Sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng.
- 11-05-2020Giá thịt lợn vẫn ở mức cao khiến giá giò chả tại các chợ cũng "nhảy múa" liên tục, chả mỡ từ 110 nghìn đồng/kg tăng lên đến 160 nghìn đồng/kg
- 10-05-2020Chủ nhật 10/5: Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh vẫn cao, người tiêu dùng "đỏ mắt" mong ngày giảm giá
- 07-05-2020Thịt lợn nhập khẩu rao bán tràn lan trên chợ mạng, giá "loạn"
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I năm 2020.
Theo đó, để kiểm soát tốt giá thịt lợn trong thời gian tới, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường, quy định của pháp luật và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp đảm bảo nguồn cung và kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng.
Thủ tướng tiếp tục yêu cầu bình ổn giá thịt lợn
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý III. Theo dõi, tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng lợn thịt (đủ tiêu chuẩn xuất chuồng theo quy định để giết mổ, cung cấp ra thị trường) trong từng tháng để từ đó chủ động có phương án điều hòa cung - cầu thịt lợn.
Chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá bán lợn hơi và việc cung ứng số lượng lợn hơi. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước kiểm tra giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá lợn hơi về mức hợp lý như chỉ đạo trên.
Kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng. Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập và xử lý vi phạm theo pháp luật (nếu có) trong khâu lưu thông, phân phối nhằm giảm thiểu các khâu trung gian gây tác động tiêu cực làm đẩy chi phí lưu thông trong giá bán tăng lên tiến tới hoàn thiện một hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí trong khâu lưu thông về mức hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng, đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán của các thương nhân mua bán thịt lợn và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá cao; giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa và xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu lợn sống và thịt lợn trái phép.
Chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp, khuyến khích yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ, các siêu thị triển khai chương trình bình ổn mặt hàng thịt lợn. Mở rộng cung ứng ra thị trường bán lẻ từ nguồn thịt lợn nhập khẩu từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu, định hướng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt từ nguồn nhập khẩu.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý để thúc đẩy việc nhập khẩu thịt lợn.
Doanh nghiệp bác thông tin ngừng bán lợn hơi
Trước thông tin thương lái cung cấp, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam sẽ dừng bán heo hơi từ ngày 15/5, hôm nay, đại diện CP. Việt Nam chính thức lên tiếng bác bỏ.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết, đơn vị này hiện cung cấp ra thị trường mỗi ngày 15.000 - 17.000 con heo, giá heo hơi là 70.000 đồng/kg và 97.000 đồng/kg đối với heo mảnh.
Hiện tại, C.P Việt Nam đang tổ chức giết mổ heo khoảng hơn 20% tổng lượng heo xuất bán mỗi ngày và cung cấp cho chuỗi hơn 700 cửa hàng CP Porkshop của công ty. Theo ông Huy, giải pháp doanh nghiệp trực tiếp giết mổ, cung cấp thịt heo mảnh trực tiếp đến người bán lẻ nhằm mục đích kéo giá thành thịt heo giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg so với giá thị trường.
Trước đó, xuất hiện thông tin từ một số thương lái cho biết, C.P Việt Nam sẽ ngừng bán heo hơi từ ngày 15/5. Nếu như vậy, giá heo hơi trên thị trường dự báo bị đẩy lên, thậm chí vượt mức 100.000 đồng/kg. Thông tin trên cũng được các thành viên trong Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đặt nghi vấn.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam một lần nữa khẳng định, không có chuyện công ty này ngừng bán heo hơi. Theo đó, lượng heo hơi bán ra không đổi, nhưng phía C.P Việt Nam sẽ tăng cường bán heo mảnh (không đầu, lòng) trực tiếp đến các điểm bán thịt heo nhằm giảm bớt khâu trung gian, giúp bình ổn giá bán thịt heo ngoài thị trường.
Tiền phong