“Sóng ngầm” đầu tư bất động sản có đang dồn về Bình Thuận?
Bình Thuận đặt mục tiêu đón khoảng 14 triệu lượt khách vào năm 2030, tăng hơn 8 triệu lượt so với hiện tại. Trong đó, mục tiêu sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.
Dự án quy mô lớn rầm rộ xuất hiện
Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận đang trở thành điểm nóng của thị trường BĐS phía Nam với sự tấn công của hàng loạt ông lớn BĐS như Novaland, Nam Group, FLC, TTC, DRH Holdings, Danh Khôi, Hưng Thịnh, Hải Phát,…với các dự án quy mô lớn. Kéo theo đó là làn sóng đầu tư cũng gia tăng mạnh mẽ ở thị trường này.
Điều đáng nói, sức hút nhà đầu tư vào BĐS Bình Thuận không chỉ tập trung ở Phan Thiết, Mũi Né, mà còn lan rộng san nhiều khu vực khác, đặc biệt là với các khu vực dọc ven biển như Thắng Hải, La Gi, Mũi Kê Gà… Riêng tại khu vực Mũi Kê Gà, hiện có 48 dự án đang tồn tại, trong đó có nhiều dự án đang bắt đầu khởi động trở lại. Vì thế, nơi đây đang trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư.
Chẳng hạn dự án Thanh Long Bay có quy mô 90ha, gồm 12 phân khu chính được quy hoạch thành tổ hợp nhà phố thương mại, tổ hợp căn hộ biển, khu shop-tel, resort 5 sao, resort. Mới đây, Chủ đầu tư là Nam Group và DKRA Vietnam đã bắt tay với nhau để phân phối các sản phẩm của dự án. Các căn hộ du lịch The Coast có giá từ 1,38 tỉ đồng đang được giới thiệu ra thị trường.
Thị trường Bình Thuận xuất hiện nhiều dự án quy mô lớn, được đầu tư bài bản theo hướng tổ hợp du lịch, đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh
Tại Phan Thiết, dự án quy mô lớn nhất Bình Thuận đang được Novaland phát triển là Nova World Phan Thiết có quy mô diện tích lên đến 1.000ha với vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đây là dự án được Novaland phát triển theo mô hình ngôi nhà thứ hai (Second Home) với hàng nghìn sản phẩm có giá trị từ khoảng 3,8 tỷ đồng đến cả chục tỉ đồng mỗi căn đã được khách hàng đăng ký mua. Cùng với đó là dự án NovaHills có quy mô trên 40 ha, cung ứng ra thị trường cuối năm nay trên 600 căn biệt thự 5 sao.
Hay, dự kiến thời gian tới, thị trường BĐS Bình Thuận sẽ đón thêm dự án Dubai của Tập đoàn TTC có diện tích gần 1.000 ha. Tương tự, Tập đoàn FLC cũng sẽ gia nhập thị trường BĐS Phan Thiết với dự án FLC Mũi Né & Beach Resrot quy mô lớn. Một “đại gia” địa ốc khác là Công ty DRH Holdings cũng đã “thâu tóm” thành công một dự án có quy mô gần 70 ha và đang phát triển thành Khu đô thị du lịch sinh thái biển cao cấp.
Theo tìm hiểu, trong những tháng đầu năm 2019, Bình Thuận đón 8 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường BĐS Bình Thuận hút dòng vốn đầu tư của các ông lớn BĐS, trong đó nguyên nhân chính yếu xuất phát từ đòn bẩy của chính sách phát triển hạ tầng. Trong những năm gần đây, chính sách phát triển hạ tầng liên vùng phía Nam không ngừng được đẩy mạnh, hàng loạt công trình trọng điểm kết nối đã, đang và sẽ được mở ra. Kéo theo đó là làn sóng đầu tư các dự án quy mô lớn và NĐT cá nhân vì thế cũng rục rịch tìm đến thị trường nơi đây để đón sóng cơ hội sinh lợi cao.
Những hoạt động giới thiệu, công bố dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp tại thị trường khu vực này phần nào đã tác động rõ nét đến nhu cầu tìm hiểu BĐS ven biển của giới đầu tư, đặc biệt trước bối cảnh thị trường đang khan nguồn cung mới. Chính điều này đã và đang tạo ra “sóng ngầm” về nhu cầu mà theo các chuyên gia dự báo, thanh khoản sẽ khá tốt ở các dự án ven biển, mức giá vừa phải.
Bất động sản Bình Thuận hứa hẹn sẽ bùng nổ
Theo các chuyên gia, với lợi thế từ lâu là thủ phủ về du lịch, chính sách phát triển hạ tầng được đẩy mạnh, Bình Thuận đang chứng kiến cuộc đổ bộ dòng vốn vào BĐS. Tính đến thời điểm hiện tại, những quỹ đất đắc địa của Bình Thuận, không chỉ ở Mũi Né, Tp.Phan Thiết mà nhiều khu vực có vị trí giáp ranh với biển ít được nhắc đến trước đây như Mũi Kê Gà, La Gi, Thắng Hải… đều đã được các ông lớn địa ốc thâu tóm trước đó để làm siêu dự án.
