Số liệu GDP địa phương: Sẽ không còn “dở khóc, dở cười”
Hiện Tổng cục Thống kê đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2017 trở đi chính thức biên soạn và công bố số liệu GRDP. Theo kế hoạch, năm 2016 Tổng cục Thống kê thực hiện “tính thử” số liệu GRDP cho các địa phương để rút kinh nghiệm cho việc tính chính thức vào năm 2017.
- 17-06-2016TPP giúp GDP VN tăng thêm 33,5 tỷ USD
- 14-06-2016OECD dự đoán GDP Việt Nam đạt 6,3% trong năm 2016
- 20-05-2016GDP quý 2 sẽ vọt qua 6%?
TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ điều này khi trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ về tình trạng chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương.
Theo ông, trong các chỉ tiêu kinh tế thì Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là một trong những chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng, phản ánh giá trị mới của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.
Chỉ tiêu GDP được tính theo 2 loại giá là giá so sánh và giá hiện hành. Mỗi cách tính phục vụ một mục đích nghiên cứu khác nhau. Cụ thể, khi nghiên cứu cơ cấu sản xuất của nền kinh tế, chỉ tiêu GDP được tính theo giá hiện hành; song để đánh giá tốc độ tăng trưởng qua thời gian, chỉ tiêu GDP được tính theo giá so sánh, để loại trừ tác động của sự thay đổi theo giá cả.
Chưa sát thực trạng
Trong những năm gần đây, Cục Thống kê cấp tỉnh tính toán và công bố chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) phục vụ cho yêu cầu quản lý, điều hành về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và phương pháp luận chỉ phù hợp tính cho toàn bộ nền kinh tế, nên phần lớn các nước chỉ tính GDP cho phạm vi cả nước. Nhưng có một số nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… và Việt Nam tính GDP cho phạm vi cấp tỉnh. Chính sự vận dụng “sáng tạo” này đã dẫn đến những con số chênh lệch “dở khóc, dở cười”, TS. Nguyễn Bích Lâm nói.
Ông dẫn chứng, năm 2011, GDP của cả nước do Tổng cục Thống kê công bố, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thống nhất sử dụng chỉ tăng 6,24% so với năm 2010. Trong khi đó, tốc độ tăng Tổng sản phẩm trên địa bàn của địa phương (GRDP) hầu hết đều cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước. Trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ 2 địa phương có tốc độ tăng GRDP thấp hơn cả nước; 61 địa phương khác cao hơn tốc độ tăng 6,24% do Tổng cục Thống kê công bố, trong đó 27 địa phương có tốc độ tăng trên 10%. Nếu theo số liệu GRDP do địa phương tính toán và công bố thì tốc độ tăng GDP của cả nước năm 2011 lên tới 10,81%, gấp 1,73 lần tốc độ tăng chung do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố.
Tương tự, tốc độ tăng GDP của cả nước tính từ số liệu GRDP của các địa phương năm 2012 là 9,13%, gấp 1,74 lần so với tốc độ tăng 5,25% do Tổng cục Thống kê biên soạn. Đáng chú ý là mặc dù năm 2012 kinh tế thế giới và kinh tế nước ta tiếp tục gặp khó khăn, nhưng không có địa phương nào biên soạn và công bố tăng trưởng GRDP thấp hơn tốc độ tăng 5,25% của cả nước, thậm chí vẫn có 21 địa phương tăng GRDP trên 10%.
TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định: Rõ ràng, số liệu GRDP do hầu hết các địa phương biên soạn và công bố những năm gần đây chưa phản ánh sát thực trạng và sát năng lực sản xuất của các địa phương. Những số liệu này đã ảnh hưởng đến chất lượng của nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác của địa phương như: Năng suất lao động xã hội, GRDP bình quân đầu người, cân đối thu chi ngân sách và nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội tổng hợp khác. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Mặt khác, số liệu GRDP tính toán thiếu chính xác này còn ảnh hưởng đến chất lượng số liệu thống kê tài khoản quốc gia nói riêng và hệ thống thông tin thống kê nói chung của cả nước, làm cho các đối tượng sử dụng thông tin thống kê bị lúng túng, giảm sút lòng tin đối với thông tin thống kê và vai trò, vị thế của ngành thống kê.
Kết thúc thời kỳ GDP địa phương
TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, để khắc phục hiện tượng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Đề án này được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến theo hướng tích cực, đó là sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương, đem đến số liệu chất lượng cho mọi đối tượng dùng tin. Trong đó, điểm cốt yếu nhất của đề án là Tổng cục Thống kê trực tiếp biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp và tổ chức thực hiện; tập trung vào ba vấn đề then chốt.
Thứ nhất, xây dựng và chuẩn hóa đồng bộ hệ thống thông tin thống kê phục vụ biên soạn số liệu GRDP, bao gồm: Thông tin từ các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; từ chế độ báo cáo thống kê cơ sở và chế độ báo cáo thống kê tổng hợp; đặc biệt chú trọng đến thông tin khai thác từ hồ sơ đăng ký hành chính.
Thứ hai, kỳ biên soạn và thời gian công bố số liệu GRDP phải phù hợp với nhu cầu sử dụng thông tin, nhưng phải trên cơ sở nguồn lực của ngành thống kê.
Thứ ba, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành và UBND cấp tỉnh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thống kê trong việc triển khai thực hiện đề án. Quyết định đề cập đến việc phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê giữa các bộ, ngành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; củng cố và tăng cường tổ chức thống kê bộ, ngành và sở, ban, ngành của địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, Tổng cục Thống kê đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2017 trở đi chính thức biên soạn và công bố số liệu GRDP. Theo kế hoạch, năm nay, Tổng cục Thống kê thực hiện “tính thử” số liệu GRDP cho các địa phương để rút kinh nghiệm cho việc tính chính thức vào năm 2017. Đồng thời, Tổng cục cũng tiến hành rà soát, tính lại số liệu GRDP thời kỳ 2011-2015, thông báo cho các địa phương làm căn cứ xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm giai đoạn 2016-2020; đồng thời làm năm gốc so sánh để tính GRDP cho địa phương.
TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để những con số phản ánh đúng bản chất của nó, ngoài nỗ lực của ngành thống kê thì sự chung tay, góp sức cung cấp số liệu đầy đủ, xác thực của các ngành, các cấp là rất cần thiết.
Chinhphu.vn