MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống ở đời, thiếu tự tin sẽ mãi hèn nhát nhưng quá tự kiêu lại dễ trở thành lố bịch, tự ngáng chân chính mình

20-02-2019 - 12:25 PM | Sống

Người ta nói "khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tự kiêu một tí cũng là thừa". Chúng ta sống trong một thế giới đề cao sự tự tin và chủ nghĩa cá nhân nhưng bạn ko phải người duy nhất, đừng để sự tự kiêu trở thành trở ngại của chính bạn

Chúng ta sống trong một thế giới coi trọng sự tự tin và cái tôi cá nhân. Chính vì thế, những người chú tâm vào phát triển điểm mạnh thay vì băn khoăn vì điểm yếu của bản thân có xu hướng dễ thành công hơn.

Nếu bạn muốn phát triển năng lực bản thân, hãy bắt đầu với việc tự đánh giá và tìm hiểu những giới hạn của mình. Bởi ít ai có thể đưa ra những lời đánh giá thành tâm và giúp ích cho bạn thực sự. Đặt cược vào bản thân luôn là phương pháp ít rủi ro nhất. Hãy nhớ rằng, người giám sát sáng suốt nhất, nghiêm khắc nhất không ai khác ngoài bản thân bạn.

Thay vì trở thành một kẻ tự cao quá lố, hãy thực hiện một số điều dưới đây để đạt được sự tự tin cần thiết:

Mở lòng với sự đánh giá của người khác

Lịch sự là nguyên tắc tối thiểu của giao tiếp. Nhưng đôi khi, với những người thân thiết, lịch sự thường biến thành sự nể nang không đáng có. Dần dà, sự thân thiện giả tạo, cả nể quá mức đã biến chúng ta thành những con người ngại phê bình và ngại bị phê bình.

Thiếu những lời nhận xét thích đáng, chúng ta không bao giờ có thể phát triển bản thân mà chỉ mãi mãi sống trong chiếc kén cùng sự an toàn giả tạo.

Sống ở đời, thiếu tự tin sẽ mãi hèn nhát nhưng quá tự kiêu lại dễ trở thành lố bịch, tự ngáng chân chính mình - Ảnh 1.

Những lời nhận xét không thành tâm không hề hiếm gặp trong cuộc sống. Bạn có thể nhận ra một người đang nói dối nếu họ chỉ nhận xét đại khái kiểu "Tốt", "Ổn mà" mà không kèm theo bất kỳ chi tiết đánh giá nào khác. Cứ như vậy, chúng ta sẽ sống mãi với ảo tưởng rằng chúng ta đang làm việc tốt trong khi thực tế chúng ta không như vậy.

Giải pháp cho hiện trạng trên không gì khác ngoài chủ động tạo điều kiện cho người khác nhận xét bạn. Thay vì hỏi người khác rằng "Tôi đang làm ổn phải không?", hãy nhờ họ đưa ra những nhận xét chi tiết, điểm nào được, điểm nào chưa. Hỏi sếp hay đồng nghiệp rằng "Tôi cần làm gì để cải thiện kết quả công việc?", "Tôi còn những khuyết điểm nào nhỉ?".

Hãy cứ thẳng thắn và giúp người khác thoải mái nhận xét bạn bằng cách nhấn mạnh rằng "Tôi không để bụng nếu bạn có nhận xét không hay". Giải thích với họ rằng bạn cần chỉ dẫn để hoàn thiện bản thân và đó là cách bạn ra tín hiệu ngầm rằng bạn trân trọng lời phê bình nhiều hơn là lời khen.

Nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống cũng không ai bằng mình, muốn tiến bộ, hãy học tập những người thành công hơn

So sánh là khập khiễng nhưng theo một số nghiên cứu, nó giúp người ta cải thiện hiệu suất làm việc. Trong khi so sánh với những người kém hơn chỉ mang lại sự tự mãn không đáng có thì đặt bản thân bên cạnh những người xuất chúng hơn mang lại cho chúng ta sự cải thiện.

