MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Số thuế TNCN của người lao động thay đổi thế nào với mức giảm trừ gia cảnh mới?

Nếu người lao động có thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng và có một người phụ thuộc thì sẽ không còn phải đóng thuế TNCN từ kỳ tính thuế 2020.

Như BizLIVE đã đưa tin, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 chính thức điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân .

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân sẽ được nâng từ 9 triệu đồng thời gian qua lên mức 11 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế, điều chỉnh tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc kể từ ngày 01/7/2020.

Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ (quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012) khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 sẽ được xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới theo quy định tại nghị quyết này.

Số thuế TNCN của người lao động thay đổi thế nào với mức giảm trừ gia cảnh mới? - Ảnh 1.

Sự thay đổi phần khấu trừ thuế TNCN hàng tháng trước và sau khi có thay đổi mức giảm trừ gia cảnh.


Theo quy định mới này, trong năm 2020, trường hợp cá nhân không có người phụ thuộc thì thu nhập bình quân tháng từ 11 triệu đồng/tháng trở xuống (tương đương 132 triệu đồng/năm) sẽ không còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Với cá nhân có 01 người phụ thuộc thì thu nhập bình quân tháng từ 15,4 triệu đồng/tháng trở xuống (tương đương 184,8 triệu đồng/năm) sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đối với cá nhân có 02 người phụ thuộc thì thu nhập bình quân tháng từ 19,8 triệu đồng/tháng trở xuống (tương đương 237,6 triệu đồng/năm) sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Qua thống kê, có thể thấy, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh có tác động nhiều và rõ rệt nhất tới những đối tượng đóng thuế TNCN ở bậc đầu tiên. Ví dụ, với người có thu nhập bình quân 15 triệu/tháng, số thuế TNCN phải đóng trước khi nâng mức giảm trừ gia cảnh là 4,2 triệu đồng/năm đã giảm hơn 40%, xuống còn 2,4 triệu đồng/năm. Hay với người có thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng và có 2 người phụ thuộc, số thuế TNCN đã giảm từ 2,28 triệu đồng/năm xuống còn 120 nghìn đồng, tương ứng với mức giảm gần 95%.

Với mức thu nhập càng cao, tác động của việc nâng mức giảm trừ càng giảm đi rõ rệt. Ví dụ, với một người có mức thu nhập  trung bình 100 triệu đồng/tháng, mỗi năm đóng hơn 250 triệu tiền thuế TNCN, mức giảm của cả năm cũng chỉ hơn 8 triệu đồng, tương ứng mức giảm khoảng 3,2%.

Theo Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 50 triệu người trong diện nộp thuế TNCN. Mức thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam hiện theo lũy tiến 7 bậc, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35%.

Theo tính toán, dự kiến sẽ có hơn 1 triệu người dân đang đóng thuế TNCN ở bậc 1 sẽ không còn phải nộp thuế ở kỳ tính thuế năm 2020. Đánh giá tác động về mức giảm trừ gia cảnh sau khi được nâng lên, Bộ Tài chính cho biết ngân sách sẽ giảm thu khoảng 10.300 tỷ đồng mỗi năm, tương đương khoảng 12% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019.

Thuế TNCN ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong cơ cấu thu NSNN. Trong hơn 1 thập kỷ qua, nguồn thu này đã liên tục có mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Từ mức chỉ gần 5.180 tỷ năm 2006 đã tăng hơn 20 lần, lên khoảng 110.000 tỷ năm 2019.

Số thuế TNCN của người lao động thay đổi thế nào với mức giảm trừ gia cảnh mới? - Ảnh 2.

Nguồn: Theo Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê

Theo Tuấn Việt

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên