MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống cùng bố mẹ, không mất tiền nhà nhưng tháng nào cũng hết sạch tiền

13-10-2023 - 15:35 PM | Lifestyle

Thiếu kiểm soát tài chính cá nhân, chi tiêu nhiều cho mong muốn là 2 trong những lý do khiến một số người trẻ không thể tiết kiệm tiền.

Vừa mới ra trường lương thấp, chưa học cách chi tiêu

Minh Hằng (22 tuổi, nhân viên văn phòng) bắt đầu đi làm từ đầu năm nay. Cô bạn từ vị trí thực tập nay đã trở thành nhân viên chính thức với mức lương 7 triệu/tháng. Hiện tại, cô bạn đang sống cùng với bố mẹ và gần như không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào liên quan đến nhà cửa như tiền thuê nhà hay hóa đơn điện nước. Dù vậy, Minh Hằng mỗi tháng hầu hết đều không thể tiết kiệm. 

“Vừa mới ra trường đi làm có tiền, lần đầu có cảm giác khá tự do về mặt tài chính nên mình chi tiêu khá thoáng tay. Mình thường xuyên đi ăn với bạn bè, mua sắm đồ trên mạng. 7 triệu chỉ để ăn chơi nghe thì nhiều nhưng tháng nào mình cũng đi du lịch với bạn bè nên gần như không còn dư đồng nào". 

Cô bạn chia sẻ rằng mỗi tháng đều chi ra 1,5 triệu đồng mua quần áo mới và đồ trang điểm; 1,5 triệu đi ăn với bạn bè vì Minh Hằng khá thích tụ tập; 500 nghìn cho tiền xăng xe; 500 nghìn ăn sáng; 2,5 triệu đi du lịch và 500 nghìn cho những khoản lặt vặt khác. Dù sống cùng bố mẹ, bữa trưa mang cơm từ nhà đi nhưng cô bạn gần như không để dành được bất kỳ khoản tiền nào. 

“Mình nghĩ lý do không chỉ xoay quanh việc lương thấp mà còn vì mình chỉ nghĩ đến tiêu tiền chứ không tiết kiệm. Với tâm lý mới ra trường, mình rất muốn tự thưởng bản thân và tận hưởng cuộc sống được làm người lớn này". 

Sống cùng bố mẹ, không mất tiền nhà nhưng tháng nào cũng hết sạch tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Pinterest

Dù sống chung vẫn gửi tiền nhà cho bố mẹ, tính chất công việc phải đi ăn ngoài nhiều 

Ngọc Ánh (23 tuổi, nhân viên marketing) hiện nay vẫn đang sống cùng bố mẹ ở Hà Nội. Thu nhập khoảng 10 triệu/tháng. Khác với Minh Hằng, cô bạn vẫn gửi bố mẹ 3,5 triệu tiền nhà, điện nước và tiền ăn uống. 

“Đó không phải là một con số lớn. Trên thực tế, nếu mình sống riêng, từng đó tiền có lẽ chỉ đủ thuê nhà và chi trả điện nước, tất nhiên là trong trường hợp sống cùng bạn bè. Tuy nhiên, mình nghĩ bản thân đã đi làm hơn 1 năm và nên gửi bố mẹ một số tiền trong chi phí sinh hoạt hàng ngày. Để bố mẹ nuôi hoàn toàn khiến mình cảm thấy không thoải mái". 

Sau khi gửi bố mẹ, cô bạn còn khoảng 6,5 triệu đồng, mỗi tháng trích được khoảng 1 triệu đồng phòng trừ những trường hợp khẩn cấp. Ngọc Ánh chia sẻ rằng do tính chất công việc cần ra ngoài gặp gỡ mọi người nhiều nên luôn phải chi tiêu cho việc ăn uống, cà phê hàng quán. Chưa kể, cô bạn cũng phải mua thêm quần áo để phục vụ công việc. Do vậy,  có những thời điểm cô bạn gần như không tụ tập bạn bè, ai rủ cũng đều từ chối vì dành tiền cho gặp gỡ công việc.

 “Công việc mình phải thường xuyên đi gặp đối tác tuy nhiên không phải lần nào cũng được công ty chi trả. Có khi mình phải bắt xe đi từ Đống Đa sang Mỹ Đình vì không tiện tự đi xe máy cho nên khá tốn kém. Mình gần như không thể tiết kiệm được nhiều dù lý thuyết là ai cũng nghĩ mình sẽ để dành được kha khá nhờ sống với bố mẹ". 

Sống cùng bố mẹ, không mất tiền nhà nhưng tháng nào cũng hết sạch tiền - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Pinterest

Dù sao vẫn nên học cách tiết kiệm 

Hiện nay nhiều người cho rằng còn trẻ nên nỗ lực gia tăng thu nhập thay vì cố gắng tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, Ngọc Ánh cho rằng nên thực hiện song song cả 2 việc dù đúng là tiết kiệm khi lương chưa cao là rất khó. 

“2 tháng trước mình bị đau răng và phải chữa viêm tủy, chi phí hơn 10 triệu đồng. Đó cũng là khoản tiền mình có sau 1 năm đi làm. Tức là sau khi chữa răng mình gần như không có đồng tiết kiệm nào. Đó cũng là lúc mình nhận ra việc tiết kiệm tiền thật sự rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày”. 

Sau đó, Ngọc Ánh cố gắng tăng khoản tiết kiệm mỗi tháng. Mục tiêu gần nhất là tiết kiệm được 6 tháng chi phí sinh hoạt trong quỹ khẩn cấp. Tức là nếu mỗi tháng trung bình chi 6 triệu tháng, cô bạn cần tiết kiệm được 36 triệu đồng. Quỹ này dùng để phòng tránh những trường hợp bất ngờ như thất nghiệp hay ốm đau cần sử dụng nhiều tiền. Hiện tại, Ngọc Anh đã tìm thêm một công việc part-time để gia tăng thu nhập, đồng thời hạn chế những buổi gặp mặt ăn uống không cần thiết. 

Còn đối với Minh Hằng, cô bạn cũng lên kế hoạch để kiểm soát chi tiêu và bắt đầu tiết kiệm tiền. Ngoại trừ những chi phí như xăng xe hay ăn sáng, Minh Hằng đã cắt giảm một nửa chi tiêu cho mong muốn để “bỏ lợn”. 

Trong đó, thay vì mỗi tháng đều đi du lịch như trước, hiện tại cô bạn chỉ đi chơi xa 2 tháng/lần. Cô bạn cũng hạn chế mua sắm quần áo mới cũng như đi ra ngoài ăn uống. “Bây giờ, mỗi khi nhận lương, mình đều chuyển vào tài khoản tiết kiệm online trước khi chi tiêu. Mình sẽ cố gắng xoay xở với khoản tiền còn lại. Có đôi lúc sẽ bị thâm hụt nhưng đó cũng là cách để mình tự học cách kiểm soát chi tiêu tốt hơn”. 

Theo Tô Diệp

Phụ nữ số

Trở lên trên