"Soi" thuế của TikToker, YouTuber… Bộ Tài chính nói không phân biệt
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ khai thác danh sách các cá nhân là người nổi tiếng, người sáng tạo nội dung để thực hiện kiểm tra tính tuân thủ pháp luật thuế.
- 08-01-2025Apple điêu đứng vì AI tự tung “tin giả”
- 08-01-2025Người dân có phải đổi thẻ căn cước khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
- 07-01-2025Lập nhóm Zalo, dùng “tiếng lóng” để báo chốt giao thông
Trả lời liên quan đến việc kiểm tra thuế đối với những người nổi tiếng, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, theo quy định pháp luật, tất cả doanh nghiệp tổ chức, cá nhân không phân biệt người nổi tiếng nếu có phát sinh các khoản kinh doanh có điều kiện thì đều phải tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm với ngân sách nhà nước.
"Cơ quan thuế có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ cũng như có những giải pháp thanh kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có để đảm bảo công bằng, minh bạch với người nộp thuế", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, tThời gian qua, với nhóm người nổi tiếng tham gia livestream, bán hàng tiếp thị liên kết... cơ quan thuế đã có những giải pháp, chỉ đạo cơ quan các cấp có những biện pháp tăng cường quản lý. Bao gồm công tác tuyên truyền, hỗ trợ, xây dựng mạng lưới thương mại điện tử cho các cá nhân trong nước, tài liệu hướng dẫn kèm theo… để đảm bảo có đủ cơ sở dữ liệu của những người nộp thuế này.
Theo ông Mai Sơn, vừa qua, cơ quan thuế tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do đây là hai địa phương phát triển mạnh về dịch vụ, giải trí, văn hóa, kinh doanh và thương mại điện tử. TP Hồ Chí Minh đã thực hiện kế hoạch và bước đầu có số liệu những người nổi tiếng có hoạt động thương mại điện tử và đưa vào kiểm tra trong năm 2025.
Cụ thể hôm 24/12/2024, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, cơ quan này cho biết đã thành lập tổ khai thác danh sách các cá nhân là người nổi tiếng, người sáng tạo nội dung (các YouTuber, TikToker, KOC, KOS, KOL) và các cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube... để thực hiện kiểm tra tính tuân thủ pháp luật thuế.
Cơ quan thuế cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra thuế đối với các cá nhân là những người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng từ nền tảng số có thu nhập phát sinh từ hoạt động thương mại điện tử, thu nhập tiền lương, tiền công. Đợt 1, thí điểm cho 35 cá nhân là nghệ sĩ, người nổi tiếng, nhiều người đã kê khai và nộp trên 1 tỷ đồng/người.
Còn với Hà Nội cũng đã tuyên truyền tới những cá nhân có hoạt động livestream bán hàng, đăng ký kê khai nộp thuế. Cơ quan thuế đã tổ chức những buổi mời gặp hỗ trợ các chính sách, hướng dẫn việc kê khai.
Trong đó, xác định tổng thu từ hoạt động thương mại điện tử trên toàn thành phố Hà Nội năm 2024 là 900 tỉ đồng và số thuế đã nộp hiện nay là 13 tỉ đồng. Danh sách người có doanh số lớn đã được cơ quan thuế Hà Nội đưa vào để thực hiện công tác thanh, kiểm tra.
"Thống kê trên cả nước, số cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên diện rà soát là 76.428 cá nhân; số đã xử lý vi phạm là 30.029 cá nhân với số tiền truy thu, xử phạt là 1.223 tỉ đồng", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn thông tin.
Năm 2024 đã thu 116.000 tỷ đồng thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2024, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngày 19/12/2024, ngành Thuế đã triển khai Cổng Thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với các tính năng cơ bản như: đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, tra cứu; hướng dẫn sử dụng, tiếp nhận phản hồi từ người nộp thuế; tự động hóa và tích hợp hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện nghĩa vụ thuế, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ, cá nhân kinh doanh cũng như tự động tính mức thuế dựa trên doanh thu mà người nộp thuế kê khai, giúp người kinh doanh dễ dàng theo dõi, nắm bắt số thuế phải nộp và chủ động thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
VTV