Sợ Mỹ trừng phạt, ba ông lớn ngân hàng Trung Quốc siết giao dịch với Nga: Kremlin thừa nhận gặp vấn đề
Ba trong số các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã ngừng nhận thanh toán từ các tổ chức tài chính Nga bị trừng phạt, một tờ báo Nga đưa tin hôm 21/2.
- 22-02-2024Các nhà khoa học tìm ra chìa khóa phá bỏ rào cản lớn nhất để tạo năng lượng sạch vô hạn
- 22-02-2024Tình cảnh tại bệnh viện ở Hàn Quốc lúc này: Hơn 9.000 bác sĩ bỏ việc, người bệnh mệt mỏi chờ được thăm khám
- 22-02-2024WSJ nói về thảm cảnh ở nước Mỹ: Chi tiêu lương thực cao nhất 30 năm, nhiều gia đình phải chia nhỏ từng miếng bít tết để sống qua ngày
Tờ Izvestia đưa tin, quyết định này được đưa ra bởi các ngân hàng Trung Quốc là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC) do "rủi ro bị trừng phạt thứ cấp" từ Mỹ. Các ngân hàng này lần lượt xếp thứ nhất, thứ hai và thứ tư về tài sản ở Trung Quốc.
Tờ báo Nga cho biết, các giao dịch với các tổ chức tài chính không bị trừng phạt vẫn đang diễn ra.
Theo trang Newsweek (Mỹ), Bắc Kinh và Moscow đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong suốt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cũng như tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2/2022, chỉ vài ngày trước khi chiến sự bắt đầu. Trung Quốc đến nay đã không công khai chỉ trích quyết định tấn công Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây gần 2 năm.
Nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng từ sau khi cuộc xung đột bắt đầu, khi nước này phải chịu hơn 13.000 hạn chế và trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới - theo Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Dự trữ ngoại hối bị đóng băng và Nga bị loại khỏi Mạng lưới viễn thông tài chính liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).
Cán cân thương mại Mỹ - Trung lớn hơn nhiều so với Nga - Trung
Alexey Poroshin - Tổng giám đốc công ty tư vấn và đầu tư First Group (Nga) - nói với Izvestia rằng, trong khi ba ngân hàng Trung Quốc đã thông báo cho khách hàng Nga của họ về động thái này vào tháng 1/2024, thì vấn đề đã bắt đầu vào tháng 12/2023 - sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt gói trừng phạt thứ 12 nhắm vào Nga.
Theo Newsweek, cũng trong tháng 12/2023, Washington đã đe dọa sẽ chặn các ngân hàng nước ngoài tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ nếu thực hiện giao dịch với các doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Ông Poroshin cho biết thêm rằng, các ngân hàng Trung Quốc hiện không sẵn lòng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Nga bị trừng phạt vì cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Trung Quốc và Nga.
Tờ báo kinh doanh Vedomosti của Nga đưa tin, việc ba trong số các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc ngừng nhận thanh toán từ các tổ chức tài chính Nga bị trừng phạt diễn ra ngay sau khi Ngân hàng Thương mại Chiết Giang Trù Châu (CZCB) - ngân hàng hàng đầu Trung Quốc được các nhà nhập khẩu Nga sử dụng - tạm dừng hoạt động tại Nga vào đầu tháng này.
Một chuyên gia nói với Newsweek rằng, động thái này cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc lo sợ vi phạm các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng đến mức nào.
Pavel Bazhanov - một luật sư người Nga, người cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp Nga tại Trung Quốc và các khu vực rộng lớn hơn - cho biết: "Các ngân hàng Trung Quốc cố gắng tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Do đó, để giảm thiểu rủi ro cho chính họ, các khoản thanh toán bằng USD trong hoạt động thương mại với Nga trên thực tế đã chấm dứt, và được thay thế bằng các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc."
Bazhanov cho rằng, Sắc lệnh hành pháp 14114 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ban hành ngày 22/12/2023, "tạo ra nguy cơ mới về các biện pháp trừng phạt thứ cấp" đối với các tổ chức tài chính của Trung Quốc.
"Các ngân hàng Trung Quốc đang tạm dừng hoạt động để đánh giá những rủi ro mới và cập nhật các yêu cầu tuân thủ quy định của họ", ông nói.
Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc
Theo Business Insider, phương Tây đã gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga khi nền kinh tế của nước này tỏ ra kiên cường ngay cả hai năm sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine và phải hứng chịu các hạn chế thương mại sâu rộng. Điều này một phần là do Nga đã chuyển hướng thương mại sang phía đông, đặc biệt là với Trung Quốc và Ấn Độ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp có giao dịch quốc tế của Nga đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các tổ chức tài chính Trung Quốc và đồng nhân dân tệ của nước này kể từ khi một số ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT.
Vì vậy, theo Business Insider, phương Tây hiện đang cố gắng tìm cách phá vỡ nền kinh tế Nga bằng cách nhắm vào các tổ chức quốc tế vẫn đang có hoạt động kinh doanh với nước này.
Theo AFP, Điện Kremlin cũng đã thừa nhận gặp vấn đề với các giao dịch ngân hàng Trung Quốc. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi đầu tháng này nói rằng, Moscow đang "làm việc" với Bắc Kinh để giải quyết vấn đề.
"Chúng tôi có một cuộc đối thoại chặt chẽ với những người bạn Trung Quốc và tất nhiên, chúng tôi sẽ giải quyết mọi vấn đề phát sinh", ông Peskov nói trong cuộc họp báo hôm 7/2.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS hồi tuần trước dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói rằng các nhà băng [Trung Quốc] có thể đã hành động thận trọng quá mức khi một số ngân hàng hạn chế đối tác Nga tiếp cận dịch vụ của họ, thậm chí cắt đứt liên hệ. Hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc, được cho là phương án thay thế MasterCard và Visa, cũng rút lui để tránh rủi ro.
Ông Rudenko tin rằng Bắc Kinh và Moscow sẽ giải quyết được vấn đề. Ông cho hay giao thương mở rộng giữa Nga và Trung Quốc vào năm ngoái hầu như chỉ được thanh toán bằng đồng rúp hoặc đồng nhân dân tệ. Ông khẳng định đây là "minh chứng đầu tiên" cho thấy đôi bên đã xử lý được những vấn đề nói trên.
Đời Sống Pháp Luật