Rót hàng tỷ đô vào Masan, Vingroup, chaebol top 3 Hàn Quốc SK Group đặt cược mạnh vào Việt Nam
Bị tụt hậu từ lâu trong việc phát triển hoạt động kinh doanh ở nước ngoài so với các đối thủ như Samsung hay Hyundai, Tập đoàn SK của Hàn Quốc đang thực hiện một số bước đi táo bạo vào Việt Nam nhằm bắt kịp, thông qua việc khai thác sự giàu có của người tiêu dùng trẻ trong nước.
SK đã mua lượng lớn cổ phần tại hai tập đoàn của Việt Nam, một trong số đó là nhà điều hành hệ thống bán lẻ hiện đại VinMart.
Cửa hàng VinMart nằm trong các khu chung cư là biểu tượng cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Cho đến khoảng 3 năm trước, các địa điểm mua sắm chính của người Việt vẫn là các khu chợ truyền thống. Nhưng siêu thị hiện đại đang mọc lên hết sức nhanh chóng.
Hồi tháng 4, SK đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce, đổi lấy 16,3% cổ phần. SK đã đề cử người của mình vào HĐQT VinCommerce và hai bên đang xem xét hợp tác kinh doanh.
VinCommerce điều hành hệ thống 2.300 siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Nhưng trong chiến lược mở rộng của mình, công ty đã phải chịu thua lỗ và đang tìm cách tìm kiếm lợi nhuận.
Lý do dẫn đến quyết định đầu tư vào thị trường nước ngoài của SK là rủi ro khi mô hình kinh doanh quá tập trung vào thị trường Hàn Quốc.
Mặc dù là chaebol lớn thứ ba Hàn Quốc, hầu hết hoạt động kinh doanh của SK chẳng hạn như hóa dầu, viễn thông dựa cả vào thị trường nội địa. Trong khi đó hai công ty đồng hương là Samsung Electronics và Hyundai Motor đã thành danh trên thị trường quốc tế.
Kazuhiro Momomoto, nhà nghiên cứu tại JETRO cho biết: "So với các chaebol lớn khác, SK đang chậm trễ trong việc mở rộng ra nước ngoài, chẳng hạn như ở Việt Nam".
Trong những năm gần đây, SK đã đầu tư mạnh mẽ để tạo dựng chỗ đứng tại Việt Nam. Năm 2008, tập đoàn này đã chi 470 triệu USD để mua cổ phần Masan Group, công ty mẹ của VinCommerce thời điểm hiện tại.
Năm tiếp sau đó, SK đầu tư 1 tỷ USD vào Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, nắm 6,1% cổ phần. Sau đó, Vingroup đã chuyển nhượng VinCommerce cho Masan từ tháng 12/2019.
Thông qua những khoản đầu tư đó, Nikkei cho rằng SK có kế hoạch xây dựng một mạng lưới phân phối và bán hàng từ A đến Z tại Việt Nam. Một phần của kế hoạch đó là kinh nghiệm vận hành tại Eleven Street, một nền tảng thương mại điện tử lớn ở Hàn Quốc.
Năm ngoái, SK đã ký một hợp đồng ràng buộc vốn với Amazon.com, với ý tưởng biến VinCommerce thành một nhà bán lẻ đa kênh như Amazon hoặc Alibaba của Trung Quốc, qua đó giúp công ty Việt Nam nhanh chóng đạt được lợi nhuận.
Việt Nam hiện có dân số 100 triệu dân với độ tuổi trung bình 31, thế hệ người tiêu dùng trẻ rất sẵn sàng chi tiêu.
GDP đầu người của Việt Nam đã vượt mức 3.000 USD, ngưỡng ước tính để thúc đẩy sự gia tăng của tiêu dùng thiết bị gia dụng và hàng hóa lâu bền khác. Thực tế việc các công ty Hàn Quốc khác đã thâm nhập thị trường trước đó là một điểm lợi cho SK.
Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đang sở hữu tòa cao ốc Lotte Center Hà Nội cho thuê văn phòng, khách sạn và trung tâm thương mại. Lotte dự kiến mở thêm một khách sạn cao cấp tại Việt Nam vào năm 2025.
Tập đoàn CJ sở hữu cụm rạp chiếu phim trên khắp Việt Nam đóng vai trò là nơi quảng bá rộng rãi cho các phương tiện truyền thông Hàn Quốc. Vào tháng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung tiếng Hàn là ngôn ngữ chính được giảng dạy trong các trường học bên cạnh tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Nga.
Quyền lực mềm của K-pop và K-drama cũng tạo được tiếng vang đối với giới trẻ Việt Nam, qua đó đem lại lợi ích cho các thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc. Amorepacific và LG Household & Health Care đã mở rộng kênh bán hàng tại Việt Nam.
Sự hiện diện của Hàn Quốc tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi hai nước bắt đầu mối quan hệ sâu sắc hơn vào năm 2009. Riêng Samsung hiện đã đóng góp 1/5 vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hơn 200.000 người Hàn Quốc hiện đang sinh sống tại Việt Nam, gấp 10 lần so với số người Nhật Bản.