Không thể phủ nhận rằng, Bình Thuận là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực Nam Trung Bộ. Trong năm 2018, Bình Thuận thu hút gần 5,8 triệu lượt khách, trong đó có 675.000 lượt khách quốc tế, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, thu hút khoảng 14 triệu lượt khách, tăng hơn 8 triệu lượt so với hiện tại.
Bên cạnh thủ phủ resort hiện tại ở TP.Phan Thiết, Bình Thuận vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển các hoạt động du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí & thể thao biển rất lớn ở những khu vực khác, tiêu biểu như Hàm Thuận Nam với điểm nhấn là Mũi Kê Gà và hải đăng Kê Gà. Bãi biển nơi đây có độ dốc vừa phải, thoai thoải và lộng gió, rất phù hợp cho các hoạt động vui chơi, thể thao biển.
Dòng tiền đang có xu hướng đổ mạnh vào các dự án khu vực biển Bình Thuận
Trong đó, nhờ hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, vùng đất ven biển trải dọc từ Phan Thiết - Kê Gà - Lagi ngày càng thu hút nhiều dự án lớn, biến nơi đây thành “thủ phủ du lịch mới” của Bình Thuận trong tương lai gần. Ngoài cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đang được đề xuất mở rộng lên 10 làn xe thì cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 47,5km, rộng 6 làn xe hiện đã giải phóng mặt bằng được gần 50%, chuẩn bị khởi công trong năm 2020 theo dự kiến.
Mới đây, tại kỳ họp của HĐND Bình Thuận khóa X đã thống nhất việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường biển quốc gia (719B) đoạn Phan Thiết - Kê Gà với chiều dài khoảng 25km, chiều rộng gần 40m với tổng mức đầu tư 999 tỷ đồng và đoạn Kê Gà - Lagi - Tân Thiện với chiều dài khoảng 32km. Theo dự kiến, đến năm 2022, tuyến đường biển Phan Thiết - Kê Gà - Lagi - Tân Thiện sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đáng chú ý, để phục vụ cho chiến lược phát triển của Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nâng tổng mức đầu tư cho sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng, trở thành cảng hàng không quốc gia. Theo đó, sân bay Phan Thiết sẽ là một trong 3 sân bay lớn nhất ở khu vực miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng. Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Bình Thuận chỉ mất khoảng 30 phút. Còn đối với du khách các tỉnh thành phía Bắc như Hà Hội, Hải Phòng… đến đây cũng chỉ mất không quá 1 giờ bay.
Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Long Thành cũng đang được gấp rút chuẩn bị để đảm bảo khởi công dự án vào cuối năm 2020 và đưa vào khai thác từ năm 2025. Với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD trên diện tích đất 5.000ha, công suất 25 triệu hành khách/năm (công suất 100 triệu hành khách/năm sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn hoặc 25 triệu hành khách/năm giai đoạn 1), sân bay Long Thành là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhất cả nước hiện nay. Khi hệ thống giao thông cao tốc và các sân bay hoàn thiện sẽ tối ưu hóa thời gian di chuyển từ TP.HCM - Kê Gà không quá 2 giờ di chuyển.
Tại sự kiện Xúc tiến đầu tư Bình Thuận mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, đến nay tỉnh Bình Thuận có 1.525 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 303 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 106 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,24 tỷ USD. Tỉnh Bình Thuận đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 23 nghìn tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án. Trong số đó có 5 dự án xây dựng đô thị dịch vụ du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 15,8 nghìn tỷ đồng.
Như vậy để thấy, yếu tố hạ tầng đã và đang tác động rõ nét đến thị trường BĐS Mũi Kê Gà nói riêng, Bình Thuận nói chung. Nơi đây đang là tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp với những lợi thế tiềm năng về hạ tầng giao thông cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, được tập trung khai thác.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam cho rằng: Hiện nay, thị trường BĐS du lịch Mũi Né, Phan Thiết, địa danh Mũi Kê Gà đang có những hấp dẫn nhất định với NĐT. Những năm trước đây đang lẽ ra khu vực Mũi Kê Gà để trở thành cụm resort nghỉ dưỡng cao cấp nhưng vì một số lý do phát triển kinh tế của chính Phủ mà chúng ta làm giảm thời gian phát triển lại. Thời gian gần đây, khu vực này đang trở thành thị trường thu hút NĐT bởi tính hấp dẫn từ kết nối hạ tầng giao thông. Đặc biệt, sự xuất hiện của một số dự án quy mô lớn, khác biệt, được đầu tư bài bản theo hướng thể thao du lịch khiến khách hàng có nhiều cơ hội trải nghiệm đã khiến thị trường nơi đây trỗi dậy và hút giới đầu tư.
“Tuy vậy, nhìn chung thị trường khu vực này chỉ mới ở thời kì đầu của sự phát triển do chưa nhiều có dự án quy mô xuất hiện. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp địa ốc”, ông Lâm cho hay.