Soi mói và ghen tị với người khác không "mài" ra tiền cho bạn: Muốn giàu có, muốn thành công cần nỗ lực chứ không phải sự đố kỵ!
Bạn ghen tị khi người khác có nhiều thứ hơn bạn, rồi sinh ra đố kị. Nhưng bạn đâu ngờ lòng đố kị là nguồn gốc của những chuyện thị phi. Thay vì ghen tị với người khác và cho rằng cuộc đời quá bất công với mình, sao không nỗ lực hơn nữa, tìm kiếm những cơ hội mới?
- 18-10-2018Bại tướng của "độc cô cầu bại" Mayweather ký hợp đồng khủng nhất lịch sử thể thao, kiếm gần 5 tỷ đồng/ngày
- 18-10-2018Đây là lí do hầu hết mọi người không đạt được mục tiêu của cuộc đời, đừng để những sai lầm này giết chết hoài bão tương lai của chính bạn
- 18-10-2018Cuộc đời bạn đáng giá bao nhiêu, chỉ cần nhìn vào điều này là tỷ phú Warren Buffett sẽ biết
Hôm nay tôi vừa nhận ba thực tập sinh vào công ty thực tập để hoàn thành báo cáo tốt nghiệp và một trong số đó có N. là con trai sếp. Vì là con sếp và nghĩ rằng mình được ưu tiên hơn nên chỉ sau vài ngày cậu liền kêu ca chán nản và thường làm việc qua loa cho xong.
Ngày ngày, tôi đều thấy chiếc xe hơi bóng loáng đỗ ngay trước cửa công ty. Rồi sếp bước xuống xe cùng cậu. Vì bố là giám đốc công ty nên cậu cho mình cái quyền được đi trễ về sớm như bố cậu hay làm.
Một ngày kia, tôi về trễ nên đành chờ chuyến xe buýt tiếp theo thì tôi vô tình nghe hai thực tập sinh kia nói chuyện. Một người nói: "Mai tớ không làm nữa đâu, tại sao cùng là thực tập sinh mà chúng ta thì làm cực khổ còn N thì không? Thật không công bằng". Tưởng rằng chuyện nhỏ nên tôi không đếm xỉa tới.
Thế nhưng vài ngày sau, trong giờ ăn trưa, một trong hai người còn lại tỏ ra vô cùng phẫn nộ. Người giám sát họ mới nói rằng nếu hai cậu bé muốn được như N thì hãy tới công ty của ba mẹ các cậu làm việc, các cậu cũng sẽ được tiếp đón và đối xử như N.
Trong hoàn cảnh nào người ta cũng so sánh với người khác và điều này dễ sinh ra sự đố kỵ và ganh ghét. Chúng ta chắc không lạ gì chuyện đi học thì ghen tị điểm số, đi thực tập thì ghen tị nhiệm vụ được giao, đi làm thì ganh đua lương bổng...
Nhìn ba em thực tập, tôi lại nhớ lần đầu bước chân vô công ty để xin thực tập. Tôi cùng với hai bạn khác xin vào công ty. Thoạt nhìn hai cô này, tôi cảm thấy không tự tin vì hai cô đều đẹp, ăn mặc sành điệu và có tài ăn nói.
Một lần, họ rủ tôi cùng đi ăn trưa trong một nhà hàng gần công ty. Tôi có vẻ ái ngại thì họ bảo nhân viên công ty hay đến đây dùng cơm trưa thì tại sao mình lại không đi. Nghĩ cũng lạ, thực tập sinh thì làm gì có nhiều tiền. Có chăng là tiền ba mẹ làm lụng vất vả mới có. Vậy mà số tiền đó chi hết vào một bữa trưa. Họ còn nói làm như vậy mới bằng các đồng nghiệp khác.
Chúng ta tưởng rằng mình đang chạy đua với người khác, hay tưởng rằng mình đang tranh giải trong một trận thi đấu nhưng không phải. Chúng ta tưởng rằng cái gì cũng công bằng nhưng đáng tiếc là không phải. Nếu điều gì đó có thể thay đổi được, thì hãy thay đổi. Nếu không làm được thì hãy học cách chấp nhận điều đó.
Chúng ta đều có thời gian rảnh. Người khác làm gì vào thời gian rảnh đó là quyền của họ và bạn cũng vậy. Nếu bạn dành khoảng thời gian đó để lên mạng xã hội, xem phim các kiểu trong khi những người khác dành thời gian rảnh để học thêm hay đọc sách thì bạn đừng ghen tị tại sao tiền lương của họ mỗi tháng hàng chục triệu còn bạn thì bèo bọt.
Hay có những người ở nhà không đi làm, bạn lại cảm thấy mình hơn họ vì mình có công việc ổn định khiến họ ghen tị nhưng bạn đâu biết họ xin nghỉ làm để đi du lịch, tạm tránh xa cuộc sống xô bồ.
Có những thứ không cần thiết phải có. Cái chính là hãy làm tốt công việc bạn đang có, giữ gìn cẩn thận những gì thuộc về bạn. Bạn cũng nên biết rằng người khác có được những gì đó là việc của họ. Như câu chuyện trên, bạn thấy người khác có thân phận tốt, được đối xử tốt thì lại ghen tị với họ, làm việc cẩu thả để rồi bị phê bình, hoặc bị đuổi. Vậy bạn mất nhiều thứ chứ không phải ai khác.
Thay vì ghen tị với những gì người khác có, tại sao không nghĩ cách làm cho mình tốt hơn, mình đáng giá hơn, để sau này con cái còn có cuộc sống tốt hơn.
Thay vì cho rằng thành công của người khác có được là nhờ quen biết, là ngẫu nhiên, tại sao không xem xét coi họ đã làm như thế nào để có được, qua bài học thành công đó bạn đã học được điều gì.
Thay vì gượng ép bản thân, vậy sao không sống hết mình với đam mê và khát vọng của bản thân.
Hãy bước đi và đừng dừng lại. Lúc bạn chưa tìm được phương hướng của riêng mình, hãy làm đủ việc chứ đừng trì hoãn, biết đâu bạn sẽ tìm được đam mê của mình. Nếu bạn trì hoãn thì sau này bạn có tìm ra được hướng đi thì cũng không kịp làm chúng.
Nếu bạn luôn phàn nàn về sự không công bằng đối với những việc mà bạn không thể thay đổi, hay những chuyện mà bạn nghĩ không thông suốt... thì sự đố kị trong bạn cũng dần lớn lên.
Cuộc sống vốn dĩ không công bằng, cho dù bạn có than vãn hay phàn nàn thì cũng không thể thay đổi theo ý bạn. Nếu bạn không thể thay đổi được điều đó, thì ít nhất hãy bắt đầu từ việc thay đổi bản thân mình.
Trí thức trẻ