Chọn sự thỏa mãn hay tiến bộ là tùy thuộc vào bạn. Sau cùng, chỉ có sự phát triển mới mang lại trạng thái hài lòng dài hạn, nên hãy cân nhắc bạn nhé!

Đừng giới hạn năng lực bản thân

Con người sinh ra là khác biệt. Hành vi, suy nghĩ tạo nên dấu ấn cho mỗi chúng ta. Một số người chỉ tập trung phát triển một khía cạnh năng lực. Ví dụ, một nhà tâm lý học sẽ chỉ quan tâm là những thành tựu đạt được trong lĩnh vực này.

Thế nhưng, cũng có một số người đòi hỏi sự hoàn thiện ở tất cả mọi mặt. Bằng cách đa dạng hóa thế mạnh bản thân, lòng tự tôn của những con người này không bị gói gọn trong một lĩnh vực cụ thể nào. Cũng nhờ đó, họ ít bị tổn thương hay ảnh hưởng bởi những thất bại bởi tất cả những gì họ làm là cố gắng không ngừng hoàn thiện bản thân.

Sống ở đời, thiếu tự tin sẽ mãi hèn nhát nhưng quá tự kiêu lại dễ trở thành lố bịch, tự ngáng chân chính mình - Ảnh 2.

Những người như vậy hiểu rằng sự cố gắng, nỗ lực sẽ luôn mang lại thứ gì đó có giá trị, dù cho đó là động lực hay những vết thương lòng. Họ sẽ không gục ngã hay đau đớn quá nhiều khi gặp thất bại bởi họ có nhiều hơn một vấn đề để quan tâm. Nếu luôn nỗ lực hết mình trong mọi khía cạnh, bạn sẽ tự rèn luyện kỷ luật khắt khe cho bản thân và đổi lại cho tất cả những điều đó, bạn sẽ nhận lại sự tự tin.

Việc càng khó càng cần cố gắng

Đôi khi thất bại, khó khăn làm bạn sợ hãi, tổn thương nhiều đến nỗi bạn thà hèn nhát tự nói dối bản thân còn hơn dũng cảm đối mặt với hiện thực. Hãy giữ cho mình sự tỉnh táo trước thực tại dù cho điều đó có khó khăn thế nào đi chăng nữa. Học cách đối mặt hiện thực thay vì chạy trốn khỏi nó.

Nếu bạn mắc lỗi, thay vì đay nghiến bản thân, hãy tập trung tìm cách khắc phục nó. Nếu bạn coi thứ gì đó quan trọng như mạng sống của mình, hãy sống chết với nó cho đến khi chinh phục được hoàn toàn. Nỗi đau đôi khi là liều thuốc cần để phát triển bản thân. Không phải tài năng, động lực mới là thứ quyết định sự nghiệp của bạn sẽ đi xa đến đâu. Hãy nhớ, động lực tạo nên năng lực.

Sống ở đời, thiếu tự tin sẽ mãi hèn nhát nhưng quá tự kiêu lại dễ trở thành lố bịch, tự ngáng chân chính mình - Ảnh 3.

Đừng để cái tôi đi xa quá

Cái gì quá cũng không tốt và lòng tự tin cũng vậy. Đừng đối xử quá khắt khe với bản thân nhưng cũng đừng quên nghiêm khắc đúng lúc đúng chỗ. Dù bạn là ai, mấu chốt thành công nằm ở sự cân bằng giữa lòng tự tôn và khả năng tự đánh giá, phê bình. Biết tuyên dương bản thân nhưng cũng đừng quên khắt khe với lỗi lầm của mình!

Nếu bạn không nỗ lực vì chính bản thân mình thì chẳng ai có thể. Bạn không thể bắt người khác trở thành kẻ chịu trách nhiệm cho hành vi của mình được. Bạn phải là người đó. Muốn phát triển toàn diện, muốn có thành công, hãy trở thành vị huấn luyện viên nghiêm khắc nhất của chính mình.

Minh An

Fastcompany

Trở lên trên