MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Soi" tham vọng thống trị ngành robot của Trung Quốc: Cường quốc thế giới hay bong bóng robot?

26-04-2017 - 08:58 AM | Tài chính quốc tế

E-Deodar, một robot trông giống con người phục vụ café cho các nhân viên văn phòng có giá 15.000 USD, rẻ hơn 1/3 so với các sản phẩm cùng loại mang thương hiệu nước ngoài, là một trong những công nghệ robot tối tân mà Trung Quốc làm ra từ Trung tâm sản xuất ở Đồng bằng Châu Giang.

Cách đó 1.900 km ở phía bắc, trong một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh, một con robot giống nhện lao xuống từ khung, bắt một cuốn sách đang chạy trên băng chuyền và bỏ nó vào thùng. Nó có thể sắp xếp được 3.600 vật thể/giờ, năng suất gấp 4 lần so với một người. Đây chỉ là một phần mà công ty thương mại điện tử JD.com đang phát triển để tự động hóa kho hàng.

Đẩy mạnh ngành công nghiệp robot

Trung Quốc đang dành những thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho robot hóa, giống cách họ đã làm để đẩy mạnh phát triển tàu cao tốc và năng lượng tái tạo. Các nhà hoạch định kinh tế xem đó như một bước tiến để đạt tới các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn, bao gồm chiếm ưu thế ở thị trường mới nổi về trí tuệ nhân tạo, phát triển xe tự lái….

Colin Angle, Tổng giám đốc hãng chế tạo iRobot có trụ sở ở Massachusetts, Mỹ, cho rằng: “Trong quá khứ, Trung Quốc đã gặt hái được những thành tựu tuyệt vời trong vai trò người đi sau nhưng có thành quả lớn. Câu hỏi hiện nay là liệu họ có khả năng đổi mới”.

Đứng trên con đường được tạo thành bởi các siêu cường robot như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Mỹ, Trung Quốc vẫn có 3 lợi thế lớn là quy mô, đà tăng tưởng và tiền bạc. Quốc gia này cũng là nơi mà thị trường robot phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2013, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trong tỷ lệ bán hàng nội địa.

Thành công nằm ở những chính sách cụ thể, chẳng hạn như tỉnh Quảng Đông năm 2015 công bố hỗ trợ 137 tỷ USD cho khoảng 2.000 công ty địa phương trong các lĩnh vực chế tạo robot và các nhà sản xuất có kế hoạch tự động hóa dây chuyền. Chính sách ưu tiên cho tự động hóa là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Trung Quốc.

Để đạt được những thành tựu này, Trung Quốc đề ra chiến lược hai mặt. Chính phủ Trung Quốc muốn các nhà sản xuất robot địa phương mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài nắm vị trí lãnh đạo cho thị trường 11 tỷ USD này. Theo Gudrun Litzenberger, tổng thư ký của Liên đoàn Robot quốc tế, nhu cầu robot của các công ty Trung Quốc được kỳ vọng tăng tới hai con số. Năm 2016, Trung Quốc tạo ra 90.000 robot mới, tăng 30% so với năm trước và tương đương 1/3 sản lượng robot thế giới.

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc vượt xa những con robot chỉ biết lắp ráp hay hàn. Đầu năm nay, giới chức Trung Quốc triển khai một con robot có khả năng kiểm soát ô nhiễm tại Nhà ga tàu điện phía đông Trịnh Châu – một trong những đô thị đông đúc nhất đất nước. Ngoài ra, một robot khác của Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục thế giới mới khi lặn xuống 6.329 ở khu vực có tên Rãnh Mariana.

Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thực hiện một cuộc cách mạng robot. Năm ngoái, ông được một robot chào đón khi thăm một viện khoa học hàng đầu ở tỉnh An Huy. “Tôi rất vui khi gặp ngài, thưa Chủ tịch. Xin chúc ngài luôn vui vẻ”, Jia Jia, robot được mệnh danh là nữ thần với diện mạo tuyệt đẹp, chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Những thách thức trên quy mô toàn cầu

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất chạy theo tham vọng robot hóa. Năm 2015, ở Trung Quốc, chỉ có 49 robot trên 10.000 công nhân. Cùng kỳ tại Mỹ là 176, Đức là 301 và Hàn Quốc là 531. Dẫu vậy, nếu tham vọng của Trung Quốc thành hiện thực, Bắc Kinh có thể chặn các nhà máy rời bỏ quốc gia này.

Theo kế hoạch mở rộng “made in China 2025” cũng như kế hoạch 5 năm về robot hóa được đưa ra hồi tháng 4 năm ngoái, Bắc Kinh sẽ tập trung vào tự động hóa các ngành then chốt của nền kinh tế, bao gồm sản xuất ô tô, điện tử, thiết bị gia dụng, hậu cần và sản xuất thực phẩm. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng muốn tăng tỷ lệ robot hóa có thương hiệu bản địa lên 50% tổng lượng hàng bán vào năm 2020 so với 31% như hiện nay.

Các nhà sản xuất robot và công ty tự động hóa sẽ được hưởng trợ cấp, khoản vay lãi suất thấp, miễn thuế và miễn thuế sử dụng đất. Dường như, nhà chức trách Trung Quốc nhận ra tự động hóa công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng với Trung Quốc, quốc gia với dân số đang ngày càng già cỗi cùng lực lượng lao động đang dần bị thu hẹp.

Trung Quốc nỗ lực tăng năng suất khi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ trên khắp thế giới. Ngoài ra, nhu cầu robot ở Trung Quốc cũng rất lớn. Tuy nhiên, nhiều công ty của Trung Quốc vẫn phải nhập link kiện từ Siemens hay Fanuc. Câu hỏi đặt ra là liệu các robot của Trung Quốc có đủ tinh vi để cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.

Chai Yueting, Giám đốc phòng thí nghiệm Quốc gia chuyên về công nghệ thương mại điện tử của Đại học Tsinghua, nhận định: “Trung Quốc có rất nhiều công ty robot. Tuy nhiên, công nghệ của họ thường tới từ Nhật Bản hay Mỹ. Công nghệ robot riêng của Trung Quốc vẫn được đánh giá là hạn chế”.

Chai dự đoán, khoảng một nửa công ty sản xuất robot của Trung Quốc sẽ ngừng hoạt động. Một ngành công nghiệp đang quá tải là điều mà chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận. Thứ trưởng Bộ Công nghệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Xin Guobin cũng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc tràn ngập robot cấp thấp.

Bỏ lại nhu cầu nội địa của Trung Quốc cũng như tham vọng của chính phủ, Chai dự đoán khả năng robot Trung Quốc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu là hạn chế. Tuy nhiên, E-Deodar sớm thể hiện quyết tâm cạnh tranh trên quy mô toàn cầu nên tạo ra môi trường làm việc như Thung lũng Silicon để thu hút các chuyên gia hàng đầu. Công ty này cũng tập trung phát triển những lĩnh vực mà Trung Quốc thường vẫn phải nhập khẩu.

Hiện tại, E-Deodar đã thu được những thành quả đầu tiên. Dự kiến doanh thu năm 2017 sẽ đạt khoảng 50 triệu tệ (7,27 triệu USD), gấp 5 lần so với năm 2016. Hiện tại, công ty này xuất khẩu khoảng 40 robot/tháng. Trong khi đó, nhiều công ty khác của Trung Quốc cũng đang tập trung vào lĩnh vực này và gặt hái được những thành tựu đầu tiên.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên