Số dư trong tài khoản tiền gửi thanh toán người dân tăng vọt, vượt mốc 1 triệu tỷ đồng
Trong vòng 1 năm, số dư tiền gửi thanh toán cá nhân tại hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng tới 40%.
- 21-06-2022Người gửi tiền chú ý: Chính thức có quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi
- 13-06-2022Nếu cứ "lấy của người giàu chia đều cho người nghèo" thì bình quân mỗi người Việt Nam đang có bao nhiêu tiền gửi trong ngân hàng?
- 03-06-2022Ngân hàng đua nhau tung ưu đãi hút tiền gửi
Tiền gửi thanh toán cá nhân tăng 3 lần trong vòng 5 năm
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã cập nhật số liệu tài khoản tiền gửi thanh toán cá nhân đến cuối quý 1/2022. Đây là các khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ.
Cụ thể, cuối tháng 3, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân đã đạt 118.645 tài khoản, tăng thêm 3.454 tài khoản so với cuối năm 2021.
Đồng thời số dư trong tài khoản thanh toán cũng tăng vọt, đạt hơn 1,04 triệu tỷ đồng, tăng hơn 103 nghìn tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 11%. Và so với 1 năm trước, số dư này đã tăng tới 40%.
Mức tăng trưởng của tiền gửi thanh toán cao hơn nhiều so với tăng trưởng tiền gửi chung của hệ thống (bao gồm cả tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn). Tổng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng vào cuối tháng 3 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,6% so với cuối năm 2021.
Sự phát triển của ngân hàng số, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp tiền gửi thanh toán cá nhân tăng trưởng "chóng mặt" trong những năm gần đây. Trong vòng 5 năm qua, số dư loại tiền gửi này đã tăng gấp 3 lần và đặt biệt bứt phá mạnh từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xảy ra – là chất xúc tác thúc đẩy thói quen thanh toán online của người dân.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh, gần 70% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng
Trong một Hội thảo gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng nhận xét, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có những tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua. Hiện tỷ lệ người trưởng thành mở mới tài khoản ngân hàng đã đạt tới 68%. Tại nhiều nhà băng, tỷ lệ giao dịch trên kênh số đã đạt trên 90%. Trong 5 năm qua, số lượng giao dịch thanh toán điện tử qua di động tăng 50-80% hàng năm.
Số lượng người dùng ngân hàng đặc biệt tăng mạnh hơn sau khi nhiều ngân hàng triển khai mở tài khoản từ xa theo phương thức điện tử (eKYC). Được biết, đã có tới 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới theo phương thức này.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%.
Trên ngân hàng số hiện nay, người dùng không chỉ có thể chuyển tiền, gửi tiết kiệm, vay vốn,… mà còn sử dụng đa dạng các tiện ích khác như thanh toán hóa đơn điện nước, mua sắm online, mua vé xem phim, vé máy bay,…Ngoài ra, các ngân hàng số, ứng dụng mobile banking cũng liên kết với nhiều công ty chứng khoán, bảo hiểm để giúp khách hàng đầu tư, tối ưu tài sản.
Bởi vậy, người dùng ngân hàng ngày nay có xu hướng để nhiều tiền trong tài khoản hơn thay vì sử dụng tiền mặt như trước đây. Giao dịch rút tiền mặt tại ATM do đó liên tục giảm mạnh. Theo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS đã giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12% năm 2021.
Báo cáo của các ngân hàng thương mại cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng "thần tốc" của các sản phẩm số hóa trong 2 năm qua. Chẳng hạn, tại OCB, năm 2021, số lượng người dùng ngân hàng số OCB OMNI tăng gấp 3 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và eKYC tăng 15 lần so với năm 2020. Ngân hàng này thu hút được 600.000 khách hàng mới trong năm qua và hoạt động ngân hàng số là kênh chính thu hút khách hàng mới, đóng góp 58% số lượng khách hàng mới trong năm. Số lượng giao dịch qua kênh số tăng gấp đôi năm 2020, chiếm 85% số lượng giao dịch toàn hàng.
Quá trình chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng sẽ còn tiếp tục "bùng nổ" trong thời gian tới. Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%.
Ngoài ra, dự kiến đến năm 2025, 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ về mặt pháp lý để thúc đẩy thanh toán điện tử mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ tăng cường xây dựng hạ tầng công nghệ bởi với mức tăng trưởng tới 80-90% hàng năm là rất lớn. Ngành ngân hàng cũng sẽ kết hợp với các ngành lĩnh vực khác trong nền kinh tế để hoạt động thanh toán không tiền mặt đi sâu, rộng vào đời sống người dân.