MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sông Mekong bị bức tử: Hàng trăm km sông "lùn" đi vài mét, thảm họa đang tới rất gần?

23-12-2019 - 09:32 AM | Tài chính quốc tế

Sông Mekong đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn. Hai bên bờ sông xói mòn nhanh chóng và khoảng nửa triệu người đứng trước nguy cơ mất nhà cửa.

Toàn bộ hệ sinh thái của sông Mekong đang đứng trước những mối đe dọa không thể lường trước, tất cả đều do tình trạng khai thác cát quá đà.

Cát là một trong những tài nguyên được khai thác nhiều nhất Trái đất. Đây là loại nguyên liệu cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp, từ mỹ phẩm, phân bón, sản xuất thép cho tới xi măng; từ xây dựng đường cao tốc cho tới bệnh viện, tất cả đều cần tới cát.

Hàng năm, thế giới khai thác tới 50 tỉ tấn cát và khiến ngành công nghiệp khai thác cát giữ vị trí dẫn đầu trong tất cả các ngành khai khoáng.

Với lượng tài nguyên dồi dào, sông Mekong trở thành "nạn nhân" của nạn khai thác cát không kiểm soát trong nhiều năm qua.

Giáo sư Stephen Darby tại Đại học Southampton, một nhà khoa học về sông ngòi, nói: "Tốc độ khai thác đang ở mức cực kì đáng báo động, chúng ta đang chứng kiến một ngành công nghiệp khai thác tới độ thay đổi cả bề mặt trái đất".

Nghiên cứu của ông Darby ở vùng hạ lưu sông Mekong cho thấy lòng sông đã thấp đi vài mét trên chiều dài hàng trăm km chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, tất cả đều bởi vì nhu cầu khai thác cát.

Sông Mekong bị bức tử: Hàng trăm km sông lùn đi vài mét, thảm họa đang tới rất gần? - Ảnh 1.

Biểu đồ nhu cầu khai thác cát trong giai đoạn năm 1990-2020, Trung Quốc đang khai thác số cát nhiều hơn phần còn lại của thế giới. Nguồn: BBC

Cuộc chiến chống lại "cơn khát cát"

BBC dẫn nguồn Liên Hợp Quốc cho biết, trong 2 thập kỉ qua, nhu cầu cát đã tăng gấp 3 lần bởi cuộc chạy đua xây dựng các thành phố và thị trấn mới.

Chỉ trong giai đoạn từ năm 2011 tới năm 2013, Trung Quốc dùng nhiều cát hơn Mỹ dùng trong toàn bộ thế kỉ 20. Phần lớn cát được Trung Quốc dùng để đô thị hóa các vùng nông thôn.

Cát cũng được sử dụng để lấn biển. Hiện tại, diện tích của Singapore đã lớn hơn 20% so với thời điểm độc lập hồi năm 1965.

"Hàng năm, chúng ta khai thác lượng cát đủ để xây dựng một bức tường cao 27m, rộng 27m và có chiều dài vòng quanh thế giới," Pascal Peduzzi, một đại diện của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, cho biết.

Sông Mekong bị bức tử: Hàng trăm km sông lùn đi vài mét, thảm họa đang tới rất gần? - Ảnh 2.

Nhu cầu khai thác cát ở Trung Quốc bùng nổ vì quá trình đô thị hóa. Ảnh: Getty

Không phải loại cát nào cũng đều sử dụng được. Cát sa mạc quá mềm và mịn để làm xi măng. Loại cát này cũng không thể dùng để làm gương hoặc dùng cho ngành công nghiệp điện tử.

Cát đủ tiêu chuẩn là loại được khai thác từ các mỏ khoáng chất hoặc khai thác từ lòng sông, lòng biển. Hoạt động khai thác như vậy được gọi là khai thác tĩnh hoặc khai thác động.

Ông Peduzzi cho biết khai thác động để lại rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực: "Cát là một phần của hệ sinh thái và đóng vai trò rất quan trọng. Nếu cát bị khai thác kiệt quệ thì đa dạng sinh học sẽ suy giảm trong khi khả năng xòi mòn và nước nhiễm mặn sẽ tăng cao".

Theo tổ chức bảo tồn WWF và Ủy ban Sông Mekong, lòng sông của hai nhánh chính ở đồng bằng sông Cửu Long đã sụt 1,4 mét trong giai đoạn 10 năm trước năm 2008, và mất từ 2 tới 3 mét so với năm 1990.

Trong bài đăng tháng trước, Nghiên cứu Tự nhiên cho biết khai thác cát ở một khúc sông dài 20km là "không bền vững" bởi cát ở sông không thể phục hồi đủ nhanh nhờ quá trình bồi tụ tự nhiên ở thượng nguồn.

Đây không chỉ là mối đe dọa đối với loài người. Sông Mekong cung cấp nguồn cá trong lục địa lớn nhất thế giới, đem tới nguồn thực phẩm cho 60 triệu người sinh sống quanh khu vực đánh bắt. Tổ chức WWF cho biết 800 loài cá và một trong những những quần thể lớn nhất còn sót lại của loài cá heo Irrawaddy (đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng) sinh sống tại đây.

Sông Mekong bị bức tử: Hàng trăm km sông lùn đi vài mét, thảm họa đang tới rất gần? - Ảnh 3.

Tình trạng xói mòn ngày càng nguy hiểm tại sông Mekong.

Sông Mekong không phải là nơi duy nhất có tình trạng khai thác cát quá đà. Tại Kenya và Ấn Độ, đã có những cuộc đụng độ bạo lực vì nguồn tài nguyên này. Theo ước tính, ở 2 khu vực nói trên, mỗi ngày, cát được khai thác ở tốc độ tương đương với 18kg cát cho mỗi người trên trái đất.

Giải quyết vấn đề

Thế giới có sắp cạn kiệt cát hay không? Mark Russell, giám đốc của Hiệp hội Sản phẩm Khoáng sản Anh, cho biết vấn đề không phải là số lượng cát còn lại, mà chủ yếu sự khó khăn nằm ở địa điểm khai thác.

Sông Mekong bị bức tử: Hàng trăm km sông lùn đi vài mét, thảm họa đang tới rất gần? - Ảnh 4.

Tình trạng khai thác cát khiến môi trường sông Mekong chịu ảnh hưởng nặng nề.

"Mặc dù đây là vấn đề toàn cầu, nhưng quy mô giải quyết lại ở tầm địa phương. Đây là loại tài nguyên mà không ai thực sự để tâm tới," ông nói.

Một trong những cách để giải quyết vấn đề là tận dụng nguồn cát sa mạc. Các nhà khoa học từ Đại học London đã dùng cát mềm sa mạc để tạo ra loại vật liệu xây dựng mà họ gọi là "Finite". Nó cứng ngang bê tông dân dụng và còn có thể phân hủy về mặt sinh học.

Cùng lúc đó, các quốc gia cũng bắt đầu hạn chế các nguồn cung cấp cát. Việt Nam và Campuchia đã chính thức cấm xuất khẩu cát từ sông Mekong trong năm 2009 và năm 2017.

Tuy nhiên, quảng cáo về cát ở sông Mekong vẫn trôi nổi trên mạng internet, với các đơn hàng từ 20.000 tới 200.000 tấn. Rolf Aalto, một giáo sư địa lí tại Đại học Exeter, cho biết mặc dù Campuchia nói không xuất khẩu cát, nhưng Singapore vẫn thông báo về việc nhập khẩu được cát từ nước này.

Giáo sư Darby thừa nhận đang có sự thiếu hụt về dữ liệu. Ông Peduzzi cũng đồng tình và cho biết: "Hiện tại, chúng ta chỉ có những ước tính chung chung và cần tập trung nỗ lực để giải quyết vấn đề hơn. Cát cần phải được coi là một loại nguyên liệu chiến lược, không phải là một nguồn tài nguyên vô tận".

Theo Tất Đạt

Trí thức trẻ

Trở lên trên