Sôi động dự án BĐS mới tại khu Tây Bắc TP.HCM dịp cuối năm
Thị trường bất động sản TP.HCM những ngày cuối năm liên tục có những dự án mới được ra mắt, trong đó khu Tây Bắc TP cũng có những dự án góp mặt vào thị trường.
Dự án mới rầm rộ xuất hiện
Từ tháng 11 tới nay, thị trường bất động sản Tây Bắc TP.HCM đã rầm rộ xuất hiện thông tin những dự án mở bán mới. Đây được coi là tín hiệu tốt cho thị trường khu vực này, bởi Tây Bắc được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng chưa thực sự phát triển.
Đơn cử như Trần Anh Group vừa công bố một số thông tin về việc bán dự án khu biệt thự biệt lập Bella Villa có tổng vốn đầu tư hơn 700 tỉ đồng, dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường 219 căn biệt thự và 154 căn nhà phố. Tổng diện tích đường nội bố hơn 260 m2, quy hoạch cây xanh đạt hơn 7 ngàn m2 cùng khu thương mại phức hợp với tổng diện tích hơn 5,6 m2.
Dự án xây dựng trên diện tích 9,2ha tại trung tâm thị trấn Đức Hòa tỉnh Long An. Đây cũng là dự án biệt thự đầu tiên tại khu Tây Bắc, với việc dự án xây dựng khép khín, có sổ đỏ và được bảo lãnh ngân hàng cùng việc xây dựng mô hình dự án đa phần là mảng xanh cũng như khu vui chơi giải trí, mua sắm và có hệ thống kênh bao quanh đang tạo cho thị trường khu vực một sự phát triển mới của dòng sản phẩm bất động sản cao cấp.
Cũng theo phía Trần Anh Group cho biết đơn vị này đang tiến hành phát triển tất các điều kiện cần thiết để cho ra thị trường các sản phẩm mới đa dạng hơn trong năm 2018.
Ngoài ra, giai đoạn 2 dự án Kingsway Tower, Bình Tân cũng chính thức được triển khai tại quận Bình Tân TP.HCM. Dự án nằm trong quy hoạch giải tỏa giai đoạn 1 với diện tích 12ha của khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa. Sau thành công giai đoạn 1 đã bàn giao cho khách hàng thì dự án tiếp tục phát triển giai đoạn 2.
Sự phát triển của khu Tây Bắc TP.HCM còn đến từ những dự án phát triển trước đó như Cát Tường Phú Sinh của Cát Tường Group. Dự án rộng 110ha tại Đức Hòa. Hay tại khu đô thị Vĩnh Lộc A quận Bình Tân cũng đang bức phá với hàng loạt khu đất nền mới giao dịch…
Bên cạnh đó, việc tái khởi động những dự án khu đô thị Tây Bắc (quận 12, Củ Chi, Hóc Môn) thành khu đô thị vệ tinh của thành phố nhằm mục tiêu phát triển kinh tế và giãn dân đã được UBND TP.HCM công bố tại cuộc họp tổng kết tình hình Kinh tế - Xã hội năm 2017 của TP.HCM mới đây tạo cho thị trường này một đòn bẩy mới.
Trong đó, có những dự án lớn như Khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) do Công ty Berjaya Land Berhad làm chủ đầu tư được UBND TP.HCM cấp phép từ năm 2008 có diện tích 925 ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Dự án hứa hẹn sẽ tạo diện mạo mới cho khu vực Tây Bắc thành phố.
Với tiềm lực tài chính hùng hậu của chủ đầu tư đến từ Malaysia, nhiều người tin rằng khu vực sẽ "lột xác" toàn diện khi chủ đầu tư dự kiến chi khoảng 3,5 tỷ USD để thực hiện dự án. Và sau thời gian dài chậm triển khai thì tới giữa năm 2017 UBND TP.HCM cũng có những thông tin về việc tái khởi động dự án này trong năm 2018.
Hay như dự án khu đô thị mới An Phú Hưng của Công ty TNHH MTV An Phú có tổng diện tích hơn 650 ha, nằm trải dài trên 2 xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì của huyện Hóc Môn. Khi bắt đầu triển khai đầu tư, chủ đầu tư kỳ vọng sẽ xây dựng An Phú Hưng không thua kém khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ở Q.7. Theo khảo sát thì tới thời điểm này, dự án bắt đầu tái khởi động việc đền bù giải phóng mặt bằng để xay dựng.
Thêm đòn bẩy hạ tầng giao thông
Trước những năm 2015, hạ tầng giao thông khu vực Tây Bắc TP.HCM được xem là kém nhất TP.HCM. Tuy nhiên, nhờ chính sách quy hoạch, mở rộng giao thông, kết nối các tỉnh lân cận vào TP.HCM và kết nối các quận, huyện vùng ven vào trung tâm thành phố. Kết hợp chính sách dãn dân, đưa người dân về vùng ven các quận sinh sống và siết chặt đăng ký hộ khẩu mới cho các quận trung tâm thành phố, khu vực Tây Bắc TP.HCM đã khoác lên mình bộ mặt mới.
Chẳng hạn, bộ mặt giao thông khu Tây Bắc đã phát triển mạnh mẽ và xuất hiện những dự án giao thông ngàn tỷ đồng, như hầm chui giao lộ An Sương (quận12 - Hóc Môn đi tỉnh Long An, Tây Ninh); tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) nối Bến Thành quận 1 về đường Trường Chinh và tới Bến xe An Sương; tuyến đường vành đai 4 với tổng chiều dài toàn tuyến 35,8 km.
Giao thông mở rộng đang là đòn bẩy cho thị trường Tây Bắc.
Khi các công trình giao thông khác như tuyến xe buýt nhanh – BRT số 1 được xây dựng sẽ giúp cho việc lưu thông của người dân sinh sống ở khu vực phía Tây với TP.HCM dễ dàng hơn.
Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kĩ thuật cũng được chú trọng đẩy mạnh, phục vụ đời sống của người dân khu vực Tây Bắc như: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, hệ thống siêu thị, làng đại học Quốc tế Tây Bắc, sân Golf, công viên...
Một đòn bẩy nữa là năm 2018, TP.HCM bỏ chính sách hộ khẩu trong tuyển lao động tại những lĩnh vực mà trước kia phải có hộ khẩu TP.HCM mới được vào làm việc. Điều này tạo cho khu Tây Bắc một cơ hội phát triển mới, khi quỹ đất rộng, giá đất rẻ, lại giáp với tỉnh Long An - nơi thị trường bất động sản đang phát triển rất mạnh mẽ.
Ngoài ra, chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở mà TP.HCM đưa ra áp dụng trong năm nay cũng là đòn bẩy quan trọng cho thị trường bứt phá lớn bởi đa phần đất nông nghiệp của TP.HCM nằm tại các quận, huyện của khu Tây.