MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống lại tinh thần khởi nghiệp những ngày đầu với 1 triệu người dùng ePass và tham vọng tiếp theo của VDTC

Sống lại tinh thần khởi nghiệp những ngày đầu với 1 triệu người dùng ePass và tham vọng tiếp theo của VDTC

Trước đây, rất ít người tin là VDTC sẽ có thể làm được điều gì khi việc thực hiện thu phí không dừng quá khó và các đơn vị khác đã mất hơn 5 năm mà vẫn lỗ. Trong khi đó, VDTC đạt cột mốc 1 triệu người dùng với chưa đầy 1 năm.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) Bùi Trình tâm sự: "Viettel bao giờ cũng làm khác mọi người nghĩ. Bất cứ việc gì mà làm theo cách mọi người nghĩ thông thường thì kết quả cũng không thể khác biệt, không tạo được sự sửng sốt cho mọi người".

Sau gần 1 năm triển khi hệ thống ePass, 3 kết quả lớn nhất mà VDTC đạt được là gì?

Sau hơn 5 tháng rưỡi vận hành, chúng tôi cũng không ngờ rằng có thể chuyển cả 35/35 trạm trước ngày 31/12. Toàn bộ công ty cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ trong hệ sinh thái ePass của VDTC (công ty con của Tập đoàn Viettel -PV) đều làm ngày làm đêm. Đó là dấu ấn lớn nhất – giữ đúng được cam kết với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải và cam kết của lãnh đạo Tập đoàn Viettel với Bộ Quốc phòng.

Có những lúc khó khăn nhất, tưởng chừng như không cắt chuyển được dịch vụ, không liên thông được hệ thống, cuối cùng, trong vòng 3 ngày, chúng tôi cũng cắt chuyển được toàn bộ 35/35 trạm thu phí – một tốc độ kinh hoàng.

Sống lại tinh thần khởi nghiệp những ngày đầu với 1 triệu người dùng ePass và tham vọng tiếp theo của VDTC - Ảnh 1.

Thậm chí có thời điểm, hai trưởng phòng gọi điện cho nhau để cầm 1 chiếc vé bay từ Hà Nội vào Bình Thuận để trong tối đó cắt chuyển được trạm. Chưa vận hành được hệ thống thì không thể nào xác định được có bao nhiêu loại vé, mà in thì mất thời gian.

Để được cho phép cắt chuyển, chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ về hạ tầng, phần mềm, kỹ thuật. Tuy nhiên, có những khâu rất nhỏ, như vé chẳng hạn, thiếu thì cũng không thể cắt chuyển.

Không chỉ kỹ thuật, mà cả dự án, kinh doanh… mà là toàn bộ công ty, cũng như cả các đơn vị khác của tập đoàn đều được huy động để cắt chuyển trạm.

Các đơn vị khác 2-3 tháng mới cắt được 1 trạm, mà chúng tôi chỉ 3 ngày cắt chuyển 35 trạm.

Cái được thứ hai, là sau khi cung cấp dịch vụ, những ngày đầu số lượng thuê bao rất lẹt đẹt, nhưng chỉ 2-3 tháng thì tăng dựng đứng và các tháp thông tin trên cả nước đều có hình ảnh ePass. Người người biết đến ePass, cả Tập đoàn dán thẻ ePass. Đến thời điểm này, chúng tôi đạt 1 triệu khách hàng và tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ lên tới 70%.

Chúng tôi có cảm giác sống dậy tinh thần khởi nghiệp toàn Tập đoàn, giống như những ngày đầu Viettel Mobile bắt đầu cung cấp dịch vụ.

Thứ ba, tôi thấy được nhất là đội ngũ, anh em, mặc dù từ rất nhiều nguồn khác nhau, nhưng khi vào đến hệ sinh thái của VDTC, họ cảm thấy đeo thẻ vào cũng thấy tự hào. Họ làm việc quyết tâm, không ngừng nghỉ và tự hào vì là một phần của Viettel.

Trước đây, rất ít người tin là VDTC sẽ có thể làm được điều gì khi việc thực hiện thu phí không dừng quá khó, đồng thời kết quả đạt được cũng không cao. Điều gì giúp VDTC đạt được những kết quả khó tin đó?

Viettel thì bao giờ cũng làm khác mọi người nghĩ. Bất cứ việc gì mà làm theo cách mọi người nghĩ thì kết quả cũng không thể khác biệt, không tạo được sự sửng sốt cho mọi người.

Trước đây, chúng tôi (người Viettel -PV) đi mở mạng ở rất nhiều nước. Khi chúng tôi ra nước ngoài, nhiều người tỏ ý coi thường chúng tôi và không nghĩ rằng chúng tôi có thể làm được. Có những nước chúng tôi đến nơi đã là nhà mạng thứ tư, nhưng chỉ sau 3 năm đã vươn lên số 1. Sau 8 tháng, từ ngày cấp giấy phép, chúng tôi mở mạng với số lượng trạm lớn hơn họ làm trong 5 năm. Nên mọi người nghĩ thì cứ nghĩ, nhưng kết quả mình làm được phải khiến mọi người sửng sốt thì mới tạo được cú hích.

Dòng máu Viettel, quyết tâm của thế hệ lãnh đạo và lịch sử Viettel đã tạo nên những con người Viettel hiện nay. Vì thế, chúng tôi quyết tâm đã làm gì cũng phải đặc biệt, khác biệt, đúng chất Viettel, có sự đột phá, sáng tạo, khác với những tiến trình, lộ trình mà mọi người đang nghĩ.

Sống lại tinh thần khởi nghiệp những ngày đầu với 1 triệu người dùng ePass và tham vọng tiếp theo của VDTC - Ảnh 2.

Sau khi đạt 1 triệu thẻ ePass, mục tiêu tiếp theo của VDTC là gì và kế hoạch để đạt được mục tiêu đó?

Mọi người cũng đã thấy, giao thông ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ như khi tham gia giao thông trên một tuyến cao tốc, mà không biết tuyến này tình hình thời tiết ra sao, lưu lượng như thế nào, đi từ Hà Nội về Hải Phòng dự kiến hết bao nhiêu thời gian… Nhà quản lý của đường cao tốc cũng không biết hình ảnh của tuyến đường đang ra sao, đóng mở bao nhiêu làn thu phí, tai nạn xảy ra ở đâu… Bộ Giao thông Vận tải thì không biết được trên tuyến đường này có bao nhiêu phương tiện lưu thông.

Để nâng cao trải nghiệm cho người tham gia giao thông, người sử dụng, bảo trì, quản lý đường và cơ quan quản lý nhà nước, VDTC mong muốn dựa trên nền tảng ePass, sẽ cung cấp giải pháp nâng cao trải nghiệm cho 3 đối tượng trên.

Giải pháp này trên thế giới có tới 12 miền dịch vụ và các bài toán nghiệp vụ. Họ đã ban hành ra các khung, tiêu chuẩn, định nghĩa, nhưng Việt Nam thì chưa có. Viettel muốn thử nghiệm đi ngược lại. Thay vì chờ ban hành tiêu chuẩn, định nghĩa, khung kiến trúc, thì mình sẽ xử lý những bài toán, vấn đề mà Bộ Giao thông Vận tải, chủ phương tiện và BOT gặp phải.

Ví dụ, đi từ Hà Nội về Hải Phòng, ứng dụng sẽ cho người tham gia giao thông biết sẽ đi mất bao lâu, nên đi cung đường nào, thời tiết ra sao, tai nạn ở đâu, đến đâu thì hạn chế tốc độ, tài khoản thu phí còn bao nhiêu tiền…

Sau này có thể gợi ý cho Bộ Giao thông Vận tải và BOT, để phát triển kinh tế thì phải nâng cấp hạ tầng, mở rộng đường, nhưng nếu chỉ cần một thay đổi nhỏ, như quy định từ 5-7h chiều, phương tiện đi qua thu 100 nghìn đồng, từ 8-10h chỉ hết 70 nghìn thôi thì vừa giảm tải cho đường, vừa không mất chi phí đầu tư mở rộng nâng cấp, mà hoàn toàn chủ động được hành trình.

Chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái giao thông thông minh, tiếp tục phục vụ người dân, đất nước. Đúng nghĩa là smart mobility (di chuyển thông minh) thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tập đoàn đã phê duyệt chủ trương để VDTC được xúc tiến triển khai các dự án giao thông thông minh trên các tuyến đường cao tốc cũng như các bãi đỗ xe, bến cảng, sân bay. Điều này sẽ lại tiếp tục là một thách thức mới với chúng tôi.

Đây cũng chính là một đặc điểm của văn hoá Viettel truyền sang cho VDTC. Mỗi năm đặt ra cho mình một thách thức, một công việc để mình làm thì sẽ luôn luôn làm mới mình, tốt hơn cho bản thân và tốt hơn cho doanh nghiệp.

VDTC gặp khó khăn gì trên hành trình chinh phục các mục tiêu, thách thức mới?

Khó khăn nhất đối với chúng tôi là sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ đầu tư. Nhưng cũng rất may, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đồng ý việc một vài tuyến sẽ không chấp nhận cho xe vào nếu như không thực hiện thu phí không dừng trước 30/06/2022. Phó Thủ tướng hy vọng nâng tỷ lệ sử dụng ETC lên trên 90%. Chắc chắn với những tuyến đã xây dựng và những trường hợp thực tế như thế thì Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư sẽ ủng hộ.

Cảm ơn ông!


Hoàng Hà/ Thiết kế: Hương Xuân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên