gian truân hơn nhiều (Tác giả: Nguyễn Thị Kim Dung - NHCSXH)

+Làm giao dịch viên ngân hàng 6 năm, thành công của tôi đơn giản chỉ là nụ cười hài lòng của khách hàng (Tác giả: Mông Thị Thùy - VietinBank Lạng Sơn)

+ Chẳng biết tự bao giờ, tôi yêu cái nghề Giao dịch viên đến lạ (Tác giả: Nguyễn Ngọc Vân Anh - HDBank)

+Nghề ngân hàng: Nếu muốn thành công, đừng xem là "nghề" mà hãy xem là "nghiệp" (Tác giả Nguyễn Thanh Quang - Ngân hàng ABBank Đồng Tháp – Người gửi bài dự thi sớm nhất)

+ Tác giả: Hồ Thị Lương (Ngân hàng Bac A Bank chi nhánh Đông Anh) – Tác giả có nhiều bài dự thi nhất và được lựa chọn đăng nhiều nhất:

Ngoài sự lạnh tanh của đồng tiền, ngân hàng còn lại gì?

và: 15 giây "thần thánh" ám ảnh nhân viên ngân quỹ!

+Viết cho những ai đã, đang và sẽ bước vào nghề ngân hàng (Tác giả: Lê Thị Hóa) – Bài viết được độc giả yêu thích nhất.


Ông Đặng Như Tùng (áo trắng thứ 4 từ phải sang) trao giải cho các tác giả

Ông Đặng Như Tùng (áo trắng thứ 4 từ phải sang) trao giải cho các tác giả

Chia sẻ tại buổi lễ trao giải, ông Đặng Như Tùng, giám đốc CafeF cho biết, nghề ngân hàng từ trước tới nay vẫn là nghề "hot", với lực lượng nhân sự lên tới hơn 300.000 người. Đây cũng là đối tượng độc giả quan trọng của truyền thông nói chung và các kênh thông tin về kinh tế và tài chính như CafeF nói riêng.

Nhưng thời gian qua, ngành ngân hàng có nhiều biến cố, quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, đặc biệt là nhiều đại án ngân hàng đưa ra xét xử, nhiều cán bộ ngân hàng vướng vòng lao lý, khiến cho bức tranh về ngân hàng trở nên kém tươi sáng, thậm chí là u ám hơn. Tuy nhiên trong cuộc sống, bên cạnh những chuyện tiêu cực thì vẫn còn những điểm sáng, vẫn còn nhiều điều lạc quan, và nếu ta chỉ nhìn vào góc xấu thì sẽ làm u ám cả cuộc sống. Đó chính là động lực thôi thúc Ban tổ chức triển khai cuộc thi Viết nhằm có cái nhìn tích cực hơn, thấy được những câu chuyện hay, những nỗ lực của người làm ngân hàng tài chính, những chia sẻ về khó khăn, thách thức và hành trình vượt qua gian khó... để truyền cảm hứng cho người đã, đang và sẽ vào nghề, qua đó góp phần xây dựng nên một hệ thống ngân hàng trong sạch, vững mạnh.

Tác giả Trần Hoài Phong - giải đặc biệt, đến từ Eximbank chi nhánh Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, cuộc thi này có ý nghĩa rất lớn với không chỉ cá nhân tác giả mà với cả trăm ngàn người làm ngân hàng, giống như một hồi chuông cảnh tỉnh giúp người làm trong nghề lắng lại, sống chậm lại để cảm nhận về nghề nghiệp của mình. "Đây là một sân chơi bổ ích và chúng tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều cuộc thi tương tự như vậy để đánh thức được cái tâm của người làm nghề ngân hàng" - tác giả nói.

"Bài dự thi Nghề ngân hàng: Đã chọn thì đừng hối tiếc, đã đi phải đến cuối con đường được hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Tôi không hiểu tại sao, những cảm xúc mà tôi đã ấp ủ từ lâu cứ dâng trào, đôi khi thấy nghẹn lòng trên từng con chữ... Và có lẽ những cảm xúc chân thực đó, một tình yêu cháy bỏng đó đã giúp tôi may mắn thuyết phục được Ban Giám khảo" - tác giả chia sẻ.

Trần Hoài Phong cho biết thêm, "Chính tại mái nhà Eximbank đã tôi rèn cho từng CBNV về tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và về sự hy sinh hết mình vì công việc, mà tôi nghĩ chắc cũng ít có ngân hàng nào có thể rèn luyện được cho tôi như thế. Ngân hàng đang trải qua giai đoạn khó khăn của tái cơ cấu, nhưng chúng tôi vẫn đam mê và tin tưởng rất nhiều vào tương lai. Đặc biệt, chính Dự án New Eximbank đang triển khai đã lan toả tinh thần hứng khởi trong công việc cho tôi và hơn 6.000 cán bộ nhân viên ngân hàng".


Tác giả Trần Hoài Phong nhận giải đặc biệt cùng với mẹ và em trai

Tác giả Trần Hoài Phong nhận giải đặc biệt cùng với mẹ và em trai

Tác giả Phạm Xuân Hòe, Viện phó Viện nghiên Chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, người đạt giải nhất của cuộc thi cho biết, sau khi biết đến cuộc thi, tôi chỉ tâm niệm rằng với 34 năm trong nghề, tôi muốn ghi lại kinh nghiệm cho thế hệ người đi sau, bởi nghề ngân hàng thực sự là không đùa với rủi ro, và cũng khá bất ngờ khi được giải thưởng cao của cuộc thi".

Chia sẻ thêm về nghề ngân hàng, tác giả nói: Ở các nước phương Tây, kinh doanh thua lỗ hoặc rủi ro trong cho vay là chuyện bình thường nhưng ở Việt Nam thì nhận thức về nghề này còn rất eo hẹp. Nghề trung gian tài chính vô cùng rủi ro, hôm nay anh làm đúng, nhưng chẳng may anh đi sai một bước nhỏ nào đó thôi là đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Nhưng nghề ngân hàng lại vô cùng vinh quang vì có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Hiện nay nhiều người chỉ nhìn vào các ngân hàng thương mại, nhưng như vậy là chưa đủ. "Để thấy được những thử thách, vinh quang, tầm quan trọng của nghề, thấy được bức tranh trọn vẹn của nghề còn phải nhìn nhận những đóng góp của người làm ngân hàng chính sách xã hội và tài chính vi mô. Người làm tài chính bình thường có thể giúp người ta có cái cần để câu cá, nhưng người làm ngân hàng, làm tài chính vi mô có tâm còn phải đến tận các vùng sâu vùng xa, tiếp cận với từng người dân để hướng dẫn họ câu cá, rồi chỉ họ tìm chỗ bán cá", tác giả nói.

Và theo tác giả Phạm Xuân Hòe, với những bài viết, những câu chuyện được chia sẻ và tiêu chí cuộc thi hướng tới đã góp phần thắp lửa nghề, thổi nên ngọn lửa đam mê cho người làm ngân hàng.


Tác giả Phạm Xuân Hòe - giải nhất cuộc thi viết Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang

Tác giả Phạm Xuân Hòe - giải nhất cuộc thi viết Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang

Còn tác giả Phạm Mai Quyên đến từ ngân hàng ACB với giải nhì qua bài viết "14 năm gắn bó với nghề và trải qua 2 "đại biến cố", làm ngân hàng với tôi đúng là quá thử thách nhưng đầy vinh quang" thì chia sẻ: Khi bài viết được đăng, cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Người thì nói bài viết truyền cảm hứng. Người thì hỏi nghề bạc như vậy, theo làm gì? Nhưng với tôi, nghề bạc hay không là do người, tiền có tệ hay không là do mình.

"Tôi luôn tự hào là 1 Banker, là 1 thành viên trong đại gia đình ACB, hạnh phúc vì đang được làm một công việc rất ý nghĩa. Với công việc ấy, mình có thể biến những ước mơ của bản thân cũng như của khách hàng trở thành hiện thực, góp phần vào sự phát triển của xã hội. Nghề nào cũng có nỗi khổ riêng. Nhưng chắc chắn, bạn sẽ không cảm nhận được mùi vị của vinh quang nếu không phải trải qua gian nan thử thách. Cám ơn Ban tổ chức đã tổ chức 1 cuộc thi viết rất nhân văn để những người làm ngân hàng có cơ hội trải lòng mình, nói lên những điều mà có thể trong quá trình công tác, ai cũng hiểu nhưng không dám nói ra."


Tác giả Phạm Mai Quyên đạt giải nhì của cuộc thi

Tác giả Phạm Mai Quyên đạt giải nhì của cuộc thi

"5 năm làm 3 ngân hàng quốc tế, tôi nhận ra rằng thành công trong nghề tài chính chẳng phải là tiền" là bài viết đã giúp Tác giả Phan Đức Trí - Ngân hàng Maybank Tp.HCM đạt giải khuyến khích của cuộc thi. Tác giả chia sẻ, cuộc thi là một sân chơi bổ ích và ý nghĩa cho những người phục vụ trong ngành tài chính ngân hàng được chia sẻ những nỗi niềm, khát vọng và cả những bài học rút ra trong cuộc đời tài chính của họ.

"Kể từ ngày rời khỏi mái trường Đại học, tôi đã có 5 năm được trải nghiệm làm việc tại 3 Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Từ khi còn là sinh viên, tôi đã mơ ước được làm việc tại các ngân hàng nước ngoài, không phải vì tôi là người sính ngoại, mà vì tôi nghĩ rằng làm việc tại môi trường này sẽ giúp cho tôi hình thành được tác phong chuyên nghiệp và nâng cao vốn ngoại ngữ của mình. Mỗi người có một sự lựa chọn riêng của mình, không thể nói rằng ai đúng và ai sai, vì tôi cũng đã được biết trong những năm qua ngân hàng trong nước cũng đã nâng cao tầm vóc và uy tín tổ chức lên rất nhiều, sánh ngang với các ngân hàng quốc tế.

Tôi biết rằng kinh nghiệm của tôi chưa phải là nhiều trong ngành ngân hàng và kiến thức của tôi cũng còn nhiều hạn chế và cần tích lũy thêm. Qua cuộc thi này, tôi mong muốn được gửi lời nhắn nhủ đến các em sinh viên sắp sửa bước vào ngành là hãy cố gắng học hỏi hết mình, khi các em còn trẻ thì nỗ lực không ngừng tìm hiểu chính là con đường thành công ngắn nhất. Đừng đặt tiêu chuẩn thành công là tiền bạc, danh vọng mà hãy lấy kiến thức làm mục tiêu thì lúc đó chúng ta sẽ vượt qua được những cám dỗ và thử thách trên con đường sự nghiệp."


Tác giả Phan Đức Trí với giải khuyến khích của cuộc thi

Tác giả Phan Đức Trí với giải khuyến khích của cuộc thi

Tác giả Hồ Thị Lương đến từ Ngân hàng Bắc Á với giải Khuyến khích thì chia sẻ, "Khi biết đến cuộc thi, tôi thấy có rất nhiều người làm ở các ngân hàng đều gửi bài, và tôi nghĩ tại sao mình lại không nhỉ, thế là tôi viết và gửi. Ban đầu, tôi cũng nghĩ rằng sẽ không có sự công tâm ở cuộc thi (thực sự tôi thiếu niềm tin với các cuộc thi) nhưng rồi từng bài viết gửi đi được nhận phản hồi chi tiết của Ban tổ chức, tôi rất cảm động và cảm nhận được rằng mình đang đi đúng hướng, rằng mình đang làm việc với những người rất có tâm với nghề, với cuộc thi. Thế là tôi cứ viết, viết, rồi gửi và thật may đã thuyết phục được Ban Tổ chức và được độc giả ủng hộ.


Tác giả Hồ Thị Lương - Giải khuyến khích

Tác giả Hồ Thị Lương - Giải khuyến khích

Ngày 18/11, tại trụ sở của CafeF ở Hà Nội, Ban tổ chức cuộc thi viết: Nghề Tài chính Ngân hàng - Thử thách và Vinh quang" đã tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải.

Do điều kiện khách quan, nhiều tác giả không thể đến dự buổi lễ, Ban tổ chức sẽ gửi tiền giải thưởng qua tài khoản của các tác giả và kỷ niệm chương, bằng khen tới địa chỉ mà tác giả đã đăng ký khi dự thi.

Trân trọng thông báo!

Ban tổ chức cuộc thi viết

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên