Số người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương còn nhiều, không hợp lý
Tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn phổ biến...
- 30-10-2017Tinh giản biên chế trong mắt Bộ trưởng Nội vụ
- 28-10-2017Sẽ giảm 10% biên chế
- 17-10-2017Một loạt địa phương có bộ máy “phình” to, vượt gần 8.000 biên chế
Sáng nay 30/10, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV tiếp tục. Các đại biểu sẽ tham gia thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016, và “hiến kế” để xây dựng, cải cách tổ chức bộ máy hiệu quả.
Trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo về kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Kết quả giám sát cho thấy, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, không tăng thêm đầu mối, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.
Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều đầu mối. Cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian. Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu, chưa thực hiện đúng yêu cầu trong nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Cụ thể, ngoại trừ Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức phòng trong vụ, vẫn có 16 Bộ, cơ quan duy trì phòng trong vụ, tổng số phòng là 320, trong đó có những vụ có rất nhiều phòng (như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có từ 5 đến 7 phòng/vụ).
Tình trạng Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn phổ biến. Cụ thể có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các bộ ngành.
Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình 1 cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý.
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tăng nhanh (từ 729.509 người giai đoạn tháng 8/2011 lên 837.657 người tại thời điểm tháng 12/2016, tăng 108.148 người), trong khi mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương rất thấp, chỉ 0,2 - 0,3 mức lương cơ sở, gây nhiều khó khăn, tâm tư trong chính đội ngũ này. Ở một số nơi, chính quyền cơ sở còn quan liêu, xa dân, chưa hoàn thành nhiệm vụ, khi xảy ra tình huống phức tạp đều phải do cấp trên xử lý, giải quyết.
Biên chế trong những năm 2014-2016 giảm bình quân 4.000 người/năm nhưng vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, chưa đạt mục tiêu.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. Việc sử dụng lao động hợp đồng làm chuyên môn không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.
Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được đẩy mạnh (năm 2015, cả nước có 30.219 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính, trong đó chỉ có 1.114 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 3,7%), 10.827 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động (chiếm 35,8%) và 18.278 đơn vị vẫn phải do ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm 60,5%)). Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương tăng nhanh (năm 2011 là 1.971.577 người, đến năm 2016 là 2.093.313 người, tăng 121.736 người (5,8%).
Các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước đã từng bước đổi mới phương thức làm việc, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông mang lại nhiều kết quả tốt nhưng thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà; trong xã hội vẫn còn nhiều quan ngại về tính minh bạch, công khai, sự quan liêu, cửa quyền trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Cụ thể, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cho thấy, có đến 66% doanh nghiệp cho rằng họ phải nhờ đến “mối quan hệ” để được tiếp cận thông tin, tài liệu pháp lý và thông tin quy hoạch; 66% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho các cơ quan nhà nước (tăng 2% so với năm 2014 và tăng 16% so với năm 2003).
Trí Thức Trẻ
- Infographic: Những quyết định quan trọng nào đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV?
- Trung ương cắt 10.000 tỉ đồng cho các dự án chống ngập TP HCM
- Bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
- Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại
- Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Bộ Quốc phòng sẽ giữ lại 100% vốn nhà nước tại 17 doanh nghiệp