MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số hóa ngân hàng: Trong nguy có cơ

14-02-2021 - 13:34 PM | Tài chính - ngân hàng

Năm 2020 đã đi vào lịch sử của thế giới bởi những thách thức chưa từng có. Đại dịch Covid-19 là một cú sốc lớn đối với hoạt động kinh tế, xã hội của toàn cầu, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi các phương thức tương tác truyền thống trong văn hóa, xã hội và kinh tế. Nhưng cũng chính Covid-19 là chất “xúc tác” cho tiến trình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam bứt tốc.

Phát triển giữa môi trường VUCA

Bối cảnh, xu hướng mới tất yếu dẫn tới cơ hội và thách thức mới, và khái niệm "VUCA" chưa khi nào phù hợp hơn. "VUCA" là những chữ cái đầu viết tắt của Volatility (bất định), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ), để chỉ các khía cạnh khác nhau của môi trường không thể kiểm soát.

Lâu nay chúng ta hay nói về chuyển đổi số trong ngân hàng phụ thuộc nhiều ở việc thay đổi hành vi, nâng cao trải nghiệm khách hàng, thì nay thực tế đã cho thấy sự đổi thay rõ rệt. Khảo sát của Capghemini năm 2020 với 11.200 khách hàng từ 11 quốc gia lớn về hành vi sau dịch Covid-19 cho thấy, 57% khách hàng thích dùng Internet Banking hơn; 55% khách hàng ưa thích sử dụng Mobile Banking; 21% muốn tương tác với Chatbots và hỗ trợ tự động khi giao dịch với ngân hàng; 30% là con số khách hàng sẵn sàng chuyển sang giao dịch với Fintech, Bigtech…

Số hóa ngân hàng: Trong nguy có cơ  - Ảnh 1.

Không còn là nỗ lực từ một phía của các ngân hàng, mà yếu tố quan trọng nhất - tâm lý, hành vi tiêu dùng, đầu tư của khách hàng thay đổi đã đòi hỏi các TCTD định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Chỉ trong một năm qua hàng loạt TCTD đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/học máy, Blockchain, eKYC… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng; kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng công nghệ thông tin, khiến số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số của nhiều ngân hàng Việt có sự tăng trưởng vượt bậc.

Đơn cử như trường hợp TPBank - một trong những nhà băng tiên phong trong chuyển đổi số, số lượng giao dịch qua LiveBank năm 2020 là khoảng 7 triệu giao dịch (tăng 130% so với năm 2019) với giá trị giao dịch 330 nghìn tỷ đồng (tăng 140% so với năm 2019), chưa kể tổng số tài khoản và thẻ được mở mới qua LiveBank là 215.000, tăng gấp 4 lần năm 2019. Hay ở VPBank, đại diện ngân hàng này chia sẻ, tổng lượng giao dịch qua kênh ngân hàng online hàng tháng trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 735 nghìn tỷ đồng - tăng gần gấp đôi so với năm 2019, chiếm khoảng 80% tổng số lượng giao dịch tài chính. Ở MB, chỉ tính riêng 3 quý đầu năm 2020, tỷ lệ giao dịch qua kênh số tại nhà băng này đã đạt mức 80%, số lượng khách hàng giao dịch qua ứng dụng MBBank đạt trên 2,2 triệu người…

Đó chỉ là một vài ví dụ minh chứng cho bước tiến mạnh mẽ trong chuyển đổi số của các ngân hàng năm qua. Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), ngân hàng số có thể coi là đích trong khi chuyển đổi số là một quá trình với nhiều cấp độ hướng tới ngân hàng số đích thực. Trong số các ngân hàng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính xây dựng chiến lược chuyển đổi số, có 88% các TCTD lựa chọn triển khai số hóa các kênh giao tiếp khách hàng (front-end) và nghiệp vụ nội bộ (back-end); 19% TCTD đã hoặc có kế hoạch thiết lập thương hiệu/kênh ngân hàng số mới; và chỉ 6% TCTD tiến hành số hóa kênh giao tiếp khách hàng (front-end only). Ông Dũng cũng cho biết thêm, có 31,7% TCTD đã xây dựng cơ chế thử nghiệm trong nội bộ tổ chức - sandbox nội bộ và 28,6% đã xây dựng trung tâm đổi mới số (digital hub).

Năm 2020 cũng đánh dấu sự kiện của nhiều nhà băng khi ra mắt ngân hàng số: Vietcombank ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank vào tháng 7/2020, tháng 9/2020 ngân hàng số Timo công bố đối tác ngân hàng hợp tác chiến lược đồng hành giai đoạn mới là VietCapitalBank với tên gọi mới Timo Plus, tháng 10/2020 LienVietPostBank chính thức có ngân hàng số thế hệ mới LienViet24h trên nền tảng ngân hàng hợp kênh…

Những con số nêu trên có thể chưa phải là tất cả, song cũng đủ hình dung một bức tranh khá sôi động trong cuộc đua chuyển đổi số của các ngân hàng, nhờ động lực từ Covid-19. Việc số hóa sẽ giúp nhà băng hiểu biết sâu sắc hơn về khách hàng của mình thông qua quá trình tự động hóa, sử dụng khoa học phân tích dữ liệu. Chiến lược và tốc độ số hóa ở mỗi ngân hàng không giống nhau, tuỳ thuộc vào quan điểm, thế mạnh, năng lực tài chính… Song có một điều chắc chắn, ngân hàng không cách gì khác đều phải tham gia chuyển đổi số, nếu muốn tồn tại và phát triển giữa thế giới mà công nghệ dẫn dắt.

Cửa phải mở nhiều phía

Một trong những mong mỏi của các ngân hàng nhiều năm nay để có cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số là khuôn khổ pháp lý cho phép định danh khách hàng điện tử đã được hiện thực hóa. NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó có nội dung hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) không cần gặp mặt trực tiếp.

Số hóa ngân hàng: Trong nguy có cơ  - Ảnh 2.

eKYC sẽ mở ra cánh cửa cho ngân hàng số


Chuyên gia khẳng định, chính sách về Open Banking (Ngân hàng mở) và eKYC sẽ cho phép sự tăng trưởng mạnh của các ngân hàng kỹ thuật số. Do đó NHNN cũng cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, xây dựng một liên minh eKYC. Cả Open Banking, hay eKYC sẽ được triển khai hiệu quả nếu có một nền tảng dữ liệu "dày dặn". Đại diện Vụ Thanh toán cho biết, mặc dù hiện nay Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý về Open Banking nhưng thực tế đã có khá nhiều ứng dụng. Như việc ngân hàng đã mở nhiều API để kết nối với các công ty trung gian thanh toán, thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích (điện, nước, hàng không…). Song các API hiện nay mới chỉ là các kết nối song phương giữa ngân hàng và các đơn vị, mà chưa có một tiêu chuẩn chung thống nhất. Triển khai Open Banking đòi hỏi phải rà soát, áp dụng và tuân thủ các quy định liên quan về bảo vệ dữ liệu khách hàng, bảo vệ quyền riêng tư. Thực tế, Việt Nam chưa có văn bản pháp lý ở cấp độ luật hay nghị định điều chỉnh riêng và toàn diện hai vấn đề cốt lõi này liên quan đến Open Banking.

Ông Trần Hồng Thắng - Giám đốc Dữ liệu VietinBank cho rằng, dữ liệu đã cát cứ thì hoàn toàn vô nghĩa. Ở nhiều quốc gia trên thế giới đều đã thiết lập những luật yêu cầu về chia sẻ dữ liệu, bởi chỉ khi chia sẻ thì giá trị dữ liệu mang lại mới tận dụng được triệt để. Câu chuyện chia sẻ dữ liệu được nhìn nhận là nhu cầu bắt buộc, phù hợp với nền tảng công nghệ số. Thực tế, một số nhà băng đã kết nối với các công ty Fintech để gia tăng sản phẩm dịch vụ, khúc mắc rào cản ở đây là liệu dữ liệu khi chuyển sang các công ty Fintech có hợp pháp hay không? Nói như vậy để thấy, dữ liệu cho các ngân hàng, các doanh nghiệp chia sẻ được tường minh hơn thì bắt buộc yêu cầu phải có luật quy định, tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong chia sẻ, kết nối dữ liệu. Lãnh đạo nhiều ngân hàng đều chung quan điểm, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về định danh cá nhân, cũng như có cơ chế chia sẻ thông tin, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm…

Cũng theo ông Thắng, "các ngân hàng không nên triển khai phương thức quản trị dữ liệu như nhau, vì mỗi nhà băng sẽ tuỳ theo chiến lược kinh doanh, chiến lược chuyển đổi số để lựa chọn được phương pháp triển khai phù hợp nhất".

Một khảo sát của Ủy ban Irving Fisher về Thống kê Ngân hàng Trung ương thuộc Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho biết, hơn 80% Ngân hàng Trung ương được hỏi cho biết đang sử dụng dữ liệu lớn, tăng 30% so với năm 2015. Thực tế cũng cho thấy, ngày càng nhiều Ngân hàng Trung ương dùng mô hình dự báo dựa trên dữ liệu lớn để hỗ trợ phân tích kinh tế. Những mô hình này giúp đưa ra những dự báo cập nhật gần như trong thời gian thực (real-time). Phải khẳng định một lần nữa, dữ liệu là tài nguyên mới trong bối cảnh kinh tế số/CMCN 4.0 và ngân hàng sẽ phát triển thành các tổ chức hoạt động dựa trên dữ liệu. Hay nói cách khác, ngân hàng nào nắm và làm chủ được dữ liệu, ngân hàng đó sẽ có lợi thế đi đầu trong chuyển đổi số.

Theo Minh Khôi

